Không khí sạch - Trách nhiệm chung: Gánh nặng ô nhiễm không khí

Mai Giang| 08/09/2020 10:43

(TN&MT) - Tác động bất lợi của ô nhiễm không khí không chỉ ảnh hưởng bất lợi đến chất lượng cuộc sống, mà còn kéo theo gánh nặng chi phí y tế và thiếu hụt lao động gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, gia tăng chi phí thuốc men và làm suy giảm năng suất lao động.

Ô nhiễm không khí gây thiệt hại 225 tỷ USD

Mặc dù gần đây nhận thức về môi trường sống và ô nhiễm không khí được cải thiện, song tình hình vẫn có tới hơn 2/3 dân số thế giới phải hứng chịu nạn ô nhiễm khủng khiếp tại Châu Á, Trung Đông và Châu Phi với chỉ số hạt bụi PM 2.5 cao trên mức 35 µg/m3 không khí. Dân số tăng lên quá nhanh và các nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm không khí không theo kịp là nguyên nhân khiến cho 2/3 dân số tại Châu Á, Trung Đông và Châu Phi phải hứng chịu nạn ô nhiễm khủng khiếp với chỉ số hạt bụi PM 2.5 cao trên mức 35µg/m3. Có tới 97% thành phố ở các nước thu nhập thấp và trung bình với dân số từ 100.000 người không đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng không khí sạch, đã trở thành gánh nặng của hệ thống y tế toàn cầu.

Đẩy mạnh hoạt động quan trắc, kiểm soát môi trường không khí tại các đô thị và các KCN. Ảnh: Hoàng Minh

Giám đốc Điều hành của Greenpeace khu vực Đông Nam Á, Yeb Sano ước tính, do giảm năng suất lao động, hàng năm thế giới bị thiệt hại tới 225 tỷ USD. Ngoài ra, còn tổn hao thêm hàng nghìn tỷ USD để giải quyết vấn đề sức khỏe do ô nhiễm không khí. Ông cho rằng “Ô nhiễm không khí đang đánh cắp sinh kế và tương lai của nhân loại…”. Phó Chủ tịch WHO Bob O'Keefe, nhận xét "Ô nhiễm không khí thực sự là một cú sốc lớn. Vấn nạn này khiến những người mắc bệnh hô hấp thêm khó thở, trẻ con và người già phải vào viện, bỏ học, bỏ việc và gây ra những cái chết sớm …".

Đối với Việt Nam, trong báo cáo thường niên về chỉ số hiệu suất môi trường (The Environmental Performance Index-EPI) do tổ chức môi trường Mỹ thực hiện, tổng lượng bụi ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều liên tục tăng cao, khiến chỉ số chất lượng không khí (AQI) luôn ở mức báo động. Số liệu của Tổng cục Môi trường Việt nam cũng cho thấy, chỉ tính từ ngày 13 đến 20 tháng 3 năm 2020, Thủ đô Hà Nội đã có 4 trên 7 ngày bị ô nhiễm bụi mịn PM 2.5, nhiều ngày AQI đã vượt giới hạn cho phép của tiêu chuẩn Quốc gia QCVN 05:2013/BTNMT. Kết quả tính toán chỉ số AQI tại các trạm quan trắc cũng cho thấy, chất lượng không khí nhiều ngày ở mức kém (AQI từ 101 đến 150) và xấu ( từ 151 đến 200). Nguồn bụi ô nhiễm ở các đô thị lớn hầu hết là từ khí thải giao thông, công trình xây dựng, đường sá và sản xuất công nghiệp.

Nghiên cứu mới nhất của Đại học Kinh tế Quốc dân chỉ ra ô nhiễm không khí khiến hàng chục nghìn người Việt Nam tử vong mỗi năm, thiệt hại ước tính 10,82 - 16,63 tỷ USD, tương đương 240.000 tỷ đồng, chiếm 4,45 - 5,64% GDP cả nước.

Không thể giải quyết một cách đơn lẻ

Để giải quyết vấn đề không khí, Bộ TN&MT đang đề xuất Thủ tướng ban hành chỉ thị về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Quyết định số 985a/QĐ- TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Mục tiêu đề ra, đến năm 2020  phải bảo đảm 80% các cơ sở sản xuất thép, hóa chất và phân bón hóa học xử lý bụi và các khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường… Hoàn thành thực hiện quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô, xe mô tô 2 bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới. Tăng cường năng lực quốc gia về kiểm soát khí nhà kính (KNK), góp phần thực hiện cam kết quốc gia về giảm phát thải KNK của Việt Nam…

Bên cạnh đó, Bộ TN&MT cũng xây dựng Kế hoạch kiểm soát ô nhiễm không khí; đồng bộ các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với khí thải các ngành công nghiệp…; tăng cường các nguồn lực tài chính, đa dạng hóa các nguồn đầu tư, tăng cường kinh phí cho quản lý môi trường không khí, đặc biệt là hình thành hệ thống công cụ kinh tế như phí BVMT đối với khí thải, xây dựng cơ chế trao đổi hạn ngạch phát thải khí thải giữa các doanh nghiệp; đẩy mạnh hoạt động quan trắc, kiểm kê khí thải, kiểm soát môi trường không khí tại các đô thị và các KCN.

Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tích cực thực hiện Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc tài nguyên, môi trường quốc gia đến năm 2020, trong đó quan tâm đến các hệ thống quan trắc không khí, giám sát các nguồn khí thải công nghiệp lớn. Mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác kỹ thuật với các nước có kinh nghiệm và hỗ trợ nguồn lực trong BVMT không khí.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ô nhiễm không khí  đã làm trên 4,2 triệu người chết sớm. Trong số này 91% ở các nước nghèo đông dân thuộc Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương

Tuy nhiên, theo GS.TS. Nghiêm Trọng Dũng (Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường - Đại học Bách khoa Hà Nội), nếu muốn có môi trường không khí trong sạch, người dân phải chung tay góp sức, tất cả đều trên một con thuyền.  Bởi kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy, sau khi chính quyền khu biệt các nguồn gây ô nhiễm và tập trung xử lý nguyên nhân chính, các vấn đề còn lại phải có sự tiếp sức của cộng đồng. Trong khi đó ở Việt Nam từ trước đến nay, làm công tác môi trường hiện tại chỉ có cơ quan Nhà nước.

Đồng quan điểm này, tại Tọa đàm “Mối quan tâm của cộng đồng về ô nhiễm không khí từ nguồn phát thải công nghiệp” Tổng Giám đốc Công ty D&L (nơi vận hành hệ thống quan trắc không khí PAM Air) cho biết, bài toán ô nhiễm không khí hết sức phức tạp, cần giải quyết tổng thể từ các ngành và địa phương chứ không thể chỉ riêng lẻ một ngành. Cần phải nghiên cứu tổng thể để xác định tỷ lệ ô nhiễm từ các nguồn phát thải để từ đó xây dựng giải pháp khắc phục đồng bộ mang tính chiến lược lâu dài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không khí sạch - Trách nhiệm chung: Gánh nặng ô nhiễm không khí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO