Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, trong tuần cuối tháng 7, đã xuất hiện ổ dịch tại Đà Nẵng và lây lan ra 7 tỉnh, thành phố.
Trong bối cảnh đó, chúng ta đã tập trung chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh một cách bình tĩnh, lạc quan và quyết tâm cao với mục tiêu kép là khoanh vùng dập dịch kịp thời, liên tục với biện pháp mạnh, nhất là tập trung cho TP. Đà Nẵng.
Ảnh minh họa |
Nhìn lại thời gian qua, có thể thấy, Chính phủ cùng các Bộ, ngành đã có những giải pháp hết sức quyết liệt, chủ động. Ngay thời điểm cuối đợt dịch đầu tiên, những con số về tăng trưởng kinh tế đã khẳng định hướng đi đúng mà Chính phủ đã lựa chọn. “Sức khỏe” nền kinh tế thể hiện rõ với việc hoạt động bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tháng 7 tiếp tục hồi phục, tăng đến 3,3% so với tháng trước và tăng đến 4,3% so với cùng kỳ nhờ chính sách kích cầu tiêu dùng và du lịch nội địa.
Thế đi lên của nền kinh tế còn thể hiện ở việc thu hút FDI 7 tháng năm 2020, đạt 18,8 tỷ USD, dù giảm hơn so với cùng kỳ nhưng tháng 7, đạt 10,1 tỷ USD, cho thấy xu hướng phục hồi và Việt Nam đang tận dụng cơ hội dịch chuyển vốn đầu tư. Giải ngân vốn đầu tư công tháng 7 tăng tích cực nhất, gần 52% so với cùng kỳ năm trước với quyết tâm giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm nay.
Tuy vậy, Thủ tướng cũng chỉ ra 3 rủi ro, thách thức từ bên ngoài mà rủi ro lớn nhất vẫn là dịch COVID-19 với diễn biến khó lường, đặc biệt các đối tác quan trọng bị ảnh hưởng nặng nề; thứ hai là căng thẳng thương mại và công nghệ leo thang giữa nhiều nước; thứ ba là địa chính trị phức tạp, thiên tai, lũ lụt ảnh hưởng tới khả năng phục hồi kinh tế.
Thực tế đang cho thấy, những cảnh báo về dịch bệnh, dù đã được đưa ra từ sớm, nhưng chỉ cần một sự lơ là mất cảnh giác hay một tác động chủ quan, cũng có thể khiến tình thế trở nên khó kiểm soát.
Không chỉ có dịch bệnh, đang mùa bão lũ, những tác động của thiên tai cũng sẽ trở lên khó lường nếu chúng ta chủ quan. Đặc biệt, với các vùng miền khó khăn nhất. Chỉ cần một đợt mưa lũ những làng xóm, đồng ruộng đang trù phú, đang chờ gặt hái, có thể sẽ mất trắng.
Thêm nữa, các vấn đề về môi trường, về cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh… cũng cần phải làm quyết liệt hơn nữa, tạo thuận lợi, ít chi phí hơn. Môi trường kinh doanh phải thông thoáng hơn để thu hút các luồng vốn đầu tư dịch chuyển vào Việt Nam.
Cho đến hôm nay, những con số tăng trưởng đang làm nức lòng không ít người. Hàng trăm khu đô thị mới đang mọc lên, các khu công nghiệp, khu chế xuất cũng đang dần hiện hữu. Các đô thị lớn đang như một công trường xây dựng… Tất cả như một khối năng lượng khổng lồ kích thích nền kinh tế ngày một phát triển.
Thế nhưng, đằng sau những khu công nghiệp, những khu đô thị mới, những công xưởng, nhà máy… đang mọc lên, chúng ta cần phải bình lòng mà nhìn ra rằng, phía sau những ánh hào quang ấy còn tiềm ẩn bao mối lo cho mai sau, cho sự phát triển bền vững của những vùng đất vốn đang được coi là phồn thịnh.
Từ những thách thức nghiệt ngã của thiên tai, dịch bệnh, nghĩ đến mai sau, ngẫm lại những ngày qua, chúng ta mới thấy cái giá của sự phung phí, đối xử tệ bạc với thiên nhiên chẳng thể nào đo hết được. Hãy cân nhắc thấu đáo để xem xét đến những tác động tới môi trường sống trước mỗi quyết định cho một dự án ra đời.
Nền kinh tế đất nước đang trong giai đoạn đầy cam go với những thử thách khắc nghiệt đòi hỏi sự quyết tâm, đoàn kết, nhất trí cao từ tất thảy các cấp. Chính vì thế, Chính phủ nhất quán quan điểm điều hành cho phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, đó là, cùng với quyết liệt phòng, chống, không để dịch bệnh lây lan, cần tập trung phục hồi, phát triển kinh tế xã hội, giảm thiểu tác động của dịch bệnh. Tất cả trên tinh thần không để đứt gãy nền kinh tế, giữ cân đối vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đặc biệt là giữ được các cân đối lớn của nền kinh tế.