Môi trường

Khơi thông nguồn lực tài nguyên, bảo vệ môi trường

Tuyết Chinh (thực hiện) 27/04/2023 - 11:17

(TN&MT) - Thời gian qua, mặc dù có nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng Ninh Bình vẫn kiên trì và thực hiện hiệu quả định hướng quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên, lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân là mục tiêu hàng đầu. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Hùng Thắng - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Ninh Bình.

8-2-.jpg
Ông Lê Hùng Thắng - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Ninh Bình

PV: Ông đánh giá như thế nào về công tác quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường (BVMT), chủ động phòng chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) của ngành TN&MT Ninh Bình những năm qua?

Ông Lê Hùng Thắng: Thời gian qua, công tác quản lý tài nguyên, BVMT và ứng phó BĐKH trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã có nhiều chuyển biến tích cực: Hệ thống chính sách, thể chế từng bước được xây dựng và cụ thể hóa, phục vụ có hiệu quả cho công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó BĐKH; tổ chức bộ máy, năng lực quản lý được hoàn thiện và nâng cao; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác quản lý tài nguyên và BVMT từng bước đáp ứng yêu cầu quản lý trong giai đoạn mới.

Hàng năm, UBND tỉnh đã phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất cấp huyện làm căn cứ để thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; quản lý chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, góp phần nâng cao hiệu quả việc sử dụng các loại đất này tại địa phương. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đã được triển khai thực hiện đồng bộ, góp phần hình thành các khu đô thị, khu, cụm công nghiệp với hàng trăm dự án được triển khai, nhiều dự án đi vào sản xuất kinh doanh có hiệu quả, tạo việc làm cho người lao động, đóng góp nguồn thu đáng kể cho ngân sách Nhà nước, góp phần tăng trưởng kinh tế trên địa bàn.

Việc quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên (khoáng sản, tài nguyên nước) đã cơ bản đi vào ổn định, nền nếp, có sự phối, kết hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành. Chất lượng môi trường khu vực đô thị và nông thôn được cải thiện đáng kể, đặc biệt là việc triển khai các mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn đối với các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu. Các cơ sở có phát thải các nguồn thải lớn đã thực hiện nghiêm các giải pháp BVMT, kiểm soát chất lượng các nguồn thải bằng hệ thống quan trắc tự động, liên tục và truyền dữ liệu 24/24 giờ về Sở TN&MT. Công tác bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ đa dạng sinh học đã đạt được những tiến bộ rõ rệt...

Tuy nhiên, những kết quả nêu trên chỉ là khởi đầu trong tiến trình phát triển bền vững, vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức to lớn đang đặt ra trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với những khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử. Hơn lúc nào hết, Ngành TN&MT Ninh Bình luôn thống nhất về nhận thức để tạo ra những thay đổi cơ bản trong tư duy và hành động, đặc biệt là về mô hình phát triển phải dựa trên khả năng cung ứng của hệ sinh thái và phù hợp với các quy luật tự nhiên, chuyển từ khai thác sang đầu tư phục hồi tài nguyên tự nhiên, tăng cường khai thác, sử dụng tài nguyên có khả năng tái tạo; thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.

PV: Theo ông, hiện nay, vấn đề quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và khả năng thích ứng với BĐKH đang gặp những khó khăn, vướng mắc gì?

Ông Lê Hùng Thắng: Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và khả năng thích ứng BĐKH trên địa bàn tỉnh Ninh Bình vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Trước hết, trong việc thực hiện chính sách pháp luật: Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn còn mới và có nhiều thay đổi so với Luật cũ; do vậy việc triển khai thực hiện còn gặp nhiều khó khăn.

Bộ máy, biên chế quản lý Nhà nước có liên quan đến BVMT tại Sở TN&MT, Ban quản lý các khu công nghiệp, phòng TN&MT cấp huyện,... còn mỏng; trong khi nhiệm vụ công tác quản lý tài nguyên, BVMT đòi hỏi phải phát hiện kịp thời, chủ động kiểm soát ô nhiễm môi trường ngày càng lớn.

Bên cạnh đó, ngân sách Nhà nước ở địa phương mới chỉ phân bổ kinh phí sự nghiệp môi trường cho các hoạt động BVMT ở đô thị, hỗ trợ phương tiện thu gom, xử lý chất thải. Chi các nhiệm vụ khác như: điều tra cơ bản, dự án về BVMT còn chưa tương xứng với các yêu cầu chung. Việc huy động các nguồn vốn đầu tư cho xây dựng công trình xử lý nước thải tập trung khu vực đô thị, cụm công nghiệp, làng nghề còn nhiều khó khăn. Nguồn lực đầu tư thực hiện các chương trình, nhiệm vụ, dự án về quản lý tài nguyên, BVMT và ứng phó BĐKH chưa nhiều. Các hướng dẫn về kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật để xây dựng chương trình, quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án và lồng ghép nội dung ứng phó BĐKH và giám sát, đánh giá hoạt động thích ứng BĐKH, đặc biệt là hướng dẫn kỹ thuật lồng ghép trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương còn thiếu, chưa đồng bộ gây khó khăn cho công tác triển khai, thực hiện.

Trong hoạt động giảm nhẹ phát thải và kiểm kê khí nhà kính, một số bộ, ngành quản lý lĩnh vực (các lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính) chưa ban hành văn bản các hướng dẫn trong việc cung cấp thông tin, kiểm kê khí nhà kính đối với các lĩnh vực theo quy định tại Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Điều này gây khó khăn cho các cơ sở và cơ quan quản lý địa phương trong việc hướng dẫn thực hiện.

Việc tuân thủ các quy định về khai thác tài nguyên và BVMT của một số chủ dự án còn nhiều hạn chế, chưa đầu tư xây dựng đúng mức các công trình BVMT đảm bảo theo quy định; chưa thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về BVMT.

8-1-.jpg
Có thể phát triển du lịch gắn với bảo tồn thiên nhiên đối với những cánh rừng ngập mặn vùng ven biển Kim Sơn.

PV: Để khơi thông nguồn lực vốn có, chuyển hóa những khó khăn, tạo cơ hội và động lực cho sự phát triển, ngành TN&MT Ninh Bình sẽ tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm, then chốt nào, thưa ông?

Ông Lê Hùng Thắng: Năm nay, những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, then chốt của ngành để chuyển hóa khó khăn, tạo cơ hội và động lực phát triển đã được xác định và tập trung triển khai, đó là:

Tập trung xây dựng, tham mưu UBND tỉnh ban hành các chương trình, kế hoạch công tác để triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các Chương trình, Chiến lược, kế hoạch hành động của Chính phủ, của Bộ TN&MT về quản lý tài nguyên, BVMT và chủ động ứng phó BĐKH.

Chú trọng phát triển nguồn nhân lực ngành TN&MT, nhất là nhân lực có chất lượng cao gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Thực hiện công tác luân chuyển, sắp xếp, bố trí cán bộ; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính.

Quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả cao nhất tài nguyên đất đai đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên nước bảo đảm an ninh nguồn nước. Quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên khoáng sản chiến lược. Triển khai Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam. Tăng cường giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên, BVMT và ứng phó BĐKH.

Bên cạnh đó, tập trung đẩy mạnh xây dựng tài nguyên số; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về đất đai, môi trường, khí tượng thủy văn, BĐKH... để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế số.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khơi thông nguồn lực tài nguyên, bảo vệ môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO