Khu BTTN Ngọc Linh: Cây cu li đang bị khai thác tận thu bán cho thương lái Trung Quốc

09/08/2017 00:00

(TN&MT) - Do nhu cầu thu mua của thương lái Trung Quốc trong thời gian gần đây, hàng trăm ha cây cu li (Cibotium) và cây máu chó (Huyết đằng) trong Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh thuộc huyện Đắk Lây, tỉnh Kon Tum đang bị Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Lây khai thác rầm rộ với số lượng lớn.  

Cây dược liệu nhưng bán giá rẻ mạt

Nói về loại Cây cu li (Cibotium, Cẩu tích hay lông cu li), Lương y quốc gia Nguyễn Hữu Thiện (Nhà thuốc đông y gia truyền Nguyễn Hữu Hách) cho biết: "Đây là một giống cây thuộc họ dương xỉ, trong họ Dương xỉ vỏ trai (Dicksoniaceae) mà chúng ta vẫn quen gọi là họ Cẩu tích, thân và củ phủ một lớp lông màu vàng nên dân gian thường gọi là cây lông cu li. Theo y học, cây lông cu li có tác dụng rất tốt trong việc cầm máu, chữa các bệnh xương khớp, thần kinh tọa và một số bệnh khác”. Tuy nhiên, loài dược liệu này đang bị khai thác với số lượng lớn và bán cho thương lái Trung Quốc với giá rẻ mạt chỉ từ 10- 20 nghìn đồng/kg sau sơ chế. 

Ngày 6/8, PV Báo TN&MT có mặt tại Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh ( Đắk Lây) đã chứng kiến, dọc con đường liên xã Mường Hoong và Đắk Troong  có tới 5 điểm tập kết cây cu li với tổng khối lượng gần trăm tấn được xếp chất đống 2 bên đường. Có điểm tập kết kéo dài cả trăm mét. Tất cả số cây cu li này là của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Lây thuê người dân khai thác.  

Theo bà con địa phương phản ánh trong thời gian gần đây, do nhu cầu thu mua cây cu li với số lượng lớn từ thương lái Trung Quốc, nên Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Lây đã thuê người dân địa phương vào rừng khai thác rầm rộ loại cây này tại khoảnh 1, khoảnh 2 tiểu khu 84; khoảnh 3 Tiểu khu 83 xã Mường Hoong trên diện tích 200 ha, thời gian khai thác đến hết tháng 12/2017.

Ngày 6 và 7/8, PV Báo TN&MT đã làm việc với Hạt kiểm lâm khu bảo tồn Ngọc Linh và Hạt kiểm lâm huyện Đắk Lây về việc khai thác tận thu cây cu li của công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Lây trong khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh. Ông Lê Tiến Trung- Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Đắk Lây khẳng định: Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đắk Lây khai thác cây cu li trên lâm phần của họ (chủ rừng) theo Thông tư 20, 21 (được hưởng lợi từ rừng, tận thu lâm sản ngoài gỗ) nên không cần giấy phép khai thác của các cấp có thẩm quyền. Công ty tự lập hồ sơ khai thác và gửi thông báo cho Hạt kiểm lâm. Hạt chỉ kiểm soát về khối lượng theo hồ sơ khai thác trên lâm phần theo quy định. Hơn nữa cây cu li không nằm trong danh sách lâm sản quý hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng, nên theo luật họ được phép khai thác.

Khi PV đặt câu hỏi, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đắk Lây khai thác cây cu li để làm gì và bán cho ai, thì tất cả lãnh đạo 2 Hạt kiểm lâm đều lắc đầu không biết, chỉ phỏng đoán là hình như bán cho thương lái Trung Quốc.

Khó kiểm soát khối lượng khai thác thực tế

Ông Lê Tiến Trung- Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Đắk Lây (huyện Đắk Lây) cho biết: Công ty THNH MTV Lâm nghiệp Đắk Lây đăng ký trong hồ sơ khai thác với tổng khối lượng 200 tấn, họ đã khai thác từ trước Tết nguyên đán, đến nay đã khai thác được 106 tấn cây cu li và máu chó. Quá trình khai thác, cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn xuống xác định khối lượng khai thác theo từng đợt rồi mới cho phép chở ra khỏi rừng.

Tuy nhiên, khi PV cung cấp hình ảnh cây cu li đã khai thác đang chất đống 2 bên đường lên tới gần trăm tấn chuẩn bị chở đi, trong khi khối lượng được phép khai thác còn lại của Công ty THNH MTV Lâm nghiệp Đắk Lây chỉ còn 94 tấn là hết, nhưng trong hồ sơ thì thời gian khai thác của công ty này phải đến 31/12/2017 mới kết thúc, thì ông Trung cho rằng, chúng tôi chỉ quản lý Nhà nước theo hồ sơ, còn cụ thể thế nào các anh qua làm việc với bên công ty.

Như vậy, việc khai thác cây cu li tại khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh (Đắk Lây- Kon Tum) của Công ty THNH MTV Lâm nghiệp Đắk Lây trên thực tế là rất khó kiểm soát về khối lượng cũng như địa điểm khai thác khi mà thương lái Trung Quốc tiếp tục đặt hàng thu mua với số lượng lớn. Ngoài ra, người đồng bào dân tộc khi được thuê khoán theo khối lượng liệu có khai thác đúng lâm phần thể hiện trong hồ sơ của công ty, hay vào cả những khu bảo tồn, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng những nơi có trữ lượng cây cu li nhiều để tìm kiếm khai thác vẫn là một câu hỏi.

Theo một người dân địa phương thì, dù giá thu mua cây cu li của thương lái Trung Quốc không cao, mà cũng chẳng biết họ thu mua để làm gì, nhưng với những người đồng bào làm thuê ở vùng núi heo hút này, mỗi ngày kiếm được 100 nghìn đồng từ việc khai thác cây cu li cho Công ty THNH MTV Lâm nghiệp Đắk Lây cũng đã là mơ ước rồi.  

Vậy nên, một khi thương lái Trung Quốc đẩy giá thu mua lên cao và tiếp tục thu mua với số lượng lớn, tương tự như việc họ thu mua rễ sim ở các tỉnh miền núi phía bắc, lá nhãn ở Hưng Yên hay lá điều… chỉ được một chút lợi nhuận nhưng vô hình chung lại tạo ra hiệu ứng rất khó kiểm soát. Người đồng bào địa phương sẽ không ngần ngại bỏ cả ruộng nương tàn phá rừng để khai thác cây cu li, lúc đó hậu quả sẽ khôn lường, mà bài học nhãn tiền là cây cu li đang có khả năng bị tận diệt ở một số địa phương vùng núi phía Bắc, trong đó có vùng núi Tây Bắc của tỉnh Thanh Hóa để bán cho thương lái Trung Quốc.

Trong khi, vùng núi Ngọc Linh đang là khu bảo tồn thiên nhiên và là thủ phủ của cây sâm Ngọc Linh quý hiếm cần những cánh rừng tự nhiên, nguyên sinh ít tác động bởi yếu tố con người để phát triển. Ngoài ra, cây cu li sống dưới tán rừng nên có tác dụng giữ nước, giữ đất chống xói mòn rất hiệu quả cho các cánh rừng nguyên sinh bởi cấu tạo đặc biệt của loài cây này.

                                                                       Bài & ảnh:Dương Bùi - Thu Phương

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khu BTTN Ngọc Linh: Cây cu li đang bị khai thác tận thu bán cho thương lái Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO