Báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) cho biết: “Cát là nguồn tài nguyên thiên nhiên được khai thác nhiều nhất trên thế giới sau nước, nhưng việc sử dụng nó phần lớn không được kiểm soát. Chúng ta đang tiêu thụ cát nhanh hơn quá trình tái tạo của nó thông qua các quá trình địa chất mất hàng trăm ngàn năm”.
Việc tiêu thụ cát toàn cầu để sản xuất các vật liệu thủy tinh, bê tông và xây dựng đã tăng gấp 3 lần trong hơn 2 thập kỷ và chạm mốc đạt 50 tỷ tấn mỗi năm, khoảng 17kg/người mỗi ngày. Điều này đã gây ảnh hưởng trầm trọng lên các dòng sông, bờ biển và quét sạch các hòn đảo nhỏ.
Ông She Sheila Aggarwal-Khan, Giám đốc bộ phận kinh tế tại UNEP cho biết: “Chúng ta hiện đang ở ngưỡng cửa mà nhu cầu và kỳ vọng của xã hội sẽ không thể được đáp ứng nếu như không có biện pháp cải thiện tài nguyên cát. Nếu hành động ngay bây giờ, chúng ta vẫn có thể tránh được cuộc khủng hoảng cát xảy ra”.
Ông Pascal Peduzzi, Giám đốc khoa học thuộc chương trình UNEP cho rằng việc khai thác cát quá mức đã gây ra những ảnh hưởng rõ rệt. Tại sông Mekong - con sông dài nhất Đông Nam Á - quá trình khai thác cát đã khiến đồng bằng bị sụt lún, các vùng đất màu mỡ bị nhiễm mặn. Trong khi đó, tại dòng sông Sri Lanka, việc hút cát đã gây đảo ngược dòng nước, khiến nước biển chảy vào đất liền.
Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ cát gia tăng ở châu Phi do dân làng đã tận dụng cát từ các bãi biển để xây dựng các thành phố đang phát triển. Trong một số trường hợp, việc này có thể khiến các bờ biển dễ bị tổn thương hơn trước tác động của biến đổi khí hậu, chẳng hạn như các cơn bão mạnh.
LHQ kêu gọi cấm khai thác cát ở các bãi biển, xây dựng tiêu chuẩn quốc tế cho hoạt động nạo vét cát có thể gây tổn hại đến đa dạng sinh học đại dương. Đồng thời, LHQ cũng khuyến khích sử dụng vật liệu tái chế thay thế cát tự nhiên.