Khởi sắc trên quê hương đồng chí Hoàng Văn Thụ

Hoàng Nghĩa| 31/08/2022 20:55

(TN&MT) - Tự hào là mảnh đất quê hương của người chiến sỹ cộng sản kiên trung Hoàng Văn Thụ, những năm qua, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc xã Hoàng Văn Thụ (Văn Lãng, Lạng Sơn) đã luôn đoàn kết một lòng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, cùng chung tay xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Đóng góp của đồng chí Hoàng Văn Thụ đối với cách mạng

Đồng chí Hoàng Văn Thụ sinh ngày 4/11/1909 tại thôn Phạc Lạn, tổng Nhân Lý, châu Văn Uyên, nay là thôn Nhân Hòa, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn.

20a-2-.jpg

Khi đang là học sinh trường tiểu học Pháp - Việt, chứng kiến nỗi thống khổ của nhân dân ta dưới sự áp bức, bóc lột của thực dân Pháp và phong trào đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân chống chế độ thực dân trên khắp cả nước, người học sinh, thanh niên dân tộc Tày -Hoàng Văn Thụ đã nhận thức rõ hơn về con đường đấu tranh cách mạng để giành độc lập, tự do cho dân tộc.

Đầu năm 1928, Hoàng Văn Thụ lên đường sang Trung Quốc, bí mật giúp đỡ cách mạng Việt Nam, cuối năm 1928 được kết nạp vào tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Đầu năm 1929, đồng chí đã gây dựng được một số cơ sở hoạt động bí mật, tạo thuận lợi cho cán bộ cách mạng Việt Nam hoạt động ở khu vực Long Châu - Nam Ninh (Trung Quốc). Đến cuối năm 1929, đồng chí được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930), đồng chí được Chi bộ Đảng phân công phụ trách để xây dựng, phát triển phong trào cách mạng ở Lạng Sơn.

Với ý chí và nghị lực của người cộng sản, đồng chí đã thu hút được nhiều quần chúng trung kiên trên địa bàn châu Văn Uyên và thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở tỉnh Lạng Sơn tại xã Thụy Hùng vào giữa năm 1933, do đồng chí trực tiếp làm Bí thư. Hoạt động của Chi bộ Đảng Thụy Hùng đã ảnh hưởng tích cực, có sức lan tỏa mạnh tới quần chúng và phong trào cách mạng ở các huyện lân cận, khơi dậy tinh thần yêu nước của nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn…

Tháng 3/1935, đồng chí tiếp tục được phân công lãnh đạo Đảng bộ Đảng Cộng sản Đông Dương ở Long Châu (Trung Quốc), đồng thời, chỉ đạo việc củng cố, phát triển cơ sở Đảng ở các tỉnh: Lạng Sơn, Thái Nguyên, Cao Bằng. Từ năm 1936 đến 1938, đồng chí đã thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Bắc Sơn, Tràng Định. Sự ra đời của các Chi bộ Đảng Cộng sản ở Văn Uyên, Bắc Sơn, Tràng Định đã đánh dấu bước trưởng thành vững chắc của phong trào cách mạng Lạng Sơn.

Do yêu cầu mới của cách mạng, từ giữa năm 1938, đồng chí được Trung ương Đảng điều động bổ sung vào Ban lãnh đạo Xứ ủy Bắc Kỳ. Với vai trò là Ủy viên Ban lãnh đạo Xứ ủy, trong 2 năm 1938 - 1939, đồng chí trực tiếp chỉ đạo củng cố phong trào cách mạng ở Thái Nguyên, Hải Dương, Quảng Ninh…

Ngày 8/9/1939, tại Hội nghị mở rộng ở làng Vạn Phúc, Hà Đông, Trung ương Đảng đã cử đồng chí Hoàng Văn Thụ làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ. Tháng 11/1940, đồng chí được phân công trực tiếp chỉ đạo củng cố Đội du kích Bắc Sơn, phát triển lực lượng vũ trang, xây dựng căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai, chuẩn bị những điều kiện cần thiết tiến tới đấu tranh vũ trang.

Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8 tổ chức ở Cao Bằng tháng 5/1941, đồng chí được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Trong thời gian từ cuối năm 1941, đồng chí thường xuyên tới Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định… trực tiếp chỉ đạo phát triển cơ sở quần chúng cách mạng trong công nhân, công chức, binh sĩ,… Với sự chỉ đạo tích cực của đồng chí, đến năm 1943 nhiều cơ sở chi hội trong công nhân, binh lính đã được hình thành ở những địa bàn quan trọng, thúc đẩy thời cơ, tiến tới Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.

Giữa lúc phong trào cách mạng cả nước đang phát triển mạnh mẽ, ngày 25/8/1943, đồng chí bị giặc Pháp bắt. Rạng sáng ngày 24/5/1944, kẻ thù đã sát hại đồng chí tại trường bắn Tương Mai (Hà Nội).

Chỉ với 35 năm tuổi đời và 16 năm hoạt động cách mạng bền bỉ, nhưng cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Hoàng Văn Thụ là trang sử vẻ vang, tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng và phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ cộng sản. Đồng chí đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân.

Phát huy truyền thống

Xã Hoàng Văn Thụ cách trung tâm huyện Văn Lãng 23km. Toàn xã có 10 thôn bản, hơn 720 hộ với trên 3060 nhân khẩu. Trước đây, địa phương này là nơi hẻo lánh vì con đường nhỏ, uốn lượn xuyên rừng rậm âm u, qua nhiều khe suối. Từ khi cách mạng thành công, xã Hoàng Văn Thụ đã “thay da, đổi thịt”, nhất là khi Nhà nước đầu tư con đường trải nhựa phẳng lỳ từ ngã ba Ma Mèo đến trung tâm xã dài hơn 10km.

20a-3-.jpg

Một góc xã Hoàng Văn Thụ hôm nay.

Tự hào với truyền thống quê hương cách mạng, cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Hoàng Văn Thụ đã nỗ lực, chung tay xây dựng xã ngày càng phát triển. Năm 2015, Hoàng Văn Thụ là xã đầu tiên của huyện Văn Lãng đạt chuẩn nông thôn mới. Thôn Nhân Hòa (nơi sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ) đã đạt khu dân cư kiểu mẫu.

Theo Chủ tịch UBND xã Nông Văn Nguyễn, từ xây dựng nông thôn mới, xã đã đạt nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, tỷ lệ hộ có nhà ở đạt chuẩn là gần 93%, không còn nhà tạm, nhà dột nát. Đường trục xã, trục thôn đều đã được cứng hóa 100%. Số hộ đạt gia đình văn hóa đạt gần 98,7%. Thu nhập bình quân đầu người đạt gần 44 triệu/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo hiện còn hơn 5,9%...

Đến xã Hoàng Văn Thụ giờ đây, có thể dễ dàng nhận thấy cảnh quan môi trường trở nên xanh - sạch - đẹp, nhờ sự vào cuộc của chính quyền và sự chung tay của người dân. Trong đó, cấp ủy, chính quyền đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường tới các tầng lớp nhân dân dưới nhiều hình thức. Nhờ đó, người dân đã tự giác giữ gìn vệ sinh môi trường, ra quân vệ sinh đường làng, ngõ xóm, thu gom rác thải, khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm, trồng hoa, cây xanh tại các tuyến đường trục thôn để tạo cảnh quan…

Theo ông Nguyễn, tận dụng lợi thế về đất đai, nhiều gia đình đã phát triển các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao. Điển hình như mô hình trồng cây hồi của các gia đình: Vy Văn Phụ, Hoàng Văn Dục, Hoàng Văn Tháo... Mô hình trồng cây hồng không hạt của hộ: Vũ Thị Phương, Hoàng Văn Phương, Hoàng Văn Tiến… Mô hình nuôi thỏ của ông Nông Văn Quyết… Thu nhập bình quân từ các mô hình này hằng năm đạt trên 200 triệu đồng…

“Phát huy truyền thống quê hương cách mạng và những kết quả đạt được, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hoàng Văn Thụ tiếp tục chung sức, đồng lòng, tích cực xây dựng quê hương ngày càng phát triển.” - Chủ tịch UBND xã Nông Văn Nguyễn khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khởi sắc trên quê hương đồng chí Hoàng Văn Thụ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO