Không ai có thể nghĩ, những chiếc khẩu trang y tế 3 lớp giá chỉ 1.000 đồng/chiếc vào thời điểm vài tuần trước lại có thể khan hiếm và đắt đỏ như hiện nay. Do khan hiếm, tại một vài nơi đã xuất hiện tình trạng tăng giá khẩu trang lên gấp vài ba lần so với trước.
Đành rằng, ai cũng có quyền được kiếm tiền một cách chính đáng và nếu xét trên góc độ kinh tế, việc đầu cơ, găm hàng trong thời điểm này là một cách dễ dàng để có được siêu lợi nhuận, tuy vậy, với đại dịch, hành động này là vô cùng nguy hiểm đối với xã hội và chính bản thân họ.
Trước những bức xúc của người dân, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch virus Corona hôm 1/2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiên quyết yêu cầu phải giữ nguyên giá và nhấn mạnh sẽ yêu cầu rút giấy phép bất kể đơn vị kinh doanh nào tăng giá bán khẩu trang.
Ảnh minh họa |
Trên tinh thần chỉ đạo đó, Tổng cục Quản lý thị trường cho hay, trong ngày 1/2, lực lượng Quản lý thị trường trên toàn quốc đã đồng loạt ra quân tổng kiểm tra, xử lý, đồng thời, vận động các cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế thực hiện việc niêm yết giá bán, ký cam kết không vi phạm về giá, nguồn gốc xuất xứ đối với mặt hàng khẩu trang và nước sát khuẩn. Báo cáo nhanh của các địa phương gửi về cho hay, đã có 85 cửa hàng bị kiểm tra, xử lý với số tiền vi phạm gần 89 triệu đồng, tạm giữ 4.870 khẩu trang có dấu hiệu vi phạm.
Thực tế cho thấy, mua bán những chiếc khẩu trang không chỉ là câu chuyện của nền kinh tế hàng hóa trao đổi hay tự do cá nhân mà đó là câu chuyện thuộc về đạo đức, về lòng tham của những con người khi đứng trước cơ hội trục lợi. Đơn cử, nếu bạn có trong tay một lượng khẩu trang lớn và nhu cầu trong xã hội sẵn sàng trả gấp nhiều lần cho sản phẩm đó, liệu bạn có bán với giá cao hơn không? Bạn sẽ bán cao hơn gấp đôi, gấp ba rồi có thể gấp bốn vào lúc nào đó không chừng. Sân chơi của kinh tế thị trường tự do có chỗ cho những điều như vậy, nhưng sẽ luôn cần chừa lại một khoảng cho đạo đức buôn bán, đặc biệt là trong những tình huống cần nhiều lòng trắc ẩn và sự chung tay của cả cộng đồng như một dịch cúm.
Việc một nhóm người mưu cầu lợi ích cá nhân có thể gián tiếp gây lây lan dịch bệnh khi nhiều người không có điều kiện tiếp xúc với các trang thiết bị y tế cơ bản như khẩu trang, cồn, thuốc sát trùng…. nhất là người có hoàn cảnh khó khăn. Chúng ta sống trong một thế giới phẳng và không thể nói mình có thể sống tách biệt hoàn toàn với tầng lớp người nghèo không có đủ tiền trang trải cho chi phí phòng bệnh. Tất cả đều ở trên một con thuyền mà sự tham lam của số ít có thể khiến cả con thuyền chìm. Một lần tăng giá cắt cổ, người ta thấy nhiều điều trong xã hội được phơi bày.
Chúng ta không những phải tự bảo vệ cho chính mình, mà còn phải nỗ lực bảo vệ những người xung quanh thì việc ngăn chặn dịch mới có hiệu quả. Nếu không, mọi thứ đều sẽ sớm hay muộn trở lên vô ích.