Thông tin cần biết

Không áp thuế phân bón “3 nhà” đều thiệt

Mai Chi 31/10/2024 - 09:14

Sáng 29/10, tiếp tục kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Một trong những vấn đề còn tranh luận là mức thuế suất với mặt hàng phân bón. Theo các chuyên gia về thuế cũng như các doanh nghiệp sản xuất phân bón, việc không áp dụng thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón khiến 3 “nhà” gồm nhà nước, nhà sản xuất, nhà nông đều chịu thiệt.

Ưu đãi trở thành gánh nặng

Trước đây mặt hàng phân bón vẫn được áp thuế GTGT 5% nhưng năm 2014, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về Thuế (Luật số 71/2014/QH13). Theo đó từ ngày 1/1/2015 phân bón là mặt hàng không chịu thuế.

Qua gần 10 năm thực hiện, những bất cập được thể hiện rõ bởi chính sách này không tạo động lực thu hút đầu tư vào sản xuất phân bón, thiết bị nông nghiệp trong nước, bởi các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc kiểm soát chi phí và lợi nhuận khi không được khấu trừ thuế.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, phân bón không thuộc diện chịu thuế như hiện nay "tưởng ưu đãi, nhưng là gánh nặng lớn cho doanh nghiệp, ngành hàng này trong nước". Chi phí sản xuất bình quân của doanh nghiệp khoảng 6-8%, cao hơn mức thuế suất Chính phủ tính áp dụng. Tức là, doanh nghiệp sản xuất phân bón đã có thuế VAT nhưng lại không được hoàn.

1(10).jpg
Việc không áp dụng thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón khiến 3 “nhà” gồm nhà nước, nhà sản xuất, nhà nông đều chịu thiệt

Hiện các doanh nghiệp sản xuất phân bón đầu tư nâng tư mua sắm trang thiết bị, chuyển đổi công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm… phục vụ cho sản xuất phân bón không được hoàn thuế nên phải hạch toán vào chi phí giá thành sản phẩm, làm tăng giá thành và giá bán phân bón. Theo thống kê của Bộ Tài chính, số thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ, tính vào chi phí giá thành sản xuất phân bón từ năm 2015 đến năm 2022 đã lên tới gần 10.000 tỷ đồng.

Cùng với đó, khi áp dụng phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT dẫn đến sự cạnh tranh không công bằng giữa phân bón sản xuất trong nước và phân bón nhập khẩu. Các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón từ nước ngoài không phải chịu thuế GTGT vốn được khấu trừ thuế GTGT ở nước xuất xứ, khiến các doanh nghiệp phân bón nội địa mất lợi thế cạnh tranh so với hàng nhập khẩu. Điều này cũng khiến ngân sách Nhà nước mất khoản thu.

Hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng thuế GTGT đối với phân bón và các sản phẩm nông nghiệp tương tự. Đơn cử như Trung Quốc đang áp dụng mức thuế GTGT 11% và Nga là 20%. Pháp và Đức, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), thuế GTGT chuẩn cũng được áp dụng đối với phân bón… Trong bối cảnh Việt Nam, đã tham gia 16 hiệp định thương mại tự do (FTA). Bản chất của FTA là xóa bỏ hàng rào thuế quan và mở cửa hàng hóa. Như vậy, hàng hóa từ các nước đối tác FTA của Việt Nam có thể dễ dàng vào thị trường Việt Nam mà không phải chịu các rào cản về thuế. Điều này khiến sức ép về cạnh tranh với hàng nhập khẩu đối với các ngành sản xuất của Việt Nam rất lớn. Việc áp áp thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón là giải pháp hợp lý để vừa bảo đảm quyền lợi cho doanh nghiệp, vừa không gây thất thoát.

Áp thuế GTGT 5% đảm bảo hài hòa lợi ích

Ông Nguyễn Duy Thanh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, khẳng định: Đưa mặt hàng phân bón trở thành đối tượng chịu thuế là hoàn toàn phù hợp, tạo sự bình đẳng với phân bón nhập khẩu, qua đó giúp cho doanh nghiệp giảm giá bán cho nông dân, tăng thu nhập cho ngân sách nhà nước.

TS. Trần Thị Hồng Thủy, Chuyên gia của Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (USAID IPSC) cho biết, nếu áp dụng thuế giá trị gia tăng 5%, sẽ tăng thu ngân sách thêm 1.541 tỷ đồng, do thu thuế VAT đầu ra của phân bón lên tới 6.225 tỷ đồng, khấu trừ thuế VAT đầu vào là 4.713 tỷ đồng. Người nông dân có thể hưởng lợi do giá Urê, DAP và Lân sản xuất trong nước có thể giảm.

2-4-1-.jpg
Thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón cho phép các doanh nghiệp được khấu trừ thuế GTGT đầu vào

Bên cạnh đó, bản chất của thuế GTGT là thuế gián thu, người chịu thuế là người tiêu dùng cuối cùng. Việc chuyển phân bón, thiết bị nông nghiệp sang chịu thuế suất 5% sẽ là cơ sở để doanh nghiệp giảm bớt chi phí sản xuất từ đó giảm giá thành sản phẩm; người nông dân cũng bớt lo lắng về việc sử dụng phân bón nhập khẩu với chất lượng khó kiểm soát sẽ tác động xấu đến vụ mùa và môi trường.

Ông Hoàng Văn Thời, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng cho hay sản phẩm phân bón trong nước có chất lượng và giá cả ổn định mang lại hiệu quả cho cây trồng. Nhưng do giá thành cao hơn phân bón nhập khẩu nên đôi khi phải cân nhắc lựa chọn để phù hợp với kinh phí. Việc giá thành sản phẩm cao đồng nghĩa với việc không tạo cơ hội cho người nông dân được sử dụng phân bón tốt.

Ở góc độ người bán sản phẩm phân bón, ông Trần Văn Minh, Công ty TNHH MTV Trần Văn Phước cho biết, hiện tại cửa hàng đang kinh doanh nhiều loại phân bón trong nước và nhập khẩu. Tuy nhiên, hiên tại phân bón trong nước có giá cao hơn phân bón nhập khẩu khoảng 5-10%, nên bán chậm hơn. Phần chênh lệch này là phần của thuế GTGT không được tính vào chi phí sản xuất. Nếu được áp thuế trị gia tăng thì giá thành sản phẩm sẽ giảm, chắc chắn cạnh tranh được với hàng nhập khẩu.

Có thể thấy, việc áp dụng thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón cho phép các doanh nghiệp được khấu trừ thuế GTGT đầu vào có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của ngành sản xuất phân bón nội địa, thúc đẩy đầu tư công nghệ tiên tiến sản xuất phân bón thông minh, thân thiện với môi trường, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững ngành nông nghiệp, giúp người nông dân được sử dụng sản phẩm chất lượng cao giá thành thấp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không áp thuế phân bón “3 nhà” đều thiệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO