Môi trường

Khôi phục môi trường rừng, phát triển tín dụng xanh

Phạm Oanh 24/04/2023 - 23:48

(TN&MT) - Thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường, trong thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan thống nhất quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên. Đồng thời, bổ sung chính sách về ưu đãi, hỗ trợ về tín dụng xanh, trái phiếu xanh nhằm bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Trả lời ý kiến cử tri về các chính sách liên quan đến khôi phục môi trường rừng, quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học, ưu đãi, hỗ trợ về môi trường, tín dụng xanh…, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết, những chính sách này đã được quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định số 08/2020/NĐ-CP. Thực hiện quy định này, Bộ TN&MT đang xây dựng Thông tư hướng dẫn và tích cực phối hợp triển khai hiệu quả.

Khôi phục môi trường rừng, bảo tồn đa dạng sinh học

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định số 08/2020/NĐ-CP, các khu bảo tồn loài-sinh cảnh, vườn quốc gia là các di sản thiên nhiên. Bên cạnh đó, các khu bảo tồn loài-sinh cảnh, vườn quốc gia còn chịu sự điều chỉnh của pháp luật về lâm nghiệp và đa dạng sinh học. Do vậy, việc bảo vệ, khôi phục môi trường rừng; quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học cần sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, UBND tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương và Ban quản lý các khu bảo tồn loài - sinh cảnh, vườn quốc gia.

khoi-phuc-rung.jpg
Ảnh minh họa

Thực hiện trách nhiệm về quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên, trong thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ chủ động, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan và các địa phương tham mưu Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên. Đồng thời, xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, sẽ tổ chức thực hiện và kiểm tra việc chấp hành pháp luật, hướng dẫn kỹ thuật về quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên; triển khai các nhiệm vụ cụ thể theo kế hoạch được giao trong Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tín dụng xanh, trái phiếu xanh

Bộ TN&MT cũng cho biết, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã dành riêng một chương quy định về “Công cụ kinh tế, chính sách và nguồn lực bảo vệ môi trường”. Trong đó đã bổ sung các chính sách về phát triển ngành công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường, sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường; ưu tiên thực hiện mua sắm xanh đối với dự án, nhiệm vụ sử dụng ngân sách nhà nước; thúc đẩy việc khai thác, sử dụng và phát triển vốn tự nhiên; đặc biệt là thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, bổ sung chính sách về ưu đãi, hỗ trợ về bảo vệ môi trường; tín dụng xanh, trái phiếu xanh để thúc đẩy xã hội hóa, huy động đa dạng các nguồn lực xã hội cho bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Cùng với đó, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP đã quy định chi tiết đối tượng, nội dung ưu đãi, hỗ trợ về bảo vệ môi trường (ưu đãi về đất đai, vốn đầu tư, thuế, phí, trợ giá, mua sắm xanh, hỗ trợ quảng bá các hoạt động bảo vệ môi trường); cơ chế khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn; quy định về cấp giấy chứng nhận Nhãn sinh thái Việt Nam cho sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường.

Thực hiện Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022, hiện nay, Bộ TN&MT đang xây dựng Thông tư quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khôi phục môi trường rừng, phát triển tín dụng xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO