Khu BTTN Mường Nhé: Hiệu quả từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

Hoàng Châu| 03/08/2021 17:05

(TN&MT) - Việc thực hiện có hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), đã làm thay đổi nhận thức của người dân trong công tác chăm sóc bảo vệ và phát triển rừng, giúp Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé (Điện Biên) thực hiện tốt mục tiêu quản lý, bảo vệ rừng, phát triển rừng, phòng chống cháy rừng. Góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững, cải thiện cuộc sống cho người dân tham gia bảo vệ rừng.

Ông Đào Công Tiến, Phó Giám đốc BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, cho biết: Hiện nay, Ban Quản lý KBTTN Mường Nhé được giao quản lý 45.581ha rừng đặc dụng; năm 2020 với diện tích trên 34.445ha rừng cung ứng DVMTR, đơn vị đã giao khoán cho 38 nhóm nhận khoán bảo vệ rừng trên địa bàn 5 xã với diện tích hơn 28.467ha được chi trả tiền DVMTR; diện tích còn lại do Ban trực tiếp quản lý, bảo vệ.

Cán bộ Khu bảo tồn Thiên nhiên Mường Nhé tuần tra rừng

Tại 5 xã vùng đệm: Sín Thầu, Leng Su Sìn, Chung Chải, Mường Nhé và Nậm Kè với địa hình phức tạp, địa bàn rộng; đời sống người dân trong khu vực vùng đệm còn gặp nhiều khó khăn, phong tục tập quán canh tác lạc hậu cộng với tình hình dân di cư tự do trong khu vực diễn biến phức tạp; việc phá rừng làm nương, khai thác lâm sản và săn bắt thú rừng trái phép vẫn xảy ra gây ảnh hưởng đến tài nguyên rừng, môi trường và sinh thái.

Trong những năm qua, để góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng, tạo sinh kế bền vững cho người dân trên địa bàn 5 xã vùng đệm là việc triển khai và thực hiện tốt chính sách chi trả DVMTR. Ban Quản lý KBT đã thực hiện theo thông báo của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên về thanh toán tiền DVMTR năm 2020 trên địa bàn huyện; tổ chức thanh toán tiền DVMTR năm 2020 qua tài khoản Ngân hàng cho các nhóm nhận khoán với tổng số tiền trên 21 tỷ đồng, cùng với đó đơn vị còn tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến, pháp luật về lâm nghiệp và các văn bản liên quan đến chính sách chi trả DVMTR với hơn 1000 người tham gia.

Việc triển khai chính sách chi trả DVMTR đã từng bước thay đổi nhận thức bảo vệ rừng của người dân. Trước đây, không ít trường hợp bà con vào rừng đặc dụng khai thác lâm sản hay lấn chiếm đất rừng làm nương nhưng từ khi được giao quản lý, bảo vệ rừng thì tình trạng đó gần như không còn. Ngoài ra, việc chi trả DVMTR còn tạo điều kiện cho người dân gắn bó mật thiết với rừng, bà con đã coi rừng như một nguồn thu nhập đáng kể, góp phần từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển kinh tế gia đình. Ðiều đó giúp việc quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả hơn rất nhiều.

Ông Đào Công Tiến cũng khẳng định: Từ khi chính sách chi trả DVMTR được triển khai, công tác quản lý bảo vệ rừng của KBT có nhiều chuyển biến rõ rệt. Thông qua chính sách chi trả DVMTR, nhận thức về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của các thành viên hộ nhận khoán bảo vệ rừng từng bước được nâng cao. Giảm tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép về cả số vụ và mức độ thiệt hại. Đặc biệt, chính sách chi trả DVMTR đã góp phần tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân.

Nhiều cánh rừng xanh tốt nhờ công tác chăm sóc bảo vệ của người dân

Anh Lỳ Tư Xè, Trưởng nhóm nhận khoán bảo vệ rừng bản Nậm Pắt chia sẻ: từ khi chúng tôi tham gia nhận khoán bảo vệ rừng với Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé và được nhận tiền chi trả DVMTR, chúng tôi ý thức rõ hơn về quyền lợi, trách nhiệm của mình với rừng và giúp người dân chúng tôi có thêm việc làm, tăng thu nhập, có ý thức hơn trong bảo vệ rừng, PCCCR. Cùng với người dân trong bản chúng tôi đã thành lập tổ tuần tra bảo vệ rừng, tháng nào cũng phân công đi tuần tra bảo vệ rừng và huy động dân bản phát dây leo, làm đường băng cản lửa.
Có thể thấy, việc thực hiện hiệu quả chính sách chi trả DVMTR đã và đang giúp hàng nghìn hộ dân sống bằng nghề rừng, sống nhờ rừng ngày càng được cải thiện. Chính sách chi trả DVMTR không chỉ giúp người dân nâng cao ý thức trong bảo vệ rừng mà còn góp phần tăng thu nhập, tạo động lực để người dân gắn bó, bảo vệ rừng, từng bước thay đổi nhận thức của người dân về vai trò và tác dụng của rừng, nâng tỷ lệ che phủ rừng, cải thiện môi trường sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khu BTTN Mường Nhé: Hiệu quả từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO