Tài nguyên

Không quản gian khó, đánh thức tiềm năng khoáng sản

Lan Chi (thực hiện) 03/10/2023 13:01

(TN&MT) - Trong gần 80 năm qua, để tìm kiếm và đánh thức những tiềm năng khoáng sản đang “ngủ sâu” dưới lòng đất, các nhà địa chất đã không quản khó khăn, vất vả trong công cuộc điều tra, đánh giá và cho ra đời những bản đồ địa chất, khoáng sản có giá trị khoa học và thực tiễn cao.

Nhân dịp 78 năm Ngày truyền thống ngành Địa chất Việt Nam, phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trò chuyện với ông Trần Bình Trọng - Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam về những kết quả nổi bật của ngành.

PV: Thưa ông, ông có thể chia sẻ về những thành tựu của ngành Địa chất Việt Nam trong 78 năm qua?

Ông Trần Bình Trọng: 78 năm xây dựng và phát triển, ngành Địa chất Việt Nam luôn phát huy truyền thống vẻ vang, sáng tạo, cần cù, đạt được nhiều thành tựu nổi bật gắn với chiều dài lịch sử, tiêu biểu là các công trình có giá trị về mặt khoa học, kinh tế, xã hội đã đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của đất nước.

Thứ nhất, hoàn thành Công trình lập bản đồ địa chất, khoáng sản tỷ lệ 1:500.000 phần đất liền và các đảo trên toàn quốc (1988) - công trình đã được Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ và Công trình lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:200.000 phần đất liền (hoàn thành năm 1994).

Thứ hai, công tác lập bản đồ địa chất tỷ lệ 1:50.000 đã hoàn thành hơn 73% diện tích phần đất liền. Cùng với công tác lập bản đồ địa chất, khoáng sản, các nhà địa chất đã phát hiện hơn 5.000 mỏ, điểm quặng, phát hiện và khoanh định các vùng quặng, đới quặng, cấu trúc thuận lợi cho tạo quặng, làm cơ sở để tiến hành các đề án tìm kiếm, đánh giá, thăm dò khoáng sản, xác định tài nguyên, trữ lượng các mỏ, điểm quặng.

Thứ ba, đã tổ chức nhiều đề án Chính phủ, đề án cấp Bộ về điều tra, đánh giá nhằm xác định tổng thể tài nguyên khoáng sản phục vụ xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội các tỉnh, thành phố; kịp thời đưa vào quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản giai đoạn 2021 - 2030 hàng trăm khu vực có tài nguyên khoáng sản tin cậy của 60 loại hình khoáng sản, mang lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách Nhà nước thông qua đấu giá cấp quyền thăm dò, khai thác khoáng sản.

img_0961.jpg
Ông Trần Bình Trọng - Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam

Thứ tư, hoàn thành giai đoạn I đề án điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam, chuyển giao tới chính quyền địa phương và các bộ, ngành liên quan sản phẩm đề án phục vụ kịp thời phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, góp phần phục vụ xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội các tỉnh, thành phố miền núi Việt Nam.

Thứ năm, hoàn thành công tác điều tra địa chất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội như: điều tra, đánh giá đặc điểm cấu trúc địa chất, địa chất công trình, đề xuất các giải pháp khai thác sử dụng lãnh thổ phục vụ xây dựng và phát triển hạ tầng dải ven biển Việt Nam; điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam. Công tác điều tra địa chất, khoáng sản biển đã hoàn thành điều tra vùng biển độ sâu từ 0 - 100m tỷ lệ 1:500.000 trên tổng diện tích điều tra hơn 266.000km2, hoàn thành điều tra tai biến địa chất, địa chất môi trường vùng biển độ sâu từ 0 - 30m nước tỷ lệ 1:100.000 trên diện tích 41.100km2.

Nhận thấy vai trò và tầm quan trọng của ngành Địa chất, Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã lần đầu tiên đưa nội dung quản lý nhà nước về địa chất vào xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản, trong đó lưu ý quy định cụ thể nội dung điều tra cơ bản địa chất, tài nguyên địa chất, khoáng sản, các điều kiện địa chất khác (tai biến địa chất, địa chất môi trường, địa chất thủy văn - địa chất công trình, địa mạo…).

PV: Các thiết bị hiện đại có vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm, đánh giá khoáng sản, phân tích định lượng các mẫu địa chất, góp phần nâng tầm vị thế ngành Địa chất Việt Nam trên trường quốc tế. Xin Cục trưởng chia sẻ về những kết quả của ngành nhờ sử dụng các thiết bị trên?

Ông Trần Bình Trọng: Từ năm 2010 đến năm 2020, ngành được trang bị nhiều thiết bị hiện đại và phần mềm xử lý, minh giải tài liệu tiên tiến như: Thiết bị khoan, thiết bị địa vật lý, thiết bị phân tích cầm tay, thiết bị gia công mẫu, tuyển khoáng và phân tích cơ lý, thiết bị phân tích thí nghiệm, thiết bị khảo sát địa chất, khoáng sản biển...

Các thiết bị hiện đại, độ chính xác cao và có xuất xứ từ các nước trong khối EU, Canada, Mỹ, Nhật đã phát huy hiệu quả trong tìm kiếm, đánh giá khoáng sản ẩn sâu, làm rõ cấu trúc các đới biến đổi có khả năng chứa quặng, góp phần quan trọng trong việc định hướng khoan phát hiện quặng đồng Kon Rá (Kon Tum), đới biến đổi có khả năng chứa quặng thiếc, volfram, chì kẽm ở Hà Giang, Cao Bằng...

Thiết bị khoan sâu lấy mẫu luôn được ứng dụng rất hiệu quả tại các lỗ khoan sâu trên 1.000m tại bể than Sông Hồng, đã nâng cao năng suất lao động, chất lượng lấy mẫu rất tốt.

Ngoài ra, các thiết bị phân tích mới, hiện đại, độ nhạy, độ chính xác cao đã góp phần không nhỏ trong phân tích định lượng các mẫu địa chất, môi trường, đưa ngành Địa chất Việt Nam đạt đến tầm cỡ quốc tế và sánh vai với các cường quốc năm châu.

Những thiết bị hiện đại đã góp phần giúp công tác lập bản đồ địa chất, khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 hoàn thành trên diện tích 40.280km2, phát hiện hàng trăm điểm khoáng sản các loại, khoanh định nhiều khu vực có tiềm năng, như: quặng sắt khu vực Tân An (Yên Bái), La Ê (Quảng Nam); graphit ở Bảo Thắng (Lào Cai); vàng ở Tân Uyên (Lai Châu)…; hay công tác điều tra địa chất, khoáng sản, địa chất môi trường và tai biến địa chất vùng biển Việt Nam từ 0 - 30m nước tỷ lệ 1:100.000 đã hoàn thành 18.388km2; khu vực biển ven bờ đến độ sâu 20m nước đã được điều tra, tổng hợp thành lập bản đồ địa chất công trình tỷ lệ 1:1.000.000 trên diện tích 65.500km2; các khu vực biển ven bờ Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Trị - Thừa Thiên Huế, Cà Mau được điều tra địa chất công trình tỷ lệ 1:25.000 trên diện tích 7.100km2; công tác Bay đo từ - trọng lực tỷ lệ 1:250.000 biển và hải đảo Việt Nam đã hoàn thành trên diện tích hơn 277.000km2.

Hơn nữa, bản đồ địa chất, tài nguyên địa chất Việt Nam và các vùng biển kế cận tỷ lệ 1:1.000.000 đã được thành lập trên cơ sở tổng hợp các tài liệu đã có để hội nhập quốc tế, minh chứng cho sự lớn mạnh và trưởng thành của các nhà khoa học địa chất ngày nay.

PV: Nhắc đến thành tựu của ngành Địa chất, không thể không đề cập đến công tác điều tra của các nhà địa chất, ông có thể chia sẻ về một số kết quả điều tra nổi bật?

Ông Trần Bình Trọng: Hầu hết các khoáng sản quan trọng, chiến lược, có quy mô lớn đều đã được tập trung điều tra, đánh giá xác định tài nguyên. Trong đó, một số loại khoáng sản quan trọng và có tiềm năng lớn như: 6,7 tỷ tấn than nâu ở đồng bằng sông Hồng (trên diện tích 265km2 khu vực Đông Hưng - Tiền Hải, Thái Bình); 3,5 tỷ tấn tinh quặng bauxit ở Tây Nguyên; 557 triệu tấn tinh quặng titan trong tầng cát đỏ ở Bình Thuận, Ninh Thuận; hơn 23 triệu tấn quặng kaolin - felspat; hơn 43 triệu m3 đá ốp lát; đất hiếm ở Bảo Thắng, Lào Cai, Nậm Xe, Lai Châu; quặng urani ở Quảng Nam…

Chỉ trong một thời gian ngắn, hơn 200 điểm mỏ đã được đưa vào quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản giai đoạn đến năm 2020. 53 khu vực mỏ đã đánh giá xác định tài nguyên được đưa vào quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, sắp tới sẽ bổ sung 50 điểm mỏ vào Quy hoạch. Những con số trên là minh chứng cho những đóng góp đáng kể của công tác điều tra nói riêng, ngành Địa chất Việt Nam nói chung, đã thu ngân sách Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng từ hoạt động khoáng sản.

anh-2-bai-78-nam-nganh-dia-chat.jpg
Công tác điều tra, đánh giá tài nguyên khoáng sản của các nhà địa chất thường xuyên diễn ra trong điều kiện địa hình phức tạp, xa dân cư, khó khăn, thiếu thốn và thậm chí, nhiều nguy hiểm

Bên cạnh đó, các kết quả điều tra của những nhà địa chất là cơ sở quan trọng để được UNESCO công nhận đối với 3 địa danh: Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang; Công viên Địa chất toàn cầu non nước Cao Bằng; Công viên địa chất toàn cầu hang động núi lửa Đắk Nông.

Trong tương lai, đáp ứng yêu cầu, mục tiêu phát triển bền vững, Cục Địa chất Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy mạnh mẽ tiềm năng của ngành Địa chất trên mọi miền đất nước, làm cơ sở khoa học cho sự phát triển của những tập đoàn kinh tế hùng mạnh như Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - những doanh nghiệp mà sản phẩm của hoạt động khai thác, sản xuất liên quan mật thiết đến nguồn tài nguyên được ngành Địa chất đã chỉ ra trong quá trình điều tra, đánh giá gần 80 năm qua.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Ngày 10/6/2023, Thủ tướng đã ban hành quyết định phê duyệt Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thấm nhuần tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị, Quy hoạch Điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã thể hiện rõ quan điểm về tầm quan trọng và mức độ ưu tiên đối với lĩnh vực địa chất, khoáng sản. Việc xây dựng Quy hoạch này là một hành trình ý nghĩa, với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các nhà địa chất, góp phần hoạch định cho công tác quản lý, khai thác khoáng sản phục vụ mục tiêu phát triển đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không quản gian khó, đánh thức tiềm năng khoáng sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO