Trước sự cố trên, ngày 31/7/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phóng đã đi kiểm tra thực tế và ngay ngày hôm sau (1/8) ra Thông báo yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo, đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Phòng, chống thiên tai xác định nguyên nhân và chỉ đạo, xử lý kịp thời sự cố nêu trên. Chỉ đạo lực lượng quản lý đê điều thuộc Chi cục Quản lý đê điều và Phòng, chống lụt bão tổ chức tuần tra, theo dõi diễn biến sự cố, kịp thời báo cáo Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh diễn biến bất thường sự cố nêu trên. Tham mưu chuẩn bị, bố trí phương tiện, lực lượng theo phương châm “4 tại chỗ” để kịp thời xử lý, khắc phục khi có sự cố bất thường xảy ra.
Thông báo cũng chỉ rõ, tuyến đê tả sông Hồng có nhiều điểm lún, nứt và hiện nay đang trong mùa mưa bão, yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện: Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động và TP Hưng Yên chỉ đạo phòng chuyên môn, lực lượng công an phối hợp với Chi cục quản lý đê điều và Phòng, chống lụt bão tỉnh dựng barie và biển báo cấm xe tải đi trên đê, tại các điểm dốc lên đê và toàn tuyến đê tả sông Hồng (trừ xe tải chở nông sản, thực phẩm có tải trọng dưới 07 tấn). Thời gian cấm xe đến ngày 31/10/2018.
Yêu cầu Thanh tra tỉnh đẩy nhanh tiến độ thanh tra việc khai thác, kinh doanh bến bãi, vật liệu xây dựng, cát trên sông Hồng, sông Luộc, báo cáo UBND tỉnh kết quả thanh tra trước ngày 31/8/2018. Chủ tịch UBND các huyện có đê và TP Hưng Yên: chỉ đạo giải tỏa ngay các bến bãi tập kết cát và VLXD trái phép và không có trong quy hoạch trên bãi sông Hồng, sông Luộc; chỉ đạo Công an huyện tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các loại xe quá tải trọng đi trên đê.
Ngày 8/8/2018, trao đổi với PV Báo TN&MT, ông Dương Hữu Chính - Hạt trưởng Quản lý đê điều huyện Khoái Châu cho biết: Ngay sau khi phát hiện sự cố trên, chúng tôi đã tổ chức khắc phục tạm thời bằng cách dải nilon lên trên các vết nứt và đắp con trạch chạy dài trên mặt đê theo vết nứt để ngăn không cho nước mưa ngấm xuống. Chúng tôi cũng dựng barie và biển cảnh báo, cùng đó là cho người ứng trực thường xuyên. Còn nguyên nhân nứt đê thì có thể là do mái đê thượng lưu dốc, mưa lớn kéo dài, đoạn đê có địa chất xấu. Mới đây chúng tôi đi tuần, kiểm tra và đã phát hiện vết nứt rộng hơn so với thời điểm phát hiện.
Sự cố lún, nứt trên đê tả sông Hồng ngay trong đợt cao điểm của mùa mưa bão đã thật sự là mối nguy hiểm khôn lường, đe dọa trực tiếp đến sự an toàn cho hệ thống đê. Tuy nhiên, việc khắc phục sự cố như trên của ngành chức năng địa phương chỉ mang tính tạm thời. Trong tình thế cấp bách này, rất cần sự quan tâm, chỉ đạo, vào cuộc thật khẩn trương của các ngành chức năng cấp trên để có phương án tối ưu, kịp thời nhằm xử lý dứt điểm, bền vững, lâu dài, đảm bảo cho tuyến đê được an toàn trong mùa mưa bão.