Theo chân anh Võ Huỳnh Nhất Phương- cán bộ Văn phòng UBND phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng), chúng tôi xuống khối phố Chơn Tâm 1B7, khối phố này có 3 tổ dân phố 16, 17, 18, với 320 hộ dân, thuộc 19 tổ dân phố nằm trong dự án quy hoạch ga Đà Nẵng mới. Ông Nguyễn Nhi- Trưởng Ban công tác mặt trận khối phố cười khà khà: “Gọi là phố cho “oai”, chứ những khu dân cư ở đây thì còn thua kém xa một làng quê đã được xếp hạng nông thôn mới ở Hòa Vang, hay Quảng Nam....!”.
Chả cần hỏi, tự ông Nhi cứ trình bày ào ào: “Đấy các anh xem, như gia đình tôi có 11 người, 2 vợ chồng già, 3 cặp vợ chồng hai đứa con gái, 1 thằng con trai, cháu ngoại cháu nội, 15 năm nay chen chúc trong ngôi nhà cấp 4 chưa đầy 100 m2. Tổng diện tích đất của tôi 870 m2, nhưng đành để không, vì không thể tách thửa, chia chác cho con cái được... Mười mấy tổ dân phố ở đây, có đến hơn một nửa số hộ dân có hoàn cảnh sống như gia đình tôi”.
Hình như đã quá quen với cảnh sống tạm bợ này, ông Nhi cũng chẳng lấy làm bức xúc, cứ dẫn chúng tôi đi quanh, giới thiệu một cách tự nhiên, như “hướng dẫn viên” du lịch vậy. Nguồn điện sinh hoạt ở đây thì tốt, nhưng hệ thống đường dây thì xuống cấp tạm bợ, chằng chịt, quấn quýt, vì khu dân cư toàn ngõ ngách, kiệt hẻm. Người lạ vào, khó mà tìm đường ra. Ông Nhi bảo, năm nào cũng xảy ra chập cháy về điện, rất may là không thiệt hại về tài sản và người...
Nói về nước sinh hoạt, cách đây 15 năm, hệ thống đường ống chỉ đảm bảo cung cấp cho hơn 400 hộ dân lúc đó, nhưng nay đã là hơn 2000 hộ dân, thành ra vào mùa nắng, tình trạng tụt nước, thiếu nước liên tục xảy ra. “Trước đây hộ dân nào cũng có giếng đóng, giếng đào, nhưng nay đã bị ô nhiễm nặng, không thể sử dụng vào bất cứ việc gì nữa”- ông Nhi nói.
Có lẽ đáng sợ nhất nơi đây là vấn nạn ô nhiễm môi trường. Gần như 19 tổ dân cư ở đây không có hệ thống cống rãnh thoát nước. Nhiều hộ dân bao quanh vẫn là những ao chuôm, mọc đầy thứ cây môn hoang dại, mà người ta thường dùng chỉ để nấu cho heo ăn, cũng là nơi chứa nước thải tù đọng, là ổ sinh sôi của ruồi, muỗi, ổ dịch bệnh... Tôi hỏi: “Thế hàng ngày sinh hoạt, tắm rửa, giặt giũ, vệ sinh nước thải chảy đi đâu...?”. “Thì cứ kệ nó chảy tràn ra sân, ra đường, rồi tự nó ngấm xuống đất chứ đi đâu nữa”- ông Nhi trả lời hồn nhiên.
Khủng khiếp nhất là vào mùa mưa, nhiều con đường kiệt hẻm còn là đường đất, nước mưa ứ đọng, trộn lẫn nước thải, kể cả hầm cầu vệ sinh dềnh lên, lênh láng khắp nơi, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Ai vào khu vực dân cư này cũng phải ái ngại. Không chỉ mùa mưa, những ngày nắng nóng, nước thải ứ đọng bao quanh khắp khu vực cũng bốc mùi khó tả.
Thấy tôi băn khoăn về cuộc sống người dân nơi đây lâu nay bất an thế này, mà ít nghe thấy thông tin, hay báo chí phản ánh, ông Nhi lại cười khà khà: “Thì bà con dân tui lâu nay “quen” rồi, mà phản ánh thì có giải quyết được chuyện gì đâu, hơn nữa, ai vào khu vực này người ta cũng “ngại”, vì đường ngang ngõ tắt, vì cống rãnh tù đọng, vậy thì báo chí các anh làm sao mấy khi biết được...!”.
Dẫn chúng tôi sang một con hẻm, nằm bên một rãnh nước thải đen ngòm, nhầy nhụa bùn, rác, ông Nhi đưa chúng tôi vào nhà bà Trương Thị Tịnh. Bà Tịnh đã ngoài 60 tuổi, không có chồng, cha mẹ đã mất nay ở một mình trong ngôi nhà lợp tôn chỉ rộng chừng 40 m2. Bà Tịnh thuộc hộ nghèo của khu dân cư. Chỉ tay lên mái tôn rỉ rách, bập bùng, bởi thanh xà gồ đỡ mái tôn đã gãy, bà Tịnh phân trần: “Muốn sửa lại nhà lắm, nhưng không biết lấy tiền đâu mà sửa. Mà có khi có tiền cũng chẳng dám sửa kỹ, sợ “mấy ổng” phạt...”- bà Tịnh nói.
Vòng quanh khu vực dự án đã quy hoạch, vượt lên một con dốc đường đất đỏ, nằm trên một gò đồi thuộc tổ dân cư 15, điều bất ngờ với chúng tôi là một khu vực nghĩa trang với hàng trăm ngôi mộ, nằm lọt, kề sát với các nhà người dân khu vực. Những ngôi nhà tạm bợ, xây dựng đủ kiểu hình dạng, xoay đủ hướng, cũng chằng chịt dây điện, ùn ứ rác thải, những rãnh nhày nhụa bùn nước thải, cây cỏ dại bao quanh.
Anh Hoàng, một người dân khu vực cho biết, khu dân cư này đã sống ở đây từ lâu, nhiều hộ cũng đã trên 10 năm. Những ngày mưa, nước từ các khu mồ mả chảy tràn cả vào nhà cửa của người dân, sống ngay khu nghĩa địa này, biết là bất an về vệ sinh môi trường, nhưng đành vậy, vì không biết làm sao.
Cuộc sống chen chúc, chật chội, ô nhiễm môi trường trầm trọng, nhà cửa xuống cấp không có kinh phí sửa chữa, hoặc không thể sửa chữa... là những vấn đề đang diễn ra thường ngày ở hàng trăm hộ dân, nhiều tổ dân phố ở khu dự án ga đường sắt Đà Nẵng mới đã quy hoạch từ 15 năm nay ở Hòa Khánh Nam...