Khát vọng hồi sinh muối Sa Huỳnh

05/08/2017 00:00

(TN&MT) - Sa Huỳnh (huyện Đức Phổ) là nơi cực Nam của tỉnh Quảng Ngãi, cũng là “thủ phủ” làm muối của khắp dải ven biển miền Trung. Từ lâu, muối Sa Huỳnh  đã là một thương hiệu ra Bắc, vào Nam, ngược lên Tây Nguyên đại ngàn. Nhưng giờ đây, hàng vạn diêm dân Sa Huỳnh lại đang chờ một cuộc “giải cứu” mang tính chiến lược bởi công nghệ sản xuất cũ kỹ, lạc hậu, không theo kịp xu thế chung.

Muối của diêm dân Sa Huỳnh chất đống không bán được do công nghệ sản xuất lạc hậu
Muối của diêm dân Sa Huỳnh chất đống không bán được do công nghệ sản xuất lạc hậu

Ông Nguyễn Triển, một diêm dân Sa Huỳnh, năm nay đã ngoài 70 tuổi hồi tưởng: từ khi cha mẹ sinh ra, ông đã thấy bạt ngàn cánh đồng muối ở Sa Huỳnh. Nghề này cực nhưng trước đây cũng không đến nỗi nào, thậm chí nhiều nhà trở nên khá giả, có của ăn của để cũng nhờ muối. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, những cánh đồng muối ở Sa Huỳnh trở nên đìu hiu do công nghệ sản xuất lạc hậu, chất lượng muối không được bảo đảm dẫn đến tình trạng không tiêu thụ được sản phẩm, người dân nghèo đói. Đỉnh điểm là cuối năm 2016, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã phải trích 1,4 tỉ đồng ngân sách để mua 125 tấn gạo cứu đói cho gần 2.800 khẩu với mức hỗ trợ 45kg gạo/người dân.

Dẫn chúng tôi ra cánh đồng muối, dù chưa chính thức vào vụ nhưng ông Triển vẫn dự đoán được “tương lai ảm đạm”: vẫn dòng nước đó, vẫn con người đó, vẫn công nghệ đó thì năm nay làm muối lại vẫn đắp chiếu phủ bạt như năm trước thôi, ông Triển bùi ngùi.

Sản xuất muối tại Sa Huỳnh
Sản xuất muối tại Sa Huỳnh

Ông Nguyễn Thành Út- Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Muối 1 Sa Huỳnh lắc đầu buồn bã: Đến thời buổi hiện nay, bà con diêm dân Sa Huỳnh vẫn sản xuất muối thủ công như cách đây hàng trăm năm đã dẫn đến tình trạng công sức bỏ ra nhiều nhưng sản phẩm thu về ít. Không chỉ vậy, điều đáng nói nhất ở đây là chất lượng hạt muối rất thấp, lẫn nhiều tạp chất nên không bán nổi hàng, cho dù giá rất thấp. Nhiều người dân cũng mong muốn thay đổi công nghệ, muốn sản xuất muối theo hướng công nghiệp nhưng lại thiếu vốn nên lại rơi vào vòng luẩn quẩn.

Ông Trần Em- Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ lo lắng: nếu không có các biện pháp kịp thời, e rằng chỉ vài năm nữa, muối Sa Huỳnh sẽ “chết”, không gượng dậy nổi. Nay giá muối đã thấp mà còn không có người mua nên nhiều diêm dân phải bỏ nghề, đi tha hương cầu thực. Rất mong nhà nước ban hành giá sàn cho muối, như giá sàn của lúa ở khu vực Nam Bộ, đảm bảo có lợi nhuận 30% thì diêm dân mới sống được. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cần có biện pháp khôi phục lại nhà máy chế biến muối, đồng thời, hỗ trợ vốn để người dân đầu tư đồng muối  theo hướng hiện đại như làm nền xi măng, lót bạt để nâng cao sản lượng cũng như chất lượng sản phẩm.

Sản xuất muối tại Sa Huỳnh
Sản xuất muối tại Sa Huỳnh

Trước thực trạng diêm dân Sa Huỳnh đang quay lưng lại với nghề làm muối, nghề muối Sa Huỳnh có nguy cơ biến mất, thương hiệu muối Sa Huỳnh sẽ bị xóa sổ, mới đây UBND tỉnh Quảng Ngãi đã phê duyệt quy hoạch chi tiết vùng muối Sa Huỳnh, giai đoạn 2016- 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2020, tổng diện tích sản xuất tại vùng muối Sa Huỳnh sẽ đạt trên 114ha, sản lượng đạt 11 nghìn tấn. Trong đó, diện tích sản xuất muối sạch theo hướng công nghiệp đạt 51,55ha, sản lượng đạt 6 nghìn tấn. Đến năm 2025, tổng diện tích sản xuất muối ổn định ở 120ha, sản lượng đạt 14 nghìn tấn, với 100% là muối sạch sản xuất theo hướng công nghiệp.

Ông Trần Ngọc Căng- Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Việc quy hoạch nhằm tổ chức lại sản xuất, tận dụng mọi nguồn lực để đầu tư phát triển sản xuất, từng bước chuyển đổi sản xuất muối truyền thống sang sản xuất muối sạch theo hướng công nghiệp, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống diêm dân đảm bảo ngang bằng với các ngành nghề khác. Với mức đầu tư trong 10 năm, từ 2016- 2025 là gần 95 tỉ đồng, trong đó phát triển sản xuất là 38,3 tỉ đồng, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng là 56,5 tỉ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh cũng xây dựng chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh muối Sa Huỳnh giai đoạn 2017- 2020. Phấn đấu nâng thu nhập bình quân của hộ diêm dân từ 8,7 triệu đồng/năm như hiện nay lên 22,4 triệu đồng/năm vào năm 2020 và đến năm 2025 sẽ đạt 29,3 triệu đồng/hộ/năm.

Đức Huy

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khát vọng hồi sinh muối Sa Huỳnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO