(TN&MT) - Tỉnh Khánh Hòa vừa nghiên cứu, triển khai thành công mô hình phục hồi rừng ngập mặn với đa loài cây ngập mặn (các loài đước, đưng, vẹ dù, mắm trắng, mắm biển) tại đầm Thủy Triều với sự tham gia của chính quyền, cộng đồng và doanh nghiệp, đã mở ra hướng đi mới trong việc phục hồi và phát triển rừng ngập mặn tại địa phương.
Nguy cơ xoá sổ rừng ngập mặn
Tỉnh Khánh Hòa có đường bờ biển dài gần 400km, nhiều bãi triều rộng lớn ven vịnh Vân Phong, Nha Phu, Nha Trang, Cam Ranh... là nơi sinh sống của các loại cây ngập mặn như bần, đước... cổ thụ. Nhiều năm qua, tình trạng khai thác và sử dụng tài nguyên chưa hợp lý đã dẫn đến diện tích rừng ngập mặn (RNM) trên địa bàn Khánh Hòa ngày càng bị thu hẹp. Trước năm 1990, toàn tỉnh có khoảng gần 2.500ha RNM thì trong 2 năm 1990 - 2000, nhiều khu RNM đã bị người dân tàn phá nặng nề để lấy đất xây dựng ao, đìa nuôi trồng thủy sản. Theo thống kê, thời điểm năm 2000, toàn tỉnh chỉ còn 25ha RNM tập trung, và RNM đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ. Tình trạng này không những gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái, mà còn hủy diệt các loại động, thực vật ven biển, làm cạn kiệt nguồn nước ngọt, tăng khả năng xâm nhập mặn…
Bà Ngô Thị Thu - một người dân sống ven đầm Nha Phu (Ninh Ích) kể rằng: “Thấy người ta ồ ạt phá rừng làm đìa nuôi tôm, tôi cũng làm theo. Năm đầu, con tôm trúng mùa, thu được vài chục triệu đồng. Sau đó, các đìa tôm bắt đầu nhiễm phèn, nuôi con gì chết con nấy…”
![]() |
Đoàn viên, thanh niên tổ chức trồng khôi phục rừng ngập mặn tại đảo Đầm Bấy, Nha Trang |
Cũng tương tự, đầm Thủy Triều nằm trong vịnh Cam Ranh vốn là nơi có hệ sinh thái rừng ngập mặn và thảm cỏ biển quan trọng ở tầm cỡ quốc gia. Tuy nhiên, do phong trào nuôi trồng thủy sản tự phát và khai thác thủy sản bừa bãi nên hiện nay diện tích rừng ngập mặt ở đầm Thủy Triều chỉ còn khoảng 14,3ha và diện tích thảm cỏ biển còn khoảng 547ha.
Trước tình hình đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa đã xây dựng Dự án Phục hồi và phát triển RNM ven biển giai đoạn 2011 - 2015. Theo đó, giai đoạn này toàn tỉnh sẽ trồng mới 600ha RNM, nâng tổng diện tích RNM tập trung lên 625ha. Tuy nhiên, diện tích RNM được khôi phục xem ra còn quá ít so với thực trạng rừng ban đầu.
Cần sự chung sức của cộng đồng
Vừa qua, Viện Hải dương học Nha Trang đã tiến hành thử nghiệm và triển khai thành công 2 mô hình phục hồi rừng ngập mặn với đa loài cây ngập mặn tại đầm Thủy Triều gồm: Mô hình phục hồi rừng ngập mặn với sự tham gia của chính quyền, cộng đồng; mô hình phục hồi rừng ngập mặn với sự tham gia của doanh nghiệp. Sau 20 tháng trồng, đước đôi có tỷ lệ sống từ 80,33 - 88% (tại Cam Hòa, Cam Hải và Cam Thành Bắc) và mắm trắng (tại Cam Thành Bắc) có tỷ lệ sống 96% sau 7 tháng trồng. Đây là lần đầu tiên tại Khánh Hòa đã thử nghiệm thành công mô hình phục hồi rừng ngập mặn đa loài ở bãi triều được cải tạo với sự tham gia của doanh nghiệp. Ông Dương Công Tiễn - Phó Tổng Giám đốc Công ty Đường Khánh Hòa cho biết: “Sau khi Viện Hải dương học triển khai đề tài, Công ty tham gia ngay. Chúng tôi đã tiến hành san ủi, cải tạo mặt bằng cho khu vực trồng đước với diện tích 0,8ha. Tuy nhiên, việc bảo vệ RNM không đơn giản bởi ý thức của người dân chưa cao, việc đánh bắt hải sản trong đầm có thể phá hỏng cây non… Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn quyết tâm vượt qua khi hình dung màu xanh của đầm được tái tạo”.
Thành công từ dự án đã mở ra hướng mới trong việc tái sinh RNM ở Khánh Hòa. Hiện Viện Hải dương học đề xuất nhân rộng mô hình này tại RNM tự nhiên và 30 ha thảm cỏ biển ở Cam Hải Đông; ưu tiên phục hồi, quản lý hệ sinh thái RNM, thảm cỏ biển tại một số vùng của Khánh Hòa (gồm Khu bảo vệ hệ sinh thái biển Mỹ Ca, vùng phục hồi và quản lý rừng ngập mặn Tân Đảo - Ninh Ích, Khu phục hồi và quản lý hệ sinh thái biển Xuân Tự - Xuân Hà (Vạn Hưng), Khu phục hồi và quản lý hệ sinh thái biển Tuần Lễ - Vạn Hưng….
Bên cạnh đó, do nhận thức được giá trị của RNM, thời gian qua, người dân ở một số địa phương ở Khánh Hoà như thôn Tân Đảo (xã Ninh Ích, huyện Ninh Hòa), thôn Tuần Lễ (xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh)… cũng đã trồng và phục hồi một số diện tích cây ngập mặn ở các vùng ven bờ, đầm phá.
Theo đánh giá của ngành tài nguyên môi trường (TNMT), việc khôi phục, trồng mới RNM những năm gần đây có tín hiệu đáng mừng, thu hút sự tham gia của nhiều tổ chức trong và ngoài nước, các địa phương và hộ dân ven biển. 10 năm, toàn tỉnh đã phục hồi gần 80ha diện tích RNM. Tuy nhiên, hiện nay việc phục hồi RNM còn nhiều khó khăn do các hoạt động của con người như phá RNM, mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản, xây dựng các công trình dân sinh; mô hình trồng, quản lý rừng tự nhiên và rừng trồng còn ít; năng suất, lợi nhuận từ RNM còn thấp; thiếu quy trình, biện pháp, nguồn giống; chưa tạo được động lực cho người dân đầu tư...
Để tăng cường quản lý và sử dụng bền vững hệ sinh thái RNM trên địa bàn tỉnh, các địa phương, ngành chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, huy động cộng đồng cùng trồng và chăm sóc RNM. Bên cạnh đó, có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích giúp người dân chuyển đổi ngành nghề, tạo được sự đồng thuận để cùng bảo tồn và phát triển hệ sinh thái RNM. Mặt khác, cần thí điểm mô hình giao rừng cho cộng đồng, cụm dân cư để người dân trực tiếp chăm sóc và hưởng lợi ích từ những khu RNM.
Bài và ảnh: Lan Anh – Quỳnh Anh