Theo các nhà khoa học, khủng hoảng khí hậu khiến cho các đợt nóng kỷ lục ở Tây Bắc Ấn Độ và Pakistan tăng cao gấp 100 lần. Điều này có nghĩa là những đợt nắng nóng thiêu đốt như hiện tại vốn chỉ diễn ra 3 thế kỷ 1 lần nhưng nay lại có khả năng xảy ra 3 năm 1 lần.
Ấn Độ và Pakistan hiện đang phải hứng chịu nắng nóng gay gắt, trong đó thủ đô New Delhi của Ấn Độ đã lập kỷ lục mới vào ngày 16/5 khi ghi nhận nhiệt độ cao hơn 49°C, còn Pakistan có nhiệt độ đỉnh điểm lên tới 51°C. Tình trạng thời tiết oi bức khiến cho hàng triệu người dân đang bị mất mùa, mất nước và mất điện.
Trung tâm dự báo thời tiết quốc gia Met Office (Anh) đã so sánh nhiệt độ cao nhất ở Tây Bắc Ấn Độ và Pakistan vào tháng 4 và tháng 5 năm 2010 với năm 2022 để thấy rằng nhiệt độ hiện tại trong khu vực đang trên đà tăng cao hơn kỷ lục trước đây.
Các nhà khoa học phát hiện ra đợt nắng nóng năm 2010 có khả năng xảy ra cao hơn 100 lần trong hoàn cảnh biến đổi khí hậu hiện tại. Phân tích cũng cho thấy vào cuối thế kỷ 21, những đợt nắng khắc nghiệt như vậy sẽ xảy ra hầu như hàng năm, ngay cả khi lượng khí thải carbon giảm.
Ông Paul Hutcheon tại Met Office cho biết: “Nhiệt độ tối đa có thể đạt tới 50°C vào cuối tuần và nhiệt độ ban đêm cũng không giảm nhiều”.
Các phân tích khác cũng chỉ rõ những trận lũ lụt ở Nam Phi và châu Âu, sóng nhiệt ở Bắc Mỹ và các cơn bão ở Đông Nam châu Phi đã tăng lên do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng khí hậu.
Tiến sĩ Friederike Otto thuộc Đại học Hoàng gia London (Anh) khẳng định: “Hậu quả của việc đốt nhiên liệu hóa thạch đã quá rõ ràng. Nếu thế giới không giảm mạnh sử dụng dầu, khí đốt và than đá, các tác động của biến đổi khí hậu do con người gây ra sẽ tiếp tục tồi tệ hơn”.
Mặt khác, Liên Hợp Quốc nhấn mạnh, các chỉ số toàn cầu về cuộc khủng hoảng khí hậu đã phá vỡ các kỷ lục mới nhất vào năm 2021, từ mực nước biển dâng đến mức độ phát thải nhà kính trong bầu khí quyển.