Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại hội nghị. Ảnh VGP/Mạnh Hùng |
Đây là vấn đề được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đặt ra tại hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với các tỉnh, thành Vùng Kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía Nam ngày 30/5, tổ chức tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Nói về vai trò của vùng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng, đây là trung tâm phát triển của rất nhiều lĩnh vực như: Kinh tế, thương mại, văn hóa, đào tạo, y tế, nghiên cứu khoa học chất lượng cao của cả nước, trong đó hạt nhân là TPHCM.
So sánh một số chỉ tiêu kinh tế chính của vùng với cả nước, như đóng góp tới gần 40% GDP, hơn 40% ngân sách, gần 40% giá trị xuất nhập khẩu 40%... Phó Thủ tướng cho rằng, quy mô vùng hiện đã tầm cỡ khu vực Đông Nam Á.
Theo Phó Thủ tướng, xét về loại hình kinh tế, 8 tỉnh, thành phố Vùng KTTĐ phía Nam có tương đối đầy đủ, bao gồm nông, lâm nghiệp, kinh tế biển, công nghiệp, đô thị, dịch vụ… Mặc dù nhiều thế mạnh, nhưng gần đây, sự phát triển của vùng có sự chững lại.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của vùng, giai đoạn 2016-2019 tăng trưởng 6,61%, thấp hơn mức 7,07% của giai đoạn 2011-2016. Thậm chí, mức tăng trưởng này còn thấp hơn mức bình quân 6,90% của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và mức 8,91% của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
“Vậy nguyên nhân do đâu? Có điểm tắc nào, ở thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực, hay thiếu quyết tâm đổi mới, sáng tạo của chính quyền?”, Phó Thủ tướng nêu vấn đề và cho rằng, các tỉnh, thành trong vùng và các bộ ngành trung ương cần làm rõ.
Ngoài ra, tác động của đại dịch COVID-19 đã xuất hiện một làn sóng chuyển dịch đầu tư trên thế giới. Vậy các tỉnh có sự chuẩn bị gì để đón cơ hội này?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các Phó Thủ tướng cùng các đại biểu dự hội nghị. |
Để Vùng KTTĐ phía Nam phát triển tương xứng tiềm năng, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh, hạ tầng, nhất là giao thông đóng vai trò rất quan trọng, hiện các địa phương trong vùng đang có kế hoạch đẩy mạnh đầu tư nhiều dự án lớn như sân bay, các tuyến đường bộ, cảng biển, và đang tính đến đường sắt. Tuy nhiên, cùng với đó, phải quan tâm đến sự kết nối đồng bộ, nhằm tạo thuận lợi cho giao thương trong vùng và liên vùng.
Một số tuyến giao thông liên vùng được nhiều địa phương kiến nghị chính sách để có thể nhanh chóng triển khai, như tuyến vành đai 3, vành đai 4… ông yêu cầu cần quyết tâm và xác định rõ đâu là trách nhiệm của trung ương và của các địa phương, hình thức đầu tư, nguồn vốn…
Đối với việc phát triển nguồn nhân lực, theo Phó Thủ tướng việc đào tạo phải gắn với thực tiễn, nhất là bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để đáp ứng được yêu cầu xây dựng đô thị thông minh của một số địa phương trong vùng.
Cùng với đó, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thể chế để tạo điều kiện thu hút đầu tư, đón bắt được xu hướng dịch chuyển đầu tư trên thế giới. Liên quan đến một số kiến nghị thành lập Hội đồng vùng, Phó Thủ tướng cho biết, tới đây Thủ tướng sẽ quyết định và nên theo mô hình Ban chỉ đạo.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý, để đảm bảo tính bền vững, cùng với sự phát triển, các tỉnh, thành trong vùng phải làm tốt việc bảo vệ, chăm lo cho người nghèo, đồng bào dân tộc, không để khoảng cách giàu nghèo lớn, dẫn đến mâu thuẫn xã hội. Đặc biệt, cần đảm bảo lợi ích của người dân trong các vấn đề liên quan đến thu hồi đất đai, giải phóng mặt bằng, tránh phát sinh điểm nóng. Không để xảy ra lợi ích nhóm, tham nhũng… Ngoài ra, phải đảm bảo giữ vững an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn./.