Đã 10 ngày rồi. 10 ngày kể từ lần cuối họ nhận được lượng nước ít ỏi. Đối với nhiều gia đình, nước của họ đã hết từ vài ngày trước. Họ khát và bẩn.
Người dân sống tại trung tâm mua sắm cao cấp của Delhi được cung cấp 600 lít (158,5 gallon) nước cho mỗi hộ gia đình - chỉ đủ để sống sót cho đến khi đợt nước tiếp theo đến.
Theo một báo cáo gần đây của Niti Aayog, một trung tâm nghiên cứu chính sách thuộc chính phủ Ấn Độ, đất nước này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nước tồi tệ nhất trong lịch sử, với 600 triệu người đối phó với tình trạng thiếu nước. Trung bình 200.000 người Ấn Độ chết mỗi năm do nguồn cung cấp nước không đủ hoặc ô nhiễm nước.
Theo ước tính, 21 thành phố lớn của Ấn Độ sẽ cạn kiệt nước ngầm vào năm 2020 - chỉ một năm nữa. Khi Ấn Độ phát triển và tăng cường hỗ trợ 1,3 tỷ người dân trong đất nước, những người ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng nước cho rằng cuộc khủng hoảng sẽ trở nên tồi tệ hơn.
"Chúng tôi có quá nhiều người trong khi có quá ít nước. Thật không may, mọi người không nhận ra điều đó thực sự đáng sợ như thế nào”, Jyoti Sharma, người sáng lập và chủ tịch của FORCE, một tổ chức phi chính phủ của Ấn Độ về bảo tồn và vệ sinh nước cho biết.
Khi các quốc gia như Ấn Độ khô cằn hơn do biến đổi khí hậu, Sharma cảnh báo rằng nước có thể sớm trở thành vấn đề chênh lệch toàn cầu.
Vấn đề
Nói một cách đơn giản, nguồn nước của Ấn Độ đang cạn kiệt.
Vấn đề chính của Ấn Độ là hầu hết nhu cầu về nước của đất nước này phụ thuộc vào nước ngầm. Hàng thập kỷ đào hố khoan - đường ống được khoan trong lòng đất để tiếp cận với nước - ủng hộ hệ thống thu hoạch nước truyền thống cho thấy Ấn Độ đang bị cạn kiệt nguồn nước ngầm nghiêm trọng.
"Chúng ta là những người sử dụng nước ngầm lớn nhất thế giới. Thật tồi tệ, đó là một tình trạng khủng hoảng rất nghiêm trọng", Joydeep Gupta, biên tập viên Nam Á của Third Pole, một trang web tin tức chuyên về các vấn đề môi trường cho biết.
Khi Ấn Độ đô thị hóa hơn và hàng triệu người chuyển đến các thành phố, nhu cầu về nước tăng lên. Các thành phố phải tìm kiếm nhiều hơn nữa cho các nguồn nước, được bơm hàng trăm km qua đường ống.
Theo báo cáo, 100 triệu người, bao gồm cả những người ở các thành phố lớn như Delhi, Bangalore và Hyderabad sẽ sớm sống ở các thành phố không có nước ngầm.
Thêm vào đó, Ấn Độ là một nước có ngành nông nghiệp phát triển, với 80% nước được sử dụng để tưới cho các loại cây trồng khát như mía và lúa.
"Các chính sách của một số bang cung cấp điện miễn phí cho nông dân hoặc hỗ trợ tài chính cho khai thác nước ngầm - giếng khoan và giếng ống dẫn đến việc khai thác và lãng phí tài nguyên không kiểm soát được", Suresh Rohilla, Giám đốc quản lý nước đô thị thuộc Trung tâm Khoa học và Môi trường Ấn Độ nói với CNN hồi năm ngoái.
Giải quyết vấn đề là thay đổi mô hình khí hậu, khiến nguồn cung cấp nước không chắc chắn hơn nhiều. Gupta cho rằng mưa gió mùa đã thất thường hơn và hạn hán phổ biến hơn, đe dọa thu hoạch của nông dân. Mùa đông ngắn hơn và mùa hè dài hơn, nóng hơn đang làm gia tăng sự tan chảy băng hà ở dãy Himalaya chảy vào các con sông phía Bắc của Ấn Độ.
Đó là một cuộc khủng hoảng đang diễn ra trên cả nước.
Mực nước ngầm cạn kiệt, hạn hán và nợ nần đã gây ra một cuộc khủng hoảng nông nghiệp ngày càng nghiêm trọng và khiến nhiều nông dân phải tìm đến cái chết. Đối chiếu với dữ liệu của chính phủ Ấn Độ, tổ chức phi chính phủ Down to Earth có trụ sở tại Mumbai cho biết hơn 200.000 người nông dân đã tự tử từ năm 1995.
Năm ngoái, Shimla ở bang Himachal Pradesh, phía Bắc Ấn Độ rơi vào tình trạng gần như cạn kiệt nước, gây ra cảnh tượng người dân tranh giành nước, xếp hàng dài, biểu tình đòi nước và khuyến cáo du khách không đặt chân đến nơi đây.
Ở các thành phố lớn như Bangalore và Hyderabad - hai trung tâm công nghệ thông tin lớn, quản lý các tàu chở nước, chuyển nước và đưa ra giá cả khi các thành phố hoàn toàn phụ thuộc vào bể để lấy nước.
Giá nước ở khu vực nông thôn mới là điều đáng sợ. Khi giếng khoan không có nước, người dân buộc phải đi bộ hàng dặm hoặc trả “giá cắt cổ” mới mua được nước.
Đường thủy của Ấn Độ cũng trở nên độc hại khi hàng tỷ lít nước thải, bao gồm cả hóa chất chảy ra và nước thải thô được bơm vào chúng mỗi ngày.
Chiến lược đối phó
Nước ở Ấn Độ hiện đang là một mặt hàng quý giá, và người dân của khu ổ chuột Vasant Kunj cần phải tiết kiệm nước càng nhiều càng tốt.
Mỗi hộ gia đình được cơ quan nước của New Delhi cấp 600 lít (158,5 gallon) nước miễn phí vào mùa hè và mùa đông nhưng người dân cho rằng không đủ để kéo dài 10 ngày cho đến khi xe chở nước quay trở lại.
Nước quyết định cuộc sống ở đây. Bất kể vào thời gian nào, đàn ông và phụ nữ dù ra ngoài làm việc đều được gọi quay trở lại khu ổ chuột nếu một xe chở nước chuẩn bị đến. Tuy nhiên, không có thời gian chính xác cho sự xuất hiện của xe chở nước, có thời điểm xe này đến lúc 1 giờ sáng.
"Chờ nước là việc kéo dài cả ngày. Họ chỉ chờ để lấy nước", Fatima Bibi nói.
Việc thiếu nước đến mức kinh ngạc là tình hình đáng báo động trong khu ổ chuột.
Các đống thùng chứa nước màu đen và màu xanh lam, mỗi thùng được đánh dấu riêng biệt cho các gia đình khác nhau được xếp chồng lên nhau bên ngoài các túp lều, làm cho các làn đường nhỏ lại càng hẹp hơn.
Fatima Bibi chia sẻ: "Chúng tôi chỉ dám lấy một nửa xô nước để tắm hàng ngày và thậm chí có một số ngày chúng tôi không thể tắm được. Chúng tôi dùng nước để rửa rau, sau đó, chúng tôi sử dụng lại để giặt quần áo”.
Nước được sử dụng một lần, sau đó được dùng lại lần hai và tái sử dụng lần ba. Ngay cả nước bẩn cũng có thể được sử dụng lại để làm sạch ở nơi khác.
Không có vòi hoặc ống. Không có cống. Không vệ sinh. Những chiếc xô được xếp bên ngoài mọi ngôi nhà - không một chút nước nào bị lãng phí ở đây.
"Thiếu nước gây ra những vấn đề lớn ở đây. Những cuộc cãi vã xảy ra trong các gia đình nếu hết nước trước khi xe chở nước đến. Có những gia đình xảy ra mâu thuẫn giữa vợ và chồng vì người chồng cho rằng vợ sử dụng nhiều nước” - Malika Bibi, một người dân ở Vasant Kunj nói.
Fatima Bibi đã xây dựng một bể chứa nước trong lòng đất cạnh nhà cô để hứng nước mưa. Cô đã gom tiền từ hàng xóm của mình và họ hy vọng sẽ lắp đặt một động cơ để họ có thể bơm nước lên và sử dụng.
Mặc dù thô sơ nhưng đó là một giải pháp khéo léo cho vấn đề của họ.
"Tôi muốn góp sức nhiều hơn cho cộng đồng và nước của chúng tôi. Những đứa trẻ của chúng tôi xứng đáng được hưởng một cuộc sống tốt hơn bố mẹ của chúng", Fatima Bibi chia sẻ.