Không để luật “lỗi nhịp”

Phương Anh | 09/11/2021 11:36

(TN&MT) - Những văn bản, chính sách trái luật, không phù hợp rất dễ xói mòn niềm tin của người dân và dư luận.

Ngày 9/11 hàng năm là Ngày Pháp luật Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.

Nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật là trách nhiệm của mọi công dân 

Trong đời sống xã hội, pháp luật có vai trò đặc biệt quan trọng, vừa là công cụ quản lý Nhà nước hữu hiệu, vừa tạo hành lang pháp lý an toàn, tin cậy, thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Trong nhiệm kỳ mới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ưu tiên lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, tổ chức thi hành pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương chấp hành nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 11/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật; quan tâm đầu tư nguồn lực thỏa đáng cho công tác này.

Chú trọng việc đề xuất xây dựng, trình các dự án Luật để kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp năm 2013 và các vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn được xác định trong Đề án về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV.

Tại các phiên họp, Thủ tướng Chính phủ đã xem xét, nhắc nhở trực tiếp các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ để xảy ra tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, xác định đó là một trong những tiêu chí để lấy phiếu tín nhiệm đối với các thành viên của Chính phủ.

Theo đó, thể chế, pháp luật cần thể hiện sâu sắc tinh thần đổi mới. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ phải coi việc rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực được phân công là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên; kịp thời phát hiện và xử lý các quy định trái pháp luật, không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội.

Thế nhưng, thực tiễn, thời gian qua, hiện tượng “gói ghém, ẩn náu” lợi ích cục bộ của một bộ phận cán bộ, đơn vị vào trong thủ tục hành chính, dẫn tới tình trạng xin - cho, vì thế có dự thảo văn bản pháp luật phải trả đi, trả lại nhiều lần.

Có tình trạng văn bản mới ban hành đã cần sửa đổi, thậm chí, văn bản được ban hành có dấu hiệu trái luật, trái thẩm quyền, có nội dung sai nghiêm trọng. Thủ tục hành chính còn tình trạng “cắt giấy phép mẹ, đẻ giấy phép con”, chi phí không chính thức... thủ tục trói buộc kiểu “không quản được thì trói, không quản được thì buộc”.

Bộ Tư pháp cho biết, từ 10/2020 - 7/2021, cơ quan này đã kiểm tra theo thẩm quyền 3.393 văn bản, phát hiện và có kết luận, kiến nghị xử lý đối với 69 văn bản trái pháp luật về thẩm quyền, nội dung, 5 văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật nhưng có chứa quy phạm pháp luật. Trong số văn bản trái pháp luật đã phát hiện, không có văn bản quy định chi tiết.

Nói một cách khách quan, tình trạng không tuân thủ pháp luật là lỗi của cả hai phía: đối tượng chịu tác động (người dân, doanh nghiệp…) và cơ quan xây dựng chính sách (chính quyền). Luật thiếu thực tiễn, bất hợp lý, nguyên nhân đầu tiên là do năng lực của người làm luật. Yếu tố phù hợp với thực tế cuộc sống phải là yếu tố đầu tiên cần xem xét khi xây dựng luật. Không bảo đảm được điều này, các nhà làm luật không thể bao biện về vấn đề năng lực.

Điều đó xảy ra có thể là do họ không thực hiện đúng quy trình xây dựng luật theo bảy bước theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015. Có nhiều trường hợp, các nhà xây dựng dự thảo luật “nhảy cóc” không tuân thủ theo thời gian quy định khi soạn thảo dự thảo và ban hành văn bản luật do các cơ quan nhà nước đã xây dựng.

Ngoài ra, một trong số nguyên nhân có thể đến từ việc không khảo sát lấy ý kiến của nhân dân hay của các đối tượng áp dụng, chỉ xem xét trên góc nhìn của cá nhân hay đơn vị mình mà không tham khảo các cơ quan liên quan, thậm chí có thể ban hành luật vì lợi ích nhóm, không thẩm định đầy đủ trước khi ban hành…

Tóm lại, dù thế nào, đó vẫn là vấn đề phẩm chất và năng lực. Nhưng rất tiếc, xưa nay hầu như không ai bị xử lý vì ban hành văn bản pháp luật bất cập, nên tình trạng này vẫn… đều đều diễn ra.

