Lửa gần rơm lâu ngày cũng… bén!
Cách đây 19 năm, sau khi học xong tại Trường Cán bộ Khí tượng Thủy văn (KTTV) Hà Nội, anh Nguyễn Văn Nguyên (Sn 1980) nhận công tác tại Trạm Thủy văn Lai Châu (nay là Trạm Thủy văn Mường Lay), thuộc Đài KTTV khu vực Tây Bắc, vào tháng 7/2001. Đến năm 2002, anh được đơn vị điều chuyển về Trạm Thủy văn Hòa Bình, ở xã Trung Mỹ, TP. Hòa Bình. Tháng 2/2004, anh nhận nhiệm vụ tại Phòng Quản lý mạng lưới trạm (nay là Phòng Mạng lưới trạm và Thông tin KTTV) - thuộc khối Văn phòng Đài KTTV khu vực Tây Bắc.
Khi lên trên này, Đài bố trí cho anh ở tại khối nhà công vụ của Trạm Khí tượng Sơn La. Khối nhà công vụ của Trạm và Trạm Khí tượng Sơn La cùng nằm trên một khu đất ở đỉnh đồi, biệt lập hoàn toàn với thị xã Sơn La đông đúc và náo nhiệt. Ngày ấy, giao thông, công nghệ thông tin còn chưa phát triển, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, khó khăn. Buổi tối, vì nhà công vụ không có vô tuyến, nên anh sang xem nhờ ở Trạm. Dần dần, anh quen biết cô quan trắc viên nhỏ nhắn, xinh xắn Trương Thị Phong (Sn 1982), quê ở Ý Yên - Nam Định. Những buổi tối đi “obs” khuya, bên cạnh bước chân của cô gái khí tượng, còn có ánh đèn pin rọi đường của chàng trai làm thủy văn.
Vậy là, “lửa gần rơm lâu ngày cũng…bén”! Tháng 11/2005, họ quyết định về chung một nhà. Thế nhưng, trước ngày cưới, Khu nhà công vụ của Trạm bị phá dỡ để xây mới công trình Trạm Khí tượng Sơn La. Lúc ấy, giường cưới đã đặt mà… không có chỗ kê. Cưới nhau về, hai vợ chồng ở trong phòng tập thể cùng anh em khối văn phòng Đài, với chiếc giường chỉ rộng có… 80cm.
- Sao chú không lấy giường? Thế không cưới nữa à?
- Em cưới rồi.
- Thế còn chiếc giường?
- Anh cho em gửi lại. Khi nào có chỗ kê giường thì em lấy.
Anh Nguyên vui vẻ kể với chúng tôi về câu chuyện của anh với bác thợ mộc năm nào. Đến giữa năm 2006, khi khối nhà trên Trạm hoàn thành, anh chị được đơn vị bố trí có 1 phòng công vụ riêng, rộng rãi hơn, và chiếc giường cưới đặt năm trước mới có chỗ để.
Thế rồi hạnh phúc cũng đơm hoa, khi đến tháng 2/2007, chị Phong sinh được một cậu con trai kháu khỉnh. Cuộc sống yên bình cứ thế trôi đi. Dù anh và chị làm khác chuyên môn (một người khí tượng - một người thủy văn), nhưng anh vẫn luôn hỗ trợ chị, đồng hành cùng chị qua 164 bậc bước lên trạm mà anh đã thuộc từng vết vỡ. Những hôm mưa gió, bên cạnh người phụ nữ chăm chú “đếm gió, đo mưa” vẫn có người chồng vững vàng che chở.
Suốt những năm qua, anh chị luôn động viên nhau cố gắng phấn đấu hoàn thành tốt công việc và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Hiện, anh Nguyên là Phó Trưởng phòng Mạng lưới trạm và thông tin KTTV, còn chị Phong là Trạm trưởng Trạm Khí tượng Sơn La.
“Từ năm 2007 đến nay, hai vợ chồng cứ thay nhau đi học. Cùng ngành nên cũng thấu hiểu nhau nhiều hơn, cố gắng sắp xếp việc nhà để làm tốt việc công. Vợ chồng tôi hài lòng với cuộc sống hiện tại. Gia đình tôi nuôi gà, trồng rau, mùa nào thức nấy. Mình sống yên bình, cùng bên nhau và chia sẻ buồn vui. Đó cũng là may mắn mà nghề mang lại cho chúng tôi”, anh Nguyên tâm sự.
Khi công việc cần, họ biết sống xa nhau…
“Lấy nhau đến nay đã mấy chục năm mà sống cạnh nhau chỉ tính được vài năm thôi cháu ạ!”, cô Phạm Thị Hòa (sn 1969) - quan trắc viên ở Trạm Khí tượng Điện Biên bùi ngùi.
Chồng cô là chú Nguyễn Nhật Huy (Sn 1965) – quan trắc viên ở Trạm Khí tượng Tuần Giáo (Điện Biên). Ngày trước, chú Huy công tác trong ngành công an ở Sìn Hồ (Lai Châu), còn cô Hòa là quan trắc viên ở Trạm Khí tượng Sìn Hồ. Gần nhau chẳng được bao lâu thì cô chuyển xuống Trạm Khí tượng Tuần Giáo làm việc. Giữa Tuần Giáo và Sìn Hồ cách nhau mấy trăm cây số, để rút gần khoảng cách, chú Huy “bỏ” ngành công an theo nghề khí tượng. Năm 1996, sau khi được đi học, chú trở thành quan trắc viên của Trạm Khí tượng Tuần Giáo, nhưng cô lại chuyển đến Tam Đường. Xa vẫn xa…
Sau đó, hai vợ chồng cô được cùng công tác ở Trạm Khí tượng Pha Đin. Cùng làm việc một nơi, nhưng cuộc sống cũng chẳng dễ dàng. “Đó là những tháng ngày vất vả, khó khăn nhất. Nghĩ lại, cô vẫn còn thấy rùng mình”, cô Hòa nghẹn ngào.
Hằn in trong tâm trí của người phụ nữ đã nhiều lần đổi nơi công tác, chuyển chỗ ở để mong gia đình được gần gũi ấy là hình ảnh trập trùng núi đồi gối nhau hoang hoải, những cánh rừng bạt ngàn, âm u, những đợt rét đến cắt da cắt thịt ở miền biên viễn Tây Bắc xa xôi. Nơi ấy, trên đỉnh của ngọn đồi cao là Trạm Khí tượng Pha Đin, cũng là nơi ở của vợ chồng cô và một anh người Mông. Sinh hoạt khốn khó, thiếu thốn trăm bề. “Sống trên đỉnh đèo, tự cấp tự túc là chính. Có gì ăn nấy, mà chợ cả tháng mới họp, lại xa. Đến cả nhà dân cũng phải đi mấy cây số mới gặp. Vừa buồn, vừa sợ”, cô Hòa kể lại.
Người phụ nữ đã ngoài năm mươi rơm rớm chia sẻ với tôi về những ngày chồng cô và anh quan trắc viên người Mông đi công tác xa, chỉ còn mình cô ở lại giữa núi rừng tịch mịch. Ở Pha Đin khan hiếm nước, cô phải vào bản để xin nước, ăn rau rừng qua ngày. Trời đông rét mướt, cái lạnh thấm tháp vào da thịt, nhói lòng cùng với nỗi cô đơn.
“Cô có hai đứa con. Trên Pha Đin không có trường học, cháu lớn khi ấy học lớp 2 phải gửi về ông bà nội ở Thái Bình; cháu bé gửi về ông bà ngoại chăm sóc. Vợ chồng con cái chẳng mấy khi được gần nhau. Mỗi lần về thăm con, đường sá đi lại vất vả lắm!” - cô Hòa tâm sự.
Sống trong xa cách, tình yêu thương cũng dài như gió kéo qua các triền núi Tây Bắc điệp trùng. Sau khi cô Hòa được chuyển về Trạm Khí tượng Điện Biên để được gần con, gần gia đình bên ngoại thì chú Huy vẫn gắn bó với Trạm Khí tượng Pha Đin. 12 năm chú công tác trên Pha Đin cũng là chừng ấy thời gian cô một mình nuôi con khôn lớn.
“Vậy mà bây giờ vẫn xa cháu ạ. Chú công tác ở Trạm Tuần Giáo, cô ở Điện Biên, cách nhau 80 km. Do công việc quan trắc thường xuyên nên chú cũng ít về. Cô thì quen rồi” - cô Hòa cười.
