Triển lãm giới thiệu đến công chúng và du khách 284 bài báo, tư liệu được chia làm 04 chủ đề bao gồm: 136 bài báo mang chủ đề một số bài báo tiêu biểu trong Bộ sư tập báo chí “Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam” đăng trên các báo từ năm 1979 đến 2011 với 04 nội dung (Chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa; Trung Quốc xâm lược và hoạt động phi pháp trên quần đảo Hoàng Sa; Hoàng Sa - Đau đáu trong tim người con Đất Việt; Đấu tranh vì Hoàng Sa - máu thịt Tổ quốc); 38 bài báo viết về sự kiện giàn khoan Hải Dương 981; 110 bài báo viết về Hoàng Sa của các cơ quan báo chí tại Đà Nẵng; 12 hình ảnh phóng viên tác nghiệp trên biển đảo quê hương.
Bộ sưu tập báo chí “Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam” lưu giữ các bài đăng trên báo Nhân dân, Sài Gòn giải phóng, Thanh niên, Tuổi trẻ, Đại đoàn kết,… của hơn 500 tác giả. Qua đó, công chúng có thể thấy rõ sự thật lịch sử và vấn đề pháp lý liên quan đến Hoàng Sa - Trường Sa, đặc biệt từ trước đến sau chiến tranh thế giới thứ hai. Chẳng hạn văn bản liên quan đến chủ quyền Việt Nam ở hai quần đảo trên trang thông báo của Bộ Ngoại giao Pháp năm 1933, các sự kiện ngoại giao liên quan đến chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Tất cả các sự kiện và văn bản liên quan đều được phản ánh qua bộ sưu tập. Đây là một bộ sưu tập báo chí vô cùng giá trị và là một trong những tài liệu chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Chủ đề về sự kiện Hải Dương 981 là các bài báo phản ánh hành động phi pháp của Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan HD-981trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và quyền tài phán của Việt Nam theo quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982. Bên cạnh đó, các bài báo đã phản ánh kịp thời, chân thực với những ngày tháng đấu tranh không khoan nhượng của lực lượng Cảnh sát biển và Kiểm ngư Việt Nam khi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển Hoàng Sa và những nỗ lực của Việt Nam trong việc đấu tranh phản đối hành động phi pháp của Trung Quốc.
Hơn 110 bài báo viết về Hoàng Sa với nội dung thể hiện quá trình xác lập, thực thi và đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa như: sự kiện Trung Quốc khiêu khích và dùng vũ lực chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974; lực lượng cảnh sát biển Việt Nam đang thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền trước việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; nhân dân cả nước tích cực đấu tranh khẳng định chủ quyền biển đảo và góp phần vạch trần hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Tại lễ khai mạc, ông Võ Ngọc Đồng Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa cho biết: Triển lãm lần này cũng nhằm thông tin cho các tầng lớp nhân dân hiểu rõ hơn quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của Nhà nước Việt Nam đối với 02 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về vấn đề bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam; tinh thần lạc quan, ý chí kiên cường của dân tộc ta đối với chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc; động viên thế hệ trẻ cùng với nhân dân cả nước chung tay bảo vệ chủ quyền biển, đảo; thể hiện trách nhiệm của hậu phương đối với tiền tuyến.
Ông cũng khẳng định, Triển lãm “Tư liệu báo chí về Hoàng Sa” năm 2018 sẽ có tác động lớn đến tư tưởng, tình cảm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Với những hiệu ứng tích cực này, tôi tin tưởng cuộc Triển lãm hôm nay sẽ tiếp tục khơi dậy trong lòng mỗi người tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào, lòng tự tôn dân tộc, qua đó để mỗi người thấy được trách nhiệm của bản thân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền biển đảo của quốc gia, dân tộc.