Nhiều trường hợp "đánh trống bỏ dùi", làm cho có, thực thi không nghiêm minh, thiếu công bằng, đã dẫn đến tình trạng “nhờn” luật. Trên thực tế, nhiều trường hợp luật nói một đằng, các cơ quan thực thi lại hướng dẫn một kiểu dẫn đến việc người dân hay doanh nghiệp hoang mang không biết phải tuân thủ theo luật hay theo các cơ quan thực thi. Chính điều này đã dẫn đến việc vi phạm pháp luật mà bản thân người dân, doanh nghiệp cũng không mong muốn.

Ngoài ra, còn nhiều nguyên nhân như luật không được phổ cập, tuyên truyền rộng rãi đến người dân, không được công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông để người dân nắm được luật, luật chồng chéo hay mỗi nơi mỗi khác dẫn đến không biết áp dụng thế nào, luật dù quá nhiều quá dày nhưng cũng không bao trùm hết được thực tế, người dân còn thiếu ý thức tôn trọng và tuân thủ pháp luật… cũng dẫn đến tình trạng luật pháp “xa rời” cuộc sống.

Bên cạnh đó, ý thức tuân thủ luật pháp người dân hay các doanh nghiêp hiện vẫn đang còn rất yếu kém dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng. Đơn cử như hiện nay, một số người dân vẫn thường đi bộ trên đường cao tốc, hay đi ngược chiều, không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ khi tham gia giao thông dẫn đến hậu quả là nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đáng tiếc xảy ra.

Hay thời gian gần đây, nhiều người dân, doanh nghiệp thường xuyên xả rác thải bừa bãi, vi phạm luật pháp bảo vệ môi trường dẫn đến môi trường sống càng ngày càng bị ảnh hưởng… Do đó, dù luật pháp có được xây dựng một cách hoàn thiện mà người dân hay doanh nghiệp không tuân thủ thì luật pháp cũng không thể đi vào thực tiễn và hạn chế sự phát triển của nền kinh tế, xã hội.

Hệ lụy là dẫn đến tình trạng “nhờn luật” - căn bệnh "di căn" hết lĩnh vực này sang lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Đất nước đang đứng trước những rào cản làm chậm bước đi cũng từ vấn nạn này mà ra. Một lần “nhờn” xử lý không nghiêm, lần sau tiếp tục lại “nhờn” hơn?

Đâu là gốc rễ dẫn đến có chuyện “nhờn” luật? Đó chính là việc xử lý vi phạm hành chính và tuân thủ pháp luật chưa nghiêm. Đó chính là nể nang và cả tránh né trong xử lý nhiều vụ việc. Ở đâu đó, vẫn còn những cán bộ “đục khoét” cho riêng mình càng khiến việc thực thi pháp luật dần bị lu mờ. Trong khi quy định của pháp luật luật rất rõ người đứng đầu các cấp phải có trách nhiệm tổ chức thi hành tuân thủ pháp luật. Nhưng xem ra vẫn còn không ít nơi cấp “nói mạnh”, nhưng thực thi lại yếu ớt.

Bệnh “nhờn” luật có thể trở thành nan y nếu không chữa kịp thời quyết liệt bằng chính sức mạnh của pháp luật được trao vào tay những người đủ sức mạnh để sử dụng sức mạnh đó. Còn dễ dãi, xuê xoa, thỏa hiệp, không dám kỷ luật một ai, lo ngại không có người làm việc… thì “nhờn” luật là tất yếu.

Đã đến lúc phải thực thi pháp luật trên mọi lĩnh vực thật nghiêm. Không ai có thể né luật, lách luật, làm méo mó kỷ cương phép nước. Không có vùng cấm, “bầu trời riêng” cho bất cứ ai! Đó chính là thông điệp để đất nước đi vào kỷ cương nhất nhất mọi người phải tuân thủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không để luật “lỗi nhịp”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO