Hiện nay, cùng với sự phát triển đất nước, sông Tô Lịch đang gánh trên mình nhiệm vụ thoát nước cho cả thủ đô. Theo số liệu thống kê mới nhất của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trung bình một ngày đêm sông vẫn tiếp tục phải tiếp nhận khoảng 150.000m3 nước thải sinh hoạt và công nghiệp, khiến mức độ ô nhiễm của dòng sông ngày càng thêm trầm trọng.
Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Hà Nội cho phép đoàn chuyên gia Nhật Bản phối hợp với Công ty Cổ phần Cải thiện Môi trường Nhật Việt thực hiện “Dự án thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano-Bioreactor” bằng nguồn tài trợ của Nhật Bản.
Phát biểu khai mạc buổi lễ, ông Nguyễn Tuấn Anh – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần cải thiện môi trường Việt Nhật cho biết, vừa qua, có ý kiến cho rằng, xử lý căn cốt vẫn là xử lý tại nguồn xả thải vào lòng sông, còn giải pháp khác chỉ mang tính tạm thời. Tuy nhiên, theo các chuyên gia Nhật, nếu Hà Nội tách được nước thải không cho chảy vào sông Tô Lịch thì vẫn còn 3 vấn đề hiện hữu là: mùi hôi thối không thể tự nhiên mà mất đi được; lớp bùn tầng đáy không tự nhiên được phân hủy mà vẫn phải nạo vét cơ học; chất lượng nước hiện tại trong lòng sông Tô Lịch đang ô nhiễm với các chỉ số rất cao dẫn đến cá vẫn có thể bị chết hàng loạt nếu không được xử lý nước hiện tại.
Do vậy, chỉ có công nghệ Bio-nano của Nhật Bản áp dụng theo ý tưởng phát minh mới là đưa hệ thống xử lý kết hợp giữa công nghệ sinh học và công nghệ Nano-Bioreactor có tốc độ xử lý gấp 6 lần tốc độ âm thanh, tạo nên “Nhà máy xử lý nước thải bằng công nghệ Nano-Bioreactor”, vật liệu thiên nhiên vào trong lòng sông”. Việc đó xử lý triệt để được không chỉ từ nguồn ô nhiễm nước thải chảy vào, mà còn xử lý được tận gốc nguyên nhân gây ra mùi hôi và ô nhiễm là phân hủy hoàn toàn lớp bùn đáy tích tụ mà không cần phải dùng các biện pháp nạo vét cơ học.
“Đây được coi là cuộc cách mạng về xử lý nước ô nhiễm sông hồ hiện nay, giúp chúng ta thay đổi suy nghĩ, cách làm cũ để thực hiện theo công nghệ hiện đại nhất hiện nay, vừa đơn giản, dễ áp dụng, lại tiết kiệm được ngân sách nhà nước” – ông Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh.
Giới thiệu thêm về công nghệ Nano-Bioreactor, Tiến sĩ Tadashi Yamamura, Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến Thương mại – Môi trường Nhật Bản cho biết: “Chúng tôi đã làm thành công nhiều dự án về xử lý ô nhiễm cho các con sông của các nước trên thế giới như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc… Ở các con sông đó thường có nước thải công nghiệp chảy vào. Tuy nhiên, ở sông Tô Lịch thì lượng nước thải công nghiệp ít hơn nhưng vấn đề lớn nhất là lượng bùn ở tầng đáy rất lớn làm bốc lên mùi hôi thối rất khó chịu. Chúng tôi cho rằng đây là bài toán đơn giản hoàn toàn có thể xử lý bằng công nghệ Nano Bioreactor”.
Theo tiến sĩ Tadashi Yamamura, công nghệ Bio-nano của Nhật Bản phân hủy hoàn toàn lớp bùn ở tầng đáy mà không cần nạo vét cơ học, là công nghệ xử lý căn cơ, tận gốc, triệt để nguồn gây ô nhiễm tạo ra mùi hôi thối của sông Tô Lịch. Với công suất xử lý cực lớn lên tới 1.350.000m3/ngày đêm mà không cần phải sử dụng một mét vuông đất nào để xây dựng nhà máy, toàn bộ nước thải ra sông Tô Lịch sẽ được xử lý trong ngày mà không còn ô nhiễm nữa.
Đánh giá về dự án thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano-Bioreactor, TSKH Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng, vấn đề ô nhiễm môi trường của cả nước nói chung và thủ đô Hà Nội nói riêng đang gặp rất nhiều thách thức. Dự án này sẽ góp phần xử lý một đoạn sông Tô Lịch có tính chất thí điểm. Đồng thời, mở đầu cho chuỗi các hoạt động làm sạch các dòng sông, hồ của thủ đô và có thể lan tỏa ra các địa phương khác.
“Mặc dù đây là một công nghệ hiện đại, nhưng không phải là “bảo bối”, cứ như thế môi trường sạch sẽ mãi mãi được. Do vậy, chúng ta phải tiếp cận đến giải pháp tổng thể xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp từ nguồn”, ông Nghiêm Vũ Khải khẳng định.
Hy vọng việc thí điểm thực hiện xử lý ô nhiễm tại sông Tô Lịch sẽ được thực hiện thành công và nhanh chóng nhân rộng toàn tuyến sông để làm sống lại sông Tô Lịch, đáp ứng mong mỏi, chờ đợi của người dân Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.