Thông báo tại buổi họp báo, ông Nguyễn Văn Thi – Trưởng ban Quản lý KKT Nghi Sơn cho biết: Phát huy tiềm năng, lợi thế thu hút đầu tư và những chính sách ưu đãi được hưởng mức cao nhất theo khung quy định của Nhà nước, KKt Nghi Sơn đã đạt được những kết quả nhất định như: Đã đầu tư hoàn thiện 52 công trình, hạng mục hạ tầng kỹ thuật cơ bản, thiết yếu; Thu hút được 141 dự án đầu tư trong nước và 8 dự án FDI, vốn đăng ký đạt 97.094 tỷ đồng và 9.823,4 triệu USD, vốn thực hiện đạt 42.900 tỷ đồng và 6.756 triệu USD; Đã có 59 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, hầu hết các dự án đều đang trong thời gian được hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật. Giai đoạn 2011 – 2015, giá trị sản xuất công nghiệp, thương mại – dịch vụ đạt 44.500 tỷ đồng, nộp ngân sách đạt 6.700 tỷ đồng, xuất khẩu đạt 500 triệu USD; Giải quyết việc làm cho 45.000 lao động.
Nhiều dự án lớn đang hoạt động có hiệu quả như: Nhiệt điện Nghi Sơn 1, Giày Annora, Xi măng Nghi Sơn, Xi măng Công Thanh… đặc biệt là Dự án Khu Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, vốn đầu tư 9,3 tỷ USD đang gấp rút xây dựng để đảm bảo tiến độ đến tháng 11/2016 hoàn thành hạng mục cơ khí, đến tháng 07/2017 đi vào vận hành thương mại. Đến hết năm 2015, tỷ lệ lấp đầy đất công nghiệp trong KKT Nghi Sơn đạt 70%, cơ bản đáp ứng yêu cầu đặt ra và cũng là điều kiện tiên quyết để được Chính phủ xem xét chấp thuận mở rộng KKT.
Ngày 12/06/2015, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định điều chỉnh mở rộng diện tích KKT Nghi Sơn lên 106.000 ha, bao gồm toàn bộ diện tích của huyện Tĩnh Gia và 6 xã thuộc các huyện Nông Cống, Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa.
Toàn cảnh buổi họp báo |
Nhằm phát huy lợi thế của từng địa phương, góp phần hình thành các vùng kinh tế động lực, ngoài KKT Nghi Sơn, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã hình thành 8 KCN tập trung, tổng diện tích đất quy hoạch là 2.035 ha, bao gồm: KCN Lễ Môn 87 ha, KCN Đình Hương – Tây Bắc Ga 180 ha, KCN Bỉm Sơn 566 ha, KCN Hoàng Long 286 ha, KCN Lam Sơn – Sao Vàng 550 ha, KCN Thạch Quảng 100 ha, KCN Bãi Trành 116 ha, KCN Ngọc Lặc 150 ha. Trong đó, KCN Đình Hương – Tây Bắc Ga và KCN Lễ Môn đã xây dựng hoàn thành và đi vào hoạt động, các KCN khác đang trong giai đoạn triển khai xây dựng. Tổng mức thu hút được 208 dự án đầu tư trong nước và 14 dự án FDI, vốn đăng ký đạt khoảng 13.237 tỷ đồng và 300 triệu USD, vốn thực hiện đạt 4.832 tỷ đồng và 233 triệu USD. Tỷ lệ lấp đầy đất công nghiệp cho thuê tại KCN Lễ Môn và KCN Đình Hương – Tây Bắc Ga (giai đoạn 1 là 100%), KCN Đình Hương – Tây Bắc Ga giai đoạn 2 đạt 50%, KCN Bỉm Sơn đạt 30%. Giai đoạn 2011 – 2015, giá trị sản xuất công nghiệp, thương mại – dịch vụ đạt 22.500 tỷ đồng, thu ngân sách đạt 850 tỷ đồng, xuất khẩu 1.010 triệu USD, tạo việc làm thường xuyên cho trên 50.000 lao động.
Cảng nước sâu Nghi Sơn nhộn nhịp tàu bốc xếp hàng hóa |
Sự phát triển của KKT Nghi Sơn và các KCN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong thời gian qua đã góp phần tạo ra kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội mới, huy động được nguồn lực đáng kể của các thành phần kinh tế để mở rộng, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng CNH, HĐH; Đa dạng hóa ngành nghề, cơ bản hình thành các ngành công nghiệp mũi nhọn trong KKT Nghi Sơn và các KCN; Nâng cao trình độ công nghệ và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, tang cường xuất khẩu, mở rộng hợp tác quốc tế; Giải quyết việc làm, nâng cao dân trí, thực hiện chính sách xã hội, bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững, đóng góp cho ngân sách địa phương ngày một tang; Đời sống nhân dân và người lao động được nâng lên, anh ninh trật tự được giữ vững, chỉ số năng lực cạnh tranh được cải thiện… KKT Nghi Sơn và các KCN đã và đang khẳng định là vai trò động lực, tác động tích cực đến sự phát triển của tỉnh, của vùng và của cả nước.
Ông Nguyễn Văn Thi còn cho biết: Trong giai đoạn tới, Thanh Hóa sẽ tập trung mọi nguồn lực và triển khai đồng bộ các giải pháp cụ thể để đầu tư xây dựng và phát triển KKT Nghi Sơn và các KCN, đến năm 2020 KKT Nghi Sơn trở thành một trong những trung tâm đô thị - công nghiệp và dịch vụ ven biển trọng điểm của cả nước, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh và vùng kinh tế Bắc Trung Bộ. Phát huy lợi thế vùng để xây dựng và phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh gắn với các vùng kinh tế động lực, tạo các cực tăng trưởng và sức lan tỏa cho toàn bộ nền kinh tế
Nguyễn Dũng - Anh Tú