Khơi dậy nhiệt tình của thế hệ trẻ theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu khoa học

Thanh Tùng-Nguyễn Thủy| 28/07/2022 12:52

Đây là yêu cầu của Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân tại Hội nghị các Nhà khoa học trẻ ngành TN&MT do Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Tạp chí TN&MT, Đoàn Thanh niên Bộ TN&MT phối hợp tổ chức sáng 28/7, tại Hà Nội.

Hội nghị có sự tham gia của 200 các nhà nghiên cứu khoa học trẻ đến từ các Viện, Trường, các đơn vị quản lý trong và ngoài ngành TN&MT. Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với gần 1000 điểm cầu trên cả nước. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi các sự kiện thiết thực hướng đến chào mừng Kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Bộ TN&MT (5/8/2002 - 5/8/2022).

Trong khuôn khổ Hội nghị này, Bộ TN&MT đã tổ chức Tọa đàm: “Vai trò của các Nhà khoa học trẻ trong chuyển đổi số và công nghệ số lĩnh vực TN&MT phục vụ phát triển bền vững”; ra mắt Câu lạc bộ các nhà khoa học trẻ ngành TN&MT; Hội thảo khoa học với chủ đề “Chuyển đổi số và công nghệ số trong lĩnh vực TN&MT phục vụ phát triển triển bền vững”.

1(1).jpg
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thanh Tùng

Chú trọng đào tạo thế hệ trẻ

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đã được khẳng định trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và được thể hiện xuyên suốt trong các mục tiêu của Kế hoạch hành động quốc gia, là công cụ then chốt trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, giải quyết các thách thức trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.

Văn kiện Đại hội XII của Đảng khẳng định, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong các đột phá chiến lược quan trọng nhất tiến tới phát triển nhanh, bền vững. Đồng thời yêu cầu: “Có thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ; nâng cao năng lực nghiên cứu, làm chủ một số công nghệ mới, hình thành năng lực sản xuất mới có tính tự chủ và khả năng thích ứng, chống chịu của nền kinh tế; lấy doanh nghiệp làm trung tâm nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ số. Phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo”.

dsc_0040.jpg
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Thanh Tùng

Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, Việt Nam đang đứng trước cuộc cạnh tranh về KH&CN. Do đó, việc thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học trong giới trẻ để góp phần kiến tạo một tương lai xanh là hết sức cần thiết. Việt Nam đã trải qua các giai đoạn phát triển mạnh mẽ, đến nay là giai đoạn cần có sự bứt phá hơn; tuy nhiên, chúng ta không thể bứt phá bằng tài nguyên thiên nhiên và lao động giá rẻ mà cần phải dựa vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Để làm được điều đó, có rất nhiều điều phải chuẩn bị như: chuẩn bị nguồn lực từ sớm, từ xa, chú trọng đào tạo từ các thế hệ trẻ; có như vậy, trong tương lai nguồn nhân lực mới góp phần vào sự phát triển của đất nước.

“Với các định hướng, nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ, đối với ngành TN&MT, đội ngũ chuyên gia, cán bộ khoa học và công nghệ chính là nhân tố quyết định sự phát triển khoa học và công nghệ, là khâu đột phá trong phát triển nguồn nhân lực ngành TN&MT. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi cuộc cách mạng 4.0 đang phát triển mạnh mẽ đã mở ra nhiều cơ hội và thách thức về nghiên cứu khoa học đối với các nhà khoa học nói chung và các nhà khoa học trẻ nói riêng”, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh.

2(1).jpg
TS. Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thanh Tùng

Theo TS. Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội, ngày nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang mở ra những trang mới đối với nhân loại, thúc đẩy sự chuyển biến mạnh mẽ nền kinh tế của nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ chuyển sang nền kinh tế số, nền kinh tế thông minh. Ngay tại Việt Nam cũng bắt đầu được thừa hưởng và trải nghiệm những thành quả ban đầu của cuộc cách mạng 4.0 này.

Ông Tạ Đình Thi cho biết, nắm bắt xu thế và đi cùng thời đại, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm thúc đẩy và tận dụng thời cơ tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó, nhấn mạnh nhân tố con người đóng vai trò quyết định cho sự thành công của chuyển đổi số, đi đầu là lực lượng các nhà khoa học trẻ, những người có tư duy mới, dồi dào năng lượng, nhiệt huyết, luôn chủ động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, không ngại khó, không ngại khổ.

Tạo điều kiện thuận lợi để các nhà khoa học trẻ nghiên cứu khoa học

Theo các đại biểu tham dự Hội nghị, trải qua hai mươi năm xây dựng và phát triển, hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ của Bộ TN&MT đã có những bước phát triển vững chắc. Các kết quả nghiên cứu đã góp phần hình thành hệ thống cơ sở lý luận khoa học phục vụ việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật của ngành TN&MT; là cơ sở định hướng cho công tác xây dựng chiến lược, chính sách, quy hoạch quốc gia về TN&MT; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác quản lý và điều tra cơ bản TN&MT phù hợp với tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

10.jpg
Ra mắt Câu lạc bộ các nhà khoa học trẻ ngành TN&MT. Ảnh: Thanh Tùng

Tuy nhiên, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc nghiên cứu, triển khai hoạt động khoa học và công nghệ trong lĩnh vực TN&MT vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: thiếu cơ chế phối hợp, thiếu nguồn lực dễ thu hút, động viên các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ tham gia công tác nghiên cứu; cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ cho nghiên cứu khoa học còn nghèo nàn, lạc hậu; thông tin khoa học và công nghệ còn thiếu và không kịp thời,...

Do đó, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân mong muốn các nhà khoa học trẻ cùng chung tay, nỗ lực để triển khai thực hiện các định hưởng và giải pháp thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ của ngành TN&MT. Mong muốn và kêu gọi các nhà khoa học trẻ ngành TN&MT tiếp tục nỗ lực, cố gắng hơn nữa để thực hiện thành công Chiến lược phát triển ngành TN&MT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 và Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị cần tiếp tục tăng cường liên kết giữa các Viện nghiên cứu, các Trưởng đại học để hình thành các nhóm nghiên cứu liên ngành, liên lĩnh vực theo Quy chế thành lập và tổ chức hoạt động nhóm nghiên cứu mạnh của Bộ TN&MT sẽ được ban hành trong thời gian tới. Đồng thời, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ khoa học và công nghệ ngành TN&MT; trẻ hoá đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ; khơi dậy nhiệt tình của thế hệ trẻ theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu khoa học và công nghệ. Tranh thủ tối đa các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế để tiếp tục hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng các nhà khoa học trẻ của ngành TN&MT.

5.jpg
Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: Thanh Tùng

Bên cạnh đó, các đơn vị trực thuộc Bộ, đặc biệt là Vụ Khoa học và Công nghệ tiếp tục hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà khoa học trẻ phát triển các hướng nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng về TN&MT có giá trị thực tiễn cao. Vụ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, tham mưu Bộ để có chế độ thưởng, phụ cấp và trợ cấp cho các công trình khoa học và công nghệ có giá trị. Có cơ chế để cán bộ khoa học và công nghệ trẻ bảo đảm thu nhập chính đáng thông qua việc tham gia các hợp đông nghiên cứu - triển khai.

Ban điều hành lâm thời Câu lạc bộ các nhà khoa học trẻ ngành TN&MT gồm 3 thành viên: PGS. TS. Phạm Minh Hải, Viện Khoa học Đo đạc bản đồ (Chủ tịch lâm thời CLB); TS. Đoàn Quang Trí, Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Phó chủ tịch) và TS. Huỳnh Thiên Tài, Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. HCM (Phó chủ tịch).

Để Câu lạc bộ các nhà khoa học trẻ ngành TN&MT hoạt động hiệu quả, GS.TS Trần Hồng Thái, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Ủy viên Hội đồng Giáo sư liên ngành Khoa học Trái đất-Mỏ, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV cho rằng, Ban điều hành lầm thời cần thể hiện rõ sứ mệnh là bộ phận gắn kết và điều tiết các hoạt động khoa học của Câu lạc bộ; làm phong phú, sâu sắc hơn các nội dung hoạt động, tạo sự lan toả rộng hơn nữa của Câu lạc bộ tới lực lượng các cán bộ nghiên cứu khoa học trẻ, các giảng viên, nghiên cứu sinh, sinh viên từ các trường đại học trong và ngoài Bộ liên quan đến TN&MT.

3(2).jpg
GS.TS Trần Hồng Thái, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Ủy viên Hội đồng Giáo sư liên ngành Khoa học Trái đất-Mỏ, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thanh Tùng

Đồng thời, Câu lạc bộ cần chú trọng xây dựng một môi trường nghiên cứu khoa học cởi mở, sáng tạo, chia sẻ thúc đẩy đam mê nghiên cứu, khám phá, sáng tạo. Trước mắt, tạo ra một sân chơi lành mạnh cho cộng đồng các nhà khoa học trẻ gắn bó với câu lạc bộ như ngôi nhà chung, cùng nhau đóng góp trí tuệ, nhiệt huyết phát triển ngành TN&MT. Đồng thời, hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh phù hợp với xu hướng của Bộ TN&MT đang làm, đồng thời đẩy mạnh sự hợp tác, liên kết giữa những nhà khoa học có chuyên môn khác nhau trong và ngoài ngành xây dựng các đề xuất đề tài các cấp, xây dựng các dự án tạo ra các sản phẩm nghiên cứu có tính liên lĩnh vực, liên ngành ứng dụng thực tiễn cao cho ngành TN&MT.

Tọa đàm: “Vai trò của các Nhà khoa học trẻ trong chuyển đổi số và công nghệ số lĩnh vực TN&MT phục vụ phát triển bền vững” có sự tham dự của các Đại biểu: TS. Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội; GS. TS. Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Ủy viên Hội đồng Giáo sư liên ngành khoa học Trái đất Mỏ - Môi trường; TS. Phạm Minh Hải, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ; Anh Nguyễn Quang Huy, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bộ TN&MT; Bà Nguyễn Thị Vi Huế, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Lào Cai (trực tuyến). Tại Tọa đàm, nhiều câu hỏi của các Nhà khoa học trẻ đã được các đại biểu trả lời ngay tại diễn đàn giúp cho các nhà khoa học trẻ có được những giải đáp, định hướng sáng tạo trong nghiên cứu để ứng dụng và phục vụ hiệu quả cho các lĩnh vực của Ngành TN&MT.

Tại phần Hội thảo khoa học với chủ đề “Chuyển đổi số và công nghệ số trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường phục vụ phát triển triển bền vững”, các đại biểu được nghe trình bày 6 công trình nghiên cứu tiêu biểu. Đặc biệt là 2 công trình nghiên cứu có tính thực tiễn mang tầm quốc tế, đó là Công trình nghiên cứu đề xuất phương pháp nâng cao năng lực dự báo mưa lũ của tác giả Nguyễn Hoàng Minh, Dự báo viên Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia; công trình nghiên cứu “Xây dựng ứng dụng quản lý cơ sở dữ liệu đề tài, dự án, nhiệm vụ chuyên môn phục vụ quá trình chuyển đổi số tại Viện Nghiên cứu biển và hải đảo” của nhóm tác giả Phạm Minh Dương, Trần Thanh Hải, Nghiêm Thanh Hải thuộc Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khơi dậy nhiệt tình của thế hệ trẻ theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu khoa học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO