Khởi sắc du lịch vùng cao A Lưới
(TN&MT) - Sớm tinh mơ, mây trắng lửng lơ, từng đoàn khách vượt đường xa, tìm đến những điểm du lịch sinh thái và cộng đồng hấp dẫn, cuốn hút, độc đáo ở vùng cao A Lưới (Thừa Thiên - Huế). Lối sống, nét sinh hoạt ở đây được đưa vào trong du lịch đã tạo nên bản sắc riêng. Cũng nhờ du lịch mà người dân ở huyện miền núi biên giới này có thêm thu nhập, từng bước thoát nghèo.
“Sống khỏe” nhờ du lịch
Khi ánh mặt trời vừa nhô lên, nắng nhẹ tỏa khắp các bản làng vùng cao, men theo con đường bê tông bằng phẳng nhưng với vận tốc khá chậm, chúng tôi có mặt ở Làng du lịch cộng đồng A Nôr thuộc xã Hồng Kim. Tiếng du khách vọng khắp một vùng. Nơi đây được xem là điểm sáng du lịch tại A Lưới bởi du lịch dựa vào cộng đồng trên nền tảng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số và bảo vệ môi trường bền vững. Làng A Nôr cách trung tâm huyện A Lưới chỉ vài cây số, hình thành cách đây 3 năm, làng có 22 ngôi nhà thì có đến 7 homestay, với giá cả lưu trú hợp lý.
Giữa khung cảnh núi rừng hoang sơ dưới chân thác A Nôr, du khách có cơ hội tìm hiểu, khám phá nhiều đặc sản của vùng cao nơi đây như thịt bò, gạo nếp than, gạo ra-dư, mật ong rừng và các sản phẩm thủ công truyền thống của đồng bào các dân tộc Pa Cô, Tà Ôi; được nghe biểu diễn múa, hát...
Ở đây có đội dịch vụ với hơn 10 chị em phụ nữ bản địa. Hằng ngày, họ vẫn lên nương, rẫy bình thường. Đến dịp cuối tuần, khi khách du lịch tham quan và ở lại trong các homestay, muốn tham gia các hoạt động trải nghiệm thì đội dịch vụ sẽ hướng dẫn và tham gia nhiều hoạt động với khách. Thu nhập từ du lịch đã góp phần cải thiện đáng kể đời sống của người dân.
“Nấu ăn cho khách hay hướng dẫn khách làm bánh, giã gạo, múa hát… giúp các chị em cảm thấy như đang làm việc nhà mình nhưng lại có thêm thu nhập nên ai cũng vui, cũng thích”, chị Hồ Thị Sinh tâm sự.
A Nôr ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn thì cũng là lúc nhiều phụ nữ vùng cao có cơ hội thay đổi trong phát triển sinh kế. Qua nhiều năm hình thành và gắn bó với du lịch tại A Nor, chị Lê Thị Kim Thoa (28 tuổi, trú thôn Đút 1, xã Hồng Kim) cho hay, tại homestay Nhuận Thoa của chị, bà con địa phương sẽ tham gia các hoạt động dân vũ, dân ca, ẩm thực vào dịp có khách, sau đó được trả chi phí hợp lý.
“Ngoài việc gia đình mình có thu nhập nhờ du lịch thì chúng tôi cũng rất mong muốn từ cách làm của mình sẽ giúp bà con có thêm kinh tế để trang trải cuộc sống. Sắp tới hi vọng chính quyền địa phương sẽ có những cách làm hay để thu hút du lịch cộng đồng hơn nữa, để người dân A Lưới ổn định, phát triển lâu dài…”, chị Thoa nói.
Tìm hiểu thêm thì được biết, các hộ gia đình ở A Nor vừa kinh doanh du lịch cộng đồng vừa tham gia các đội tự quản bảo vệ rừng, qua đó tạo ra sự gắn kết để khai thác du lịch bền vững.
Còn tại khu vực Làng văn hóa cộng đồng xã A Roàng, chúng tôi được chứng kiến nét sinh hoạt cộng đồng độc đáo. Khi trời tối, dưới ánh lửa bập bùng, nhiều đặc sản ở A Lưới được mang ra cho du khách thưởng thức. Bà con trong trang phục truyền thống cùng múa, hát với du khách bên ngọn lửa ấm áp. Ở đây cũng có homestay cho khách ở lại, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Trước hiên nhà, những cơn gió nhè nhẹ cứ thoáng qua, cả một vùng rực sáng bên không gian ẩm thực đặc sắc. Hết lửa, tiếng cười nói lao xao xóa tan sự tĩnh lặng của màn đêm.
