Khánh Hòa: Kháng được gió bão, nghề nuôi biển “cất cánh”

Xuân Lam| 30/11/2021 13:34

(TN&MT) - Mô hình lồng tròn HDPE kiểu Na Uy được triển khai ở khu vực Bãi Tranh, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hòa) bằng công nghệ hiện đại kháng được gió bão mang lại hiệu quả cao, mở ra nhiều triển vọng cho các tỉnh duyên hải miền Trung. Đây là khu vực nuôi biển thuộc vịnh Vân Phong được bao bọc bởi nhiều hòn đảo, với làn nước trong xanh, độ sâu trên 10 m, rất thích hợp cho hoạt động nuôi trồng thủy sản.

Theo đánh giá của các ngư dân, việc nuôi lồng HDPE không khác gì mấy so với nuôi lồng bằng gỗ, bằng bè. Tuy nhiên, ưu điểm lồng nuôi thông thoáng nên cá sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ cá sống đạt từ 80 - 90%, cao hơn 10% so với lồng truyền thống. Vì vậy, sau 7 tháng thả nuôi, cá đã đạt trọng lượng xuất bán 5 kg/con. Về công chăm sóc chỉ cần 2 người thao tác là đủ.

Mô hình lồng tròn HDPE kiểu Na Uy được triển khai ở khu vực Bãi Tranh, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hòa) bằng công nghệ hiện đại kháng được gió bão mang lại hiệu quả cao

Việc thu hoạch hoàn toàn bằng tay, bằng cách kéo các dây lồng lên xuống tùy ý, rồi dùng vợt để vớt cá, không cần máy móc cầu kỳ. Đặc biệt, từ khi anh chuyển sang lồng nuôi HDPE, không còn lo sợ bão đổ bộ làm thiệt hại nuôi trồng thủy sản vì chất lượng lồng rất tốt, kháng được gió bão.

Theo ông Trần Ngọc Sỹ, chủ lồng bè ở đây cho biết gia đình đang thả 1.000 cá giò bằng công nghệ lồng tròn HDPE thuộc dự án “Xây dựng mô hình nuôi biển cá giò bằng lồng tròn HDPE kiểu Na Uy”. Khác với các bè cá truyền thống làm từ gỗ, tre, có hình vuông kích thước 4x4m, lồng HDPE có hình tròn, đường kính 10m, thể tích lồng 500 m3. Lồng tròn dễ dàng chịu trọng tải khoảng 30 người cùng đứng lên. Lồng nuôi này hoàn toàn do Việt Nam sản xuất nên gia đình mua chỉ 180 triệu đồng, giảm hơn nửa so với lồng Na Uy nhập khẩu.

Ông Huỳnh Kim Khánh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Khánh Hòa cho biết thêm, cơn bão số 12 năm 2017 càn quét tỉnh Khánh Hòa, hàng trăm lồng bè truyền thống ở Khánh Hòa bị thổi bay, thiệt hại kinh tế cực kỳ rất nặng nề, hậu quả kéo dài nhiều năm liền. Do đó, Trung tâm đã nghiên cứu, đặt vấn đề và được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia hỗ trợ thực hiện dự án “Xây dựng mô hình nuôi biển cá giò bằng lồng tròn HDPE kiểu Na Uy” trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa để đảm bảo an toàn, hiệu quả, phòng ngừa được bão trên cấp 12, không sử dụng gỗ như bè truyền thống góp phần bảo vệ rừng.

Được biết, dự án “Xây dựng mô hình nuôi biển cá giò bằng lồng tròn HDPE kiểu Na Uy” triển khai năm 2020 và kết thúc vào năm 2022, với quy mô 6 lồng nuôi. Năm 2020, Trung tâm triển khai nuôi 1 lồng, đã cho thu hoạch 5 tấn cá, lãi gần 100 triệu đồng sau 10 tháng nuôi. Trong năm 2022, Trung tâm sẽ tiếp tục hỗ trợ thêm 3 lồng nữa để thí điểm. Đây là cơ sở, mô hình điểm để người nuôi toàn tỉnh học tập, thay đổi phương thức nuôi biển từ lồng truyền thống bằng gỗ sang lồng HDPE.

Tỉnh Khánh Hòa đặt mục tiêu chuyển nghề nuôi biển sang công nghệ lồng HDPE kháng sóng bão, tăng hiệu quả nuôi

Ông Huỳnh Kim Khánh cho rằng, trước đây công nghệ lồng nuôi kiểu Na Uy được Việt Nam học tập, tuy nhiên giá lồng rất cao, vượt quá khả năng ngư dân. Do đó, để có lồng nuôi phù hợp, các doanh nghiệp Việt Nam đã nghiên cứu và thay đổi vật tư, vật liệu phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Nhờ vậy, giá mỗi lồng nuôi HDPE giảm so với lồng nhập khẩu Na Uy dưới 50%, độ bền lồng nuôi trên 20 năm, nếu nuôi hiệu quả chỉ sau 3 năm sẽ thu hồi vốn.

“Chúng tôi đặt mục tiêu đến năm 2030, toàn bộ lồng nuôi bằng gỗ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa sẽ được chuyển sang lồng HDPE trong nuôi trồng thủy sản” - ông Khánh cho biết.

Được biết, trên thế giới, người nuôi dùng công nghệ lồng HDPE trong việc nuôi biển khá phổ biến, đặc biệt như Na Uy có diện tích nuôi biển rất lớn. Tuy nhiên họ nuôi ở quy mô công nghiệp, vì vậy khi áp dụng trong điều kiện Việt Nam sẽ không phù hợp với quy mô nuôi nông hộ. Hiện nay, mô hình nuôi này rất ý nghĩa và cần được nhân rộng ở các địa phương nuôi biển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khánh Hòa: Kháng được gió bão, nghề nuôi biển “cất cánh”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO