Khu công nghiệp sinh thái: Hướng đi cho tương lai

14/08/2014 00:00

(TN&MT) - Việc phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái gắn chặt giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường được xem như hướng đi mới...

(TN&MT) - Việc phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái gắn chặt giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường được xem như hướng đi mới trước thực trạng phát triển cụm, khu công nghiệp diễn ra mạnh mẽ tại nước ta hiện nay.
   
Bourbon An Hòa được coi là KCN đầu tiên ở Việt Nam xây dựng theo tiêu chí KCNST.
   
Thế giới đã thành công
   
  Theo “Sổ tay phát triển khu công nghiệp sinh thái cho các nước đang phát triển Châu Á” của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), có 7 nguyên tắc cơ bản để xây dựng một KCN theo hướng một khu công nghiệp sinh thái (KCNST) gồm: Hài hòa với thiên nhiên; Hệ thống năng lượng; Quản lý dòng nguyên liệu và chất thải; Cấp thoát nước; Quản lý KCNST hiệu quả; Xây dựng/cải tạo; Hòa nhập với cộng đồng địa phương.
   
  Ước tính, trên thế giới có khoảng 30 KCNST chia thành các nhóm khác nhau... Tuy nhiên, có thể phân loại các KCNST thành 5 nhóm sau: KCNST nông nghiệp; KCNST tái tạo tài nguyên; KCNST năng lượng tái sinh; KCNST nhà máy điện và KCNST lọc hóa dầu hay hóa chất. Sự khác nhau này tùy thuộc vào chính sách phát triển của mỗi quốc gia, đặc điểm điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và môi trường tại khu vực đặt KCNST hay các KCNST được tái thiết lại từ những KCN.
   
  KCN Kalundborg, Đan Mạch được coi là KCN điển hình đầu tiên trên thế giới ứng dụng những nghiên cứu của STHCN vào việc phát triển một hệ thống cộng sinh công nghiệp thông qua sự trao đổi năng lượng và nguyên vật liệu giữa các công ty. Thành phần chính trong Hệ STCN này là nhà máy điện Asnaes công suất 1.500 MW. Hầu hết các trạm phát điện sử dụng nhiên liệu hoá thạch, hiệu suất cực đại để chuyển hoá năng lượng từ quá trình đốt than thành điện năng chỉ đạt 40%, còn lại 60% năng lượng bị thải ra môi trường bên ngoài dưới dạng nhiệt và phần lớn ở dạng hơi nước và khí Ethane và Methane, nhiệt thừa, dung môi, thạch cao, xỉ than, bùn thải, tro bụi,... Những năng lượng dư thừa và chất thải được sử dụng có hiệu quả cho các nhà máy trong cùng KCN, tránh thải bỏ vào môi trường tự nhiên. Hay tại Thái Lan đất nước đứng thứ hai trên thế giới về số lượng KCNST (29) chỉ sau Mỹ (40) cũng đang áp dụng thành công từ mô hình phát triển KCNST.
   
Việt Nam: Đi sau học được gì?
   
  Việc áp dụng KCNST tại Việt Nam là một trong những giải pháp để hướng đến tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Tuy nhiên, để phát triển và nhân rộng mô hình này tại Việt Nam theo Tiến sĩ Trần Thị Mỹ Diệu, Trưởng khoa Công nghệ và Quản lý Môi trường (Đại học Văn Lang, TP. HCM cho rằng: Để phát triển theo định hướng KCNST các khu công nghiệp còn cần phải xem xét đến 4 yếu tố chính gồm: Thứ nhất,  thiết kế thân thiện môi trường, chú trọng đến không gian bên ngoài, nhà xưởng, phòng làm việc và bảo đảm mạng lưới không gian xanh trong phạm vi từng cơ sở sản xuất và trong khu công nghiệp; Thứ hai, quy hoạch dòng vật chất và năng lượng hiệu quả thông qua thiết kế hệ thống sử dụng năng lượng, tài nguyên, hệ thống tái sử dụng và tái chế chất thải; Thứ ba, xây dựng mạng lưới cộng sinh công nghiệp thông qua hoạt động chia sẻ tài nguyên và thông tin; Thứ tư, hình thành những nét đặc trưng của khu công nghiệp với các dịch vụ phục vụ chung cho khu công nghiệp và khu dân cư lân cận.
   
  Nhìn nhận về quá trình chuyển đổi từ KCN hiện hữu thành KCNST, nhiều chuyên gia cũng cho rằng trước hết phải tập trung vào việc xây dựng và chuyển đổi nhận thức của chính doanh nghiệp trong KCN về bảo vệ môi trường. Theo đó các doanh nghiệp cần tiến hành xây dựng TCVN ISO 14000 về bảo vệ môi trường tạo ra ý thức cho mọi người, đối với lãnh đạo phải có trách nhiệm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đảm bảo vệ sinh môi trường xanh, sạch. Đối với người lao động có trách nhiệm chăm lo thực hiện đúng quy trình quản lý về chất lượng… Còn đối với các địa phương khi thành lập các khu, cụm công nghiệp mới cần phải đặt yếu tố môi trường lên hàng đầu, đảm bảo các tiêu chí của một KCNST.
   
Khái niệm khu công nghiệp sinh thái (KCNST) được hai nhà khoa học Mỹ là FROSCH và GALLOPOULOS đề xuất vào cuối những năm 80 của thế kỷ XX nhưng nó bắt đầu được phát triển từ đầu những năm 90 của thế kỷ 20 trên cơ sở của Sinh thái học công nghiệp (STHCN).
    
Thụy Anh
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khu công nghiệp sinh thái: Hướng đi cho tương lai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO