Khu vực Thanh Hóa – Quảng Trị: Cần đề phòng mưa cường suất lớn trong tối và đêm nay
(TN&MT) - Đến 17h chiều nay 19/9, áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 4 đã ở trên khu vực biên giới Việt – Lào. Bão tan nhưng chiều tối và đêm nay, dự báo khu vực từ Hà Tĩnh - Quảng Trị tiếp tục mưa lớn và cần đề phòng có nơi xuất hiện mưa cường suất lớn hơn 100mm trong 6 giờ.
Theo ông Vũ Anh Tuấn, Phó trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường), do ảnh hưởng của bão số 4, đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) đã có gió mạnh cấp 9, giật cấp 10; Hoành Sơn (Hà Tĩnh) gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; Kỳ Anh (Hà Tĩnh) có gió giật mạnh cấp 9; Lệ Thủy (Quảng Bình) gió mạnh cấp 6, giật cấp 10.
Từ sáng đến chiều nay, khu vực từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế đã có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng phổ biến từ 100 – 200mm, một số nơi trên 200mm như Tà Long (Quảng Trị) 292mm; Mai Hóa (Quảng Trị) 204mm…
Sau khi đi vào đất liền Quảng Bình - Quảng Trị, chiều nay, bão số 4 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Dự báo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, vượt qua biên giới Việt Nam - Lào và trở thành một vùng áp thấp. Vùng đất liền ven biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị trong tối và đêm nay khả năng còn có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.
Đại diện Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia đặc biệt lưu ý, từ đêm nay tới đêm mai 20/9, khu vực từ Thanh Hóa trở vào Quảng Trị vẫn tiếp tục có mưa lớn. Lượng mưa phổ biến 100 -200mm, có nơi trên 300mm. Cường suất mưa trong 6 tiếng có nơi có thể đạt trên 150mm. Với lượng mưa lớn và dồn dập như vậy, khu vực này có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Cơ quan KTTV cũng đã phát đi cảnh báo lũ trên sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình, Quảng Trị. Mưa lớn với cường suất lớn nhiều khả năng gây ngập lụt đô thị, đặc biệt ở các khu vực có đông dân cư sinh sống.
Bên cạnh đó, vùng biển từ Nghệ An đến Đà Nẵng (bao gồm cả huyện đảo Cồn Cỏ, Hòn Ngư) trong đêm nay vẫn còn có gió mạnh cấp 6-7 (39-61km/h), giật cấp 8 (62-74km/h), sóng biển cao 2 - 4m, biển động.
Do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, ở khu vực biển từ Bình Định - Cà Mau, phía Nam của khu vực Giữa Biển Đông và khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, sóng biển cao từ 3 - 5 m. Biển động mạnh. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên các khu vực trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của lốc xoáy, gió mạnh và sóng lớn.