Quen với việc xa chồng, rồi xa cả con. Con trai lớn của cô Hòa - em Nguyễn Nhật Quang (Sn 1991), đã có 3 năm công tác ở Trạm Hải văn Trường Sa, hiện đang làm ở Trạm Radar thời tiết Nha Trang. Còn con gái Nguyễn Ngọc Anh (Sn 1998), đang là sinh viên Khoa Khí tượng của Trường Đại học TN&MT Hà Nội. Cả nhà làm khí tượng nên cảm hiểu được công việc của nhau, thông cảm cho nhau, bởi ngành này: không yêu ngành, sẽ không theo nổi.
Chính tình yêu ngành, yêu nghề “bắt mạch trời” ấy đã giúp gia đình cô vượt khó. “Trong ngần ấy năm công tác, hai vợ chồng đều được nhận được nhiều giấy khen. Cô thi quan trắc viên giỏi của Đài được một giải Nhì, hai giải Ba. Cô chú luôn là Lao động Tiên tiến.” - cô vui vẻ kể, ánh mắt lấp lánh niềm vui.
Gieo mầm hạnh phúc
Cảm thấy may mắn hơn rất nhiều so với các đồng nghiệp ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, anh Nguyễn Đức Hòa - Phó Trưởng phòng Dự báo khí hậu (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia) bày tỏ: “Nếu được lựa chọn lại một lần nữa, vợ chồng tôi vẫn chọn nghề khí tượng thủy văn. Bởi nghề đã cho tôi gặp được cô ấy, và tôi có một gia đình với những đứa con ngoan. Tôi có một có một việc tốt để mình đủ yêu, gắn bó gần 20 năm qua, có một người vợ cùng ngành cảm thông, chia sẻ và hỗ trợ cho chồng”.
Vợ anh Hòa là chị Lê Thị Thu Hà, chuyên viên Vụ Quản lý Dự báo - Tổng cục Khí tượng thủy văn. Mới năm ngoái, chị và anh còn là đồng nghiệp làm chung phòng Dự báo Khí hậu (tiền thân là Phòng Dự báo Khí tượng hạn vừa, hạn dài) suốt 16 năm. Gặp nhau từ những ngày mới bước vào nghề, công việc làm dự báo thời tiết hạn vừa, hạn dài đã khiến anh chị nên duyên. Năm 2006, anh chị thành một gia đình.
Anh chia sẻ: “Những người trong ngành đã quá hiểu nhau. Đó là một “điểm cộng”, khi tôi phải trực đêm hôm mỗi khi có thời tiết nguy hiểm. Vì đồng cảnh, đồng cảm nên có lẽ, người làm khí tượng thủy văn kết đôi nhiều thế”.
Chẳng nói đâu xa, anh Hòa “giới thiệu” ngay trong phòng Dự báo Khí hậu còn một đôi như gia đình anh nữa. Cũng nhẩm tính một hồi, anh Nguyễn Văn Nguyên hào hứng “khoe”: “Riêng Khối văn phòng Đài KTTV Tây Bắc có 14 đôi”. “Còn ở Đài KTTV tỉnh Điện Biên cũng có 4 cặp vợ chồng cùng ngành” - cô Hòa kể lần lượt từng gia đình cho chúng tôi nghe…
***
Những câu chuyện về gia đình khí tượng thủy văn, có lẽ còn nhiều vô kể. Có thể có nhiều lý do để họ đến với nhau, nhưng có những điều dễ lý giải như một mô-tip trong cổ tích giữa đời thường, ấy là chung công việc, chung gian khó, chung sự sẻ chia…Sự cảm hiểu luôn là chất xúc tác để ngọn lửa yêu thương được nhen lên. Gia đình từ đó được dựng xây, đồng thời, cũng tạo động lực cho những người “đếm gió đo mưa” gắn bó với nghề.
Cách đây gần 20 năm, trên Trạm Khí tượng Sơn La chưa thắm sắc vàng của hướng dương, chưa đỏ rực hoa hồng như bây giờ. Nhưng ở đó, có một mối tình giản dị, đẹp đẽ đã đơm bông. Và nói như cô Hòa - người phụ nữ đầu tiên ở Trạm Khí tượng Pha Đin: “Khó khăn đến mấy rồi cũng sẽ vượt qua. Không được vin vào khó khăn để không hoàn thành tốt công việc”. Rồi hạnh phúc - sẽ nảy mầm từ những gian khổ, hy sinh…