Trong các nghiên cứu trước đây, nồng độ kháng thể giảm mạnh trong vòng vài tháng sau COVID-19, đặt ra câu hỏi về thời gian miễn dịch với căn bệnh này. Kari Stefansson, Giám đốc điều hành công ty deCode Genetics cho biết, nghiên cứu mới này có thể có tác động đối với nguy cơ tái nhiễm và độ bền của vaccine.
Để biết được số người ở Iceland đã bị nhiễm COVID-19 và tìm hiểu thêm về tình trạng miễn dịch sau khi hồi phục, các nhà nghiên cứu đã đo nồng độ kháng thể ở hơn 30.000 người Iceland. Dựa trên kết quả, họ ước tính khoảng 1% dân số đã bị nhiễm bệnh.
Trong số đó, 56% đã nhận được chẩn đoán xác nhận sau xét nghiệm PCR “tiêu chuẩn vàng”. 14% khác không được chẩn đoán chính thức nhưng đã được cách ly sau khi tiếp xúc với virus. Trong 30% còn lại, các xét nghiệm kháng thể phát hiện nhiễm bệnh trước đó.
Các nhà nghiên cứu cho biết trong số 1.215 người bị nhiễm bệnh được xác nhận bởi PCR, 91% có nồng độ kháng thể tăng trong 2 tháng đầu tiên sau khi chẩn đoán và sau đó giảm xuống.
Người đàn ông đeo khẩu trang đi ngang qua hình ảnh minh họa của virus bên ngoài một trung tâm khoa học khu vực trong bối cảnh dịch COVID- 19 bùng phát ở Oldham, Anh vào ngày 3/8/2020. Ảnh: Reuters |
Kết quả nghiên cứu tập trung vào một nhóm dân cư thuần nhất từ một quốc gia, vì vậy những phát hiện có thể không giống nhau ở những nơi khác trên thế giới có dân số đa dạng. Tuy vậy, theo Stefansson, nghiên cứu cho thấy các xét nghiệm kháng thể cẩn thận có thể xác định tỷ lệ nhiễm bệnh thực sự như thế nào.
Một bài xã luận đi kèm với nghiên cứu cảnh báo rằng vẫn chưa rõ liệu kháng thể của bệnh nhân đã hồi phục có bảo vệ họ khỏi nguy cơ tái nhiễm hay không. Tuy nhiên, bài xã luận này cho thấy các xét nghiệm kháng thể có thể là một giải pháp thay thế hiệu quả về chi phí cho việc xét nghiệm nhiễm bệnh đơn thuần và có thể hoạt động tốt hơn trong việc khảo sát dân số khi các quốc gia tìm cách mở cửa lại nền kinh tế và trường học một cách an toàn.