Ngành TN&MT

Khảo sát thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật

Hoàng Ngân 27/02/2024 - 08:59

Chiều 26/2, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên tiếp và làm việc với đoàn công tác của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường do Phó Chủ nhiệm Nguyễn Phương Tuấn làm Trưởng đoàn để khảo sát phục vụ thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

_mg_1238.jpg
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên phát biểu tại cuộc họp

Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Xuân Hải - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ TN&MT) cho biết: Các tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) do Bộ TN&MT xây dựng phần lớn là các TCVN về địa chất khoáng sản bao gồm các nhóm: địa vật lý, phân tích thí nghiệm, đo vẽ bản đồ, đánh giá khoáng sản, khai đào, lấy mẫu, địa chất thuỷ văn. Các TCVN về đo đạc và bản đồ được công bố thuộc các nhóm thông tin địa lý, cơ sở dữ liệu nền địa lý, hệ thống không ảnh, thu nhận dữ liệu không gian.

Các TCVN về môi trường thuộc các nhóm tiêu chuẩn chất lượng môi trường xung quanh, tiêu chuẩn môi trường đối với quản lý chất thải, các tiêu chuẩn môi trường khác. Các TCVN về quản lý đất đai chủ yếu là cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia. Các TCVN lĩnh vực khí tượng thuỷ văn thuộc các nhóm quan trắc, dự báo, cảnh báo, các công trình quan trắc khí tượng thuỷ văn.

Cùng với việc xây dựng các TCVN, một số đơn vị trong Bộ TN&MT đã ban hành các tiêu chuẩn cơ sở để đảm bảo thống nhất như các tiêu chuẩn cơ sở về phân tích trong phòng thí nghiệm địa chất, xử lý số liệu quan trắc thuỷ văn.

_mg_1209.jpg
Phó Chủ nhiệm Uỷ Ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn phát biểu tại cuộc họp

Đối với hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN), ngành tài nguyên và môi trường tập trung vào các lĩnh vực như môi trường khí tượng thuỷ văn, địa chất khoáng sản. Theo Luật BVMT 2020, hệ thống QCVN môi trường ở Việt Nam hiện đang áp dụng bao gồm 6 nhóm chính: chất lượng môi trường xung quanh; chất thải; quản lý chất thải; quản lý phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất; giới hạn các chất ô nhiễm khó phân huỷ trong nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hoá, thiết bị và các QCVN khác theo yêu cầu bảo vệ môi trường. Hiện các QCVN này đang được rà soát và hoàn thiện trên cơ sở tham khảo, học tập hệ thống QCVN về môi trường của Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, hệ thống QCVN lĩnh vực đo đạc và bản đồ liên quan đến thiết lập hệ thống số liệu gốc đo đạc quốc gia, hệ toạ độ quốc gia, hệ độ cao quốc gia và hệ trọng lực quốc gia; thiết lập hệ thống số liệu các mạng lưới đo đạc quốc gia; xây dựng hệ thống dữ liệu ảnh hàng không và hệ thống dữ liệu ảnh viễn thám; xây dựng, vận hành, cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia; thành lập và cập nhật hệ thống bản đồ địa hình quốc gia; đo đạc và bản đồ về biên giới quốc gia; đo đạc và bản đồ về địa giới hành chính; chuẩn hoá địa danh; xây dựng, vận hành công trình hạ tầng đo đạc cơ bản. Ngoài ra, hệ thống QCVN lĩnh vực khí tượng thuỷ văn bao gồm các QCVN về cảnh báo, dự báo, QCVN về quan trắc.

_mg_1230.jpg
Ông Nguyễn Xuân Hải - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ TN&MT) phát biểu tại cuộc họp

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật còn gặp một số khó khăn như: Quy chuẩn lĩnh vực quản lý tài nguyên nước liên quan đến phạm vi quản lý nhà nước của nhiều Bộ, ngành nên còn trùng lặp khi xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Các quy định chưa được cập nhật thường xuyên, đồng bộ. Một số tiêu chuẩn, quy chuẩn ban hành chưa đúng tiến độ do việc tham khảo áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật quốc tế cần thời gian nghiên cứu, đánh giá để xem xét các thông số phù hợp với Việt Nam. Hiện Bộ TN&MT chưa có Ban Tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia với lĩnh vực đo đạc bản đồ, khí tượng thuỷ văn dẫn đến việc khó khăn trong quá trình thực hiện theo đúng quy định.

Vì vậy, Bộ TN&MT đề xuất cần có chính sách nhằm tăng cường xã hội hoá hoạt động xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, khuyến khích sự tham gia của các nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài nước, các hội, hiệp hội; tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tại các Bộ, ngành, địa phương; Quy định võ vai trò, trách nhiệm của Ban Tiêu chuẩn kỹ thuật kỹ thuật quốc gia, thành lập các Ban tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia các lĩnh vực ngành tài nguyên môi trường; Tăng cường thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

_mg_1217.jpg
Quang cảnh cuộc họp

Sau khi nghe ý kiến của các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và các thành viên trong Đoàn khảo sát, Phó Chủ nhiệm Uỷ Ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn đánh giá cao công tác chuẩn bị nội dung báo cáo. Qua buổi trao đổi hữu ích đã giúp Đoàn khảo sát hiểu rõ hơn về ngành, lĩnh vực Bộ TN&MT phụ trách. Đoàn khảo sát sẽ tiếp thu, làm rõ các nội dung trao đổi, đề nghị của Bộ TN&MT để nghiên cứu đưa vào sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật bảo đảm phù hợp với thực tế, nâng cao hơn nữa hiệu lực hiệu quả.

Trong đó, việc sửa đổi Luật sẽ tập trung làm rõ những nội dung về trách nhiệm xây dựng và thẩm định banh hành quy chuẩn địa phương; về tiếp cận thông tin về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và trong hoạt động quản lý, khai thác; nguồn lực triển khai xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn.

Bên cạnh đó, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Phương Tuấn đề nghị Bộ TN&MT hoàn thiện báo cáo, trong đó bổ sung nội dung về phụ lục công tác xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, cần làm rõ vai trò của Ban tiêu chuẩn quốc gia. Bên cạnh đó, bổ sung sự chồng chéo giữa Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật với các luật khác để khi Luật sửa đổi ban hành có thể giải quyết mâu thuẫn so với các luật khác.

Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Trần Quý Kiên cho biết, Bộ sẽ tiếp thu ý kiến của Đoàn khảo sát, chỉnh sửa, bổ sung báo cáo đầy đủ, đặc biệt là các tiêu chuẩn, quy chuẩn đã ban hành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khảo sát thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO