Khánh thành và thông xe cầu Vàm Cống

20/05/2019 08:20

(TN&MT) - Ngày 19/5, tại nút giao đường dẫn cầu Vàm Cống và đường nối vào quốc lộ 80 thuộc xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ; Bộ Giao thông Vận tải và UBND TP. Cần Thơ, UBND tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức Lễ khánh thành cầu Vàm Cống, cây cầu dây văng thứ 2 vượt sông Hậu.

cau2
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể phát biểu tại buổi lễ

Tại Lễ khánh thành, ông Trần Văn Thi, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư Phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long, đại diện chủ đầu tư cho biết, dự án cầu Vàm Cống và đường dẫn hai đầu cầu là dự án thành phần 3 thuộc Dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng MeKong được đầu tư bằng nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Dự án gồm cầu Vàm Cống dài 2,97 km và đường dẫn dài 5,88 km nằm trên địa phận huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) và quận Thốt Nốt, huyện Vĩnh Thạnh (TP. Cần Thơ), cách bến phà Vàm Cống khoảng 3km về phía hạ lưu. Cầu Vàm Cống được thiết kế với quy mô cầu dây văng hai mặt phẳng dây, nhịp chính dài 450 m, tĩnh không thông thuyền 37,5 m.

Trụ tháp hình chữ H cao 143,9 m. Mặt cắt ngang cầu rộng 24,5 m bao gồm 4 làn xe ôtô và hai làn xe thô sơ; đường dẫn vào cầu được thiết kế với quy mô mặt cắt ngang 20,6 m gồm 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ. Tổng mức đầu tư trên 5.460 tỉ đồng.

cau1
Các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành cầu Vàm Cống.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Võ Thành Thống cho rằng, đây là cây cầu có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với các tỉnh liên quan cũng như các tỉnh trong khu vực. Khi hoàn thành đưa vào sử dụng thì cầu Vàm Cống sẽ góp phần rất lớn cho việc đi lại của người dân 2 bên bờ sông Hậu cũng như việc thông tuyến quốc lộ phía Tây của Tổ quốc. Đặc biệt, cầu Vàm Cống sẽ đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh trong khu vực như Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh: “Giao thông vận tải là mạch máu của ngành kinh tế, giao thông phát triển đến đâu, kinh tế phát triển theo đến đó. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã tập trung rất nhiều nguồn vốn để phát triển giao thông vận tải ở khu vực ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung. Việc xây dựng và đưa vào khai thác công trình cầu Vàm Cống có ý nghĩa cực kỳ quan trọng không chỉ với Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang mà còn góp phần kết nối phát triển cả khu vực ĐBSCL. Cầu Vàm Cống là một mắt xích quan trọng trên tuyến đường Hồ Chí Minh, khi thông xe sẽ giảm bớt thời gian và chi phí đi lại cho người dân”.

cau3
Một góc cầu Vàm Cống khi thông xe

Cùng với việc thông xe cầu Vàm Cống, hiện tại, Tổng Công ty Cửu Long cũng đang khẩn trương triển khai tuyến đường từ Lộ Tẻ (Cần Thơ) đi Rạch Sỏi (Kiên Giang). Sau khi hoàn thành sẽ hình thành tuyến đường kết nối giao thương với khu vực Đông Nam bộ, đồng thời giảm tải cho tuyến quốc lộ 1A, từng bước hình thành trục dọc phía tây của khu vực ĐBSCL, giúp tăng cường kết nối các tỉnh miền Tây với cả nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khánh thành và thông xe cầu Vàm Cống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO