Nhiều người có thể ngạc nhiên khi biết rằng, hươu cao cổ, vẹt và thậm chí, cả cây sồi, cũng như xương rồng và rong biển nằm trong danh sách các loài bị đe dọa.
Rong biển là một trong những “sinh vật tồn tại vĩ đại” của hành tinh và họ hàng của một số loài rong biển ngày nay có thể được truy tìm từ khoảng 1,6 tỷ năm trước. Rong biển đóng một vai trò quan trọng trong hệ sinh thái biển, cung cấp môi trường sống và thức ăn cho các dạng sinh vật biển, trong khi các loại lớn - chẳng hạn như tảo bẹ - đóng vai trò là nơi nuôi dưỡng cá dưới nước. Tuy nhiên, hoạt động nạo vét cơ học, nhiệt độ nước biển tăng và việc xây dựng cơ sở hạ tầng ven biển đang góp phần làm suy giảm các loài này.
Cây cối trên thế giới đang bị đe dọa bởi nhiều nguồn khác nhau, bao gồm khai thác gỗ, phá rừng làm công nghiệp và nông nghiệp, lấy củi để sưởi ấm và nấu ăn và các mối đe dọa liên quan đến khí hậu như cháy rừng.
Theo Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) về các loài bị đe dọa, khoảng 31% trong số 430 loại sồi trên thế giới đang bị đe dọa tuyệt chủng và 41% nằm trong “mối quan tâm bảo tồn”, chủ yếu là do phá rừng làm nông nghiệp và làm nhiên liệu để đun nấu.
Hươu cao cổ cũng đối diện với nguy cơ tuyệt chủng do bị giết hại để lấy thịt, bị suy thoái môi trường sống do khai thác gỗ không bền vững và nhu cầu đất nông nghiệp tăng lên. Theo ước tính, chỉ còn khoảng 600 con hươu cao cổ Tây Phi trong tự nhiên.
Theo các chuyên gia Liên Hợp Quốc, nếu con người không tương tác với thiên nhiên một cách bền vững hơn, cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học hiện nay sẽ trở nên trầm trọng hơn, với những kết quả thảm khốc cho nhân loại.
Bà Susan Gardner, Giám đốc Chương trình Hệ sinh thái của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) cho biết: “Báo cáo của IPBES đã nhấn mạnh các loài hoang dã là nguồn cung cấp thực phẩm, nơi ở và thu nhập không thể thiếu cho hàng trăm triệu người trên thế giới. Nếu tiếp tục sử dụng các nguồn tài nguyên này một cách không bền vững, chúng ta không chỉ chứng kiến sự mất mát và thiệt hại của các quần thể loài này, mà điều đó còn ảnh hưởng đến sức khỏe và hạnh phúc của chính chúng ta và thế hệ mai sau”.