“Mình có làm về mô hình du lịch văn hoá, di sản gắn liền với cộng đồng người Tà Ôi, cụ thể là lưu trú, trải nghiệm, ẩm thực… Mỗi năm đón trên 1.000 lượt khách trong nước và quốc tế. Du lịch đã mang lại cho gia đình nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm, và bà con cũng có công ăn việc làm, thu nhập khoảng 4 - 5 triệu đồng/người/tháng, ngoài ra gìn giữ được văn hoá, bản sắc, mang đến cho du khách hình ảnh chân thực về cuộc sống vùng cao một cách gần gũi, thân thiện với môi trường và con người”, anh Viên Đăng Phú – chủ homestay Hương Danh tại thôn Aka (A Roàng) thổ lộ.
Xuôi về hướng TP. Huế, tại suối Pâr Lê (xã Hồng Hạ), từ cổng khu du lịch cộng đồng vào đến con suối, lên tận hồ tắm, nơi đây được lắp đặt các bảng quảng cáo, biển chỉ dẫn, xây nhà vệ sinh, bố trí các thùng rác và chòi sạp hợp lý; nội quy và bảng giá được niêm yết công khai... Mỗi ngày, hàng trăm khách không ngại đường xa để đến với điểm du lịch hấp dẫn này.
Lãnh đạo xã Hồng Hạ cho biết, hiện trên địa bàn có 3 điểm lưu trú theo mô hình homestay, đã hình thành HTX du lịch, tạo việc làm và tăng thu nhập cho trên 15 thành viên. Ngoài ra, du lịch phát triển cũng đã kích thích kinh tế nông nghiệp lớn mạnh, bà con bán được các mặt hàng nông sản sạch như gà đồi, cá suối, ốc, sắn, bắp ngô, bắp chuối rừng, các loại rau, gạo nếp, mật ong..., có trên 7 hộ thường xuyên cung cấp mặt hàng, mang lại thu nhập từ 3-4 triệu/tháng. Định kỳ sẽ được tổ chức các hoạt động sinh hoạt, lao động sản xuất như dệt Zèng, chế tạo nông cụ, nhạc cụ dân tộc... và tái hiện các hoạt động văn hoá phi vật thể của đồng bào để du khách đến đây được tham gia.
Du lịch xanh, bền vững
A Lưới cách TP. Huế khoảng 70 km về phía Tây, nằm trên dãy Trường Sơn bao la hùng vĩ, giáp nước bạn Lào, người dân sinh sống chủ yếu là bà con dân tộc thiểu số như Tà Ôi, Pa Cô, Cơ Tu, Pa Hy. Vùng cao A Lưới có nguồn đất đai rộng lớn, khí hậu mát mẻ, được thiên nhiên ban tặng nhiều danh thắng tuyệt đẹp, du khách sẽ được trải nghiệm loại hình du lịch sinh thái kết hợp với du lịch cộng đồng trong những ngôi nhà sàn được xây dựng theo kiến trúc đặc trưng truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số A Lưới, như nhà Gươl của dân tộc Cơ Tu, nhà Rông của dân tộc Tà Ôi, nhà Dài của dân tộc Pa Cô.
Hoạt động du lịch sinh thái A Lưới dựa vào cộng đồng theo xu hướng khám phá, tìm hiểu văn hóa bản địa, cùng làm, cùng sống và trao đổi trực tiếp với người dân bản xứ. Hình thức du lịch này cộng đồng địa phương làm chủ, tham gia vào quá trình phát triển và quản lý, phần lớn lợi ích sẽ thuộc về cộng đồng, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên du lịch, tài nguyên nhân văn, các giá trị văn hóa truyền thống.
Không hẹn mà gặp, tại cổng thác A Nôr, bà Lê Thị Thêm - Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện A Lưới đang đi thăm các mô hình du lịch cộng đồng của người dân. Dù mồ hôi nhễ nhại trên trán nhưng bà Thêm vẫn tươi cười, phấn khởi. Qua trao đổi, bà Thêm cho biết, hiện toàn huyện có 5 làng du lịch cộng đồng đang hoạt động. Trong đó du lịch cộng đồng A Nôr, A Roàng là điểm du lịch vệ tinh kết nối các điểm du lịch trên địa bàn huyện. Cơ sở vật chất phục vụ du lịch, dịch vụ được đầu tư nâng cấp, toàn huyện có 29 hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú, các cơ sở cơ bản hoàn thiện các thủ tục pháp lý, tiện nghi, đáp ứng nhu cầu khách du lịch. Huyện đã triển khai tập huấn cho hàng trăm học viên về nghiệp vụ thuyết minh, ẩm thực, quản lý, điều hành khách, một số lớp về xây dựng du lịch xanh. Lượng khách đến tham quan tăng nhanh, từ năm 2021 đến nay đạt 126.332 lượt, doanh thu khoảng 16,8 tỷ đồng/năm. Các điểm du lịch trên địa bàn được các địa phương quản lý, bảo vệ và giữ được vẻ nguyên sơ, thân thiện với môi trường.
“Chúng tôi đã có nhiều chủ trương, chính sách đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái luôn gắn liền mật thiết với đời sống kinh tế của người dân địa phương, khuyến khích bà con làm du lịch. Đồng thời huyện nhà cũng luôn tạo điều kiện, phối hợp với Sở Du lịch, trường Cao đẳng nghề du lịch Huế và các tổ chức phi chính phủ mở các khoá tập huấn về du lịch cộng đồng có trách nhiệm cho các đối tượng là người dân làm du lịch cộng đồng. Ngoài ra, hỗ trợ nâng cao nhận thức và năng lực cộng đồng, phối kết hợp các bên liên quan trong quản lý tài nguyên, môi trường, tuyên truyền về bảo tồn, sử dụng tài nguyên du lịch bền vững…”, bà Thêm chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch UBND huyện A Lưới, huyện đang có nhiều chương trình quảng bá và du lịch A Lưới được đặt trong lộ trình di sản miền Trung. Huyện chỉ đạo các điểm du lịch niêm yết giá cả, không chèo kéo, thách giá hướng tới du lịch sạch, xanh. Hai năm qua, huyện đã phân bổ ngân sách cho hoạt động du lịch tổng kinh phí hơn 2,691 tỷ đồng (chưa bao gồm nguồn xã hội hoá) để đầu tư hạ tầng cơ bản và tuyên truyền, chỉ dẫn. Huyện cũng cho xây dựng nhiều phương án hỗ trợ phát triển du lịch homestay tại các làng văn hóa du lịch cộng đồng và một số hộ gia đình tại Hồng Kim, Hồng Hạ, A Roàng, Nhâm... Huyện xác định du lịch phát triển góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, duy trì không gian mang tính cộng đồng, cải thiện môi trường sống, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể góp phần tôn vinh và giới thiệu về lịch sử, văn hóa con người A Lưới. Và, quan trọng nhất là tất các các hộ gia đình làm du lịch đều có thu nhập ổn định, thoát nghèo, góp phần vào công tác giảm nghèo tại địa phương.
Sương đọng trên lá, hừng đông lại thức giấc, trẻ em hân hoan cắp sách đến trường với nụ cười trìu mến. Trong tiết trời nắng dịu pha lẫn chút gió thu, tôi nhâm nhi ly cà phê ở phố núi. Sửa soạn rời A Lưới sau khi ở lại một đêm trong căn homestay mang đặc trưng của người Tà Ôi, lòng tôi vẫn còn lưu luyến và ấn tượng với những món ăn, phong tục tập quán cũng như cách làm du lịch của người dân nơi đây.
Phía xa xa, nắng xuyên qua hàng cây, những chuyến xe hối hả về thành phố. Tôi cũng phải về. Hi vọng bà con A Lưới sẽ tiếp tục có những mô hình du lịch hay, làm kinh tế giỏi, qua đó ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững trên chính quê hương.
A Lưới đang là một trong 74 huyện nghèo của cả nước, qua rà soát đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo còn 5.399 hộ, chiếm 38,2%. Năm 2023, A Lưới đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 26,12 % (tương ứng giảm 12,08 %, xuống còn 3.691 hộ). Đến năm 2025, phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều toàn huyện giảm còn dưới 12,01%, quyết tâm thoát ra khỏi một trong 74 huyện nghèo nhất toàn quốc giai đoạn 2021 – 2025