Ông Trần Quang Hoài, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết, mưa lũ ở khu vực miền Trung đã bắt đầu rút; toàn bộ khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận nước sẽ rút hết trong khoảng 5 ngày, khu vực ngập sâu khoảng ¼ diện tích (theo số liệu tính sơ bộ từ các phương) sẽ rút chậm hơn; riêng tỉnh Bình Định, Khánh Hòa đang có mưa nhỏ khoảng 30mm, khiến nước rút rất chậm. “Tổng hợp từ các địa phương về diện tích lúa hư hỏng, đề nghị hỗ trợ giống lúa là 31.539ha, ngô 2.227ha; rau các loại là 8.876ha” – ông Hoài thông tin. Hiện các địa phương đã trình lên Bộ kiến nghị các giống cây trồng cần được hỗ trợ. Cụ thể, 3.279 tấn giống lúa; ngô 103 tấn; rau các loại 44 tấn, mía 10.000 tấn, sắn 8 tấn, lạc 140 tấn, đậu co ve 5 tấn…
Liên quan đến diện tích bị thiệt hại, ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho hay: “Diện tích bị lúa bị thiệt hại khoảng 24.036ha, bởi tổng diện tích gieo trồng của các tỉnh miền Trung cho đến thời điểm này là 33.000ha cả Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Diện tích rau màu (cả ngô) bị thiệt hại là 18.869ha, cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm bị thiệt hại là 1.100ha, cây công nghiệp ngắn ngày như mía, sắn bị thiệt hại là 6.458ha”.
Mưa lũ gây sạt lở nghiêm trọng tại Phú Yên (ảnh TTXVN) |
Nói về nhu cầu và đề nghị hỗ trợ bước đầu của các tỉnh, ông Sơn cho biết: hiện Nghệ An xin hỗ trợ bằng tiền; Hà Tĩnh không xin thêm, Quảng Bình xin thêm lượng giống 500 tấn lúa, 20 tấn ngô và 30 tấn rau màu. Quảng Trị 50 tấn ngô, 30 tấn đậu xanh, Thừa Thiên Huế xin hỗ trợ 250 tấn lúa bằng tiền, và ngô 10 tấn, rau 5 tấn; TP. Đà Nẵng 120 tấn lúa, 2 tấn rau; Quảng Nam 5 tấn ngô, 100 tấn lạc, 2 tấn rau; Quảng Ngãi 150 tấn lúa, 5 tấn ngô, 40 tấn lạc, 20 tấn rau; Bình Định xin hỗ trợ nhưng toàn bộ bằng tiền, vì hôm 17/12 vào kiểm tra, Bình Định đã có kế hoạch hỗ trợ nhân dân bằng ngân sách của tỉnh ứng trước là 2ha 1 triệu động để bù lại thiệt hại; Phú Yên là 63 tấn lúa, 16 tấn rau, Khánh Hòa 800 tấn lúa, ngô 26 tấn, rau 2 tấn; Ninh Thuận 200 tấn lúa, 10 tấn ngô: Bình Thuận 700 tấn lúa, 10 tấn ngô; Lâm Đồng 500 tấn lúa, 100 tấn ngô...
Trước đề nghị hỗ trợ của các tỉnh về lượng giống cho vụ Xuân, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh, dự trữ quốc gia trong kho hiện nay còn xuất được ngay 1.500 tấn lúa giống (chủng loại phù hợp cho Nam Trung Bộ), ngô còn 232 tấn, rau các loại còn 28 tấn. Như vậy, giống ngô đảm bảo, rau một phần, còn lúa hiện nay mất cân đối 1.700 tấn so với yêu cầu. “Qua tập hợp khả năng các công ty có thể cung cấp được 4.230 tấn lúa giống, 1.520 tấn ngô, 400 tấn rau các loại, nên việc cung ứng giống cho sản xuất không có vấn đề gì lớn. Vấn đề chúng ta bàn xem cái gì thì hỗ trợ bằng tiền, cái gì thì hỗ trợ bằng giống để khớp nối với doanh nghiệp cung ứng cho kịp thời vụ. Thời vụ lúc này đến 10/1 là thời vụ tốt nhất, như vậy còn 20 ngày” – Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.
Về thủy sản, ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, lĩnh vực thủy sản bị thiệt hại két từ mưa lũ. Tổng thiệt hại từ hai đợt mưa lũ khoảng 148 tỷ đồng. Hiện Tổng cục Thủy sản đang cử đoàn đi các tỉnh kiểm tra cơ cấu giống, mùa vụ nuôi thả để chuẩn bị cho vụ nuôi mới bắt đầu từ tháng 1-2/2017.
Nhận định về đợt mưa lũ tại 8 tỉnh Nam Trung bộ và tỉnh Gia Lai ở Tây Nguyên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá, các địa phương đã bị thiệt hại rất nặng nề cả về người, tài sản, các thiết chế về hạ tầng và đặc biệt đối với sản xuất nông nghiệp. “Toàn vùng này, vụ Xuân này sẽ khoảng 225.000ha, vừa qua chúng ta gieo được khoảng 24.000 ha, bằng độ 10% diện tích vụ Xuân cần triển khai ở vùng này. Đợt lũ vừa qua, cơ bản diện tích 24.000ha này đã bị ngập và coi như hỏng hoàn toàn; khoảng 3.000ha ngô, hơn 2.000ha rau màu khác bị mất trắng; một số diện tích thủy sản, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm cũng bị thiệt hại” – Bộ trưởng nêu cụ thể. Điều Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lo lắng là chúng ta còn bị mất một lượng giống rất lớn trong dân, nhất là ở những vùng ngập sâu như Bình Định do việc nước lũ lên nhanh và cao, người dân không kịp di dời các giống của mình. Điều này cần được tính vào để chuẩn bị cho cân đối cung ứng giống.
Trước tình hình đó, Bộ NN&PTNT đã quyết định thành lập 4 đoàn công tác bao gồm các đồng chí lãnh đạo của các đơn vị: Cục Trồng trọt, Chăn nuôi, Thủy sản, Thú y, Khuyến nông, Thủy lợi vào để cùng các địa phương rà soát lại đánh giá thật kỹ, khá sát với tình hình thực tiễn, trên cơ sở đó đề ra giải pháp tổ chức sản xuất vụ Xuân. Các đoàn công tác này do Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trực tiếp chỉ đạo nhằm đánh giá sát, cụ thể và sâu sắc hơn tình hình thiệt hại để đưa ra giải pháp thiết thực tổ chức chỉ đạo sản xuất vụ Xuân. “Trong thời gian 3 ngày, các đoàn công tác phải tổng hợp xong tình hình và khi nắm được tình hình phải cân đối được lượng giống đối với các nhu cầu cụ thể từng loại đối tượng cây trồng chính, thí dụ như lúa, ngô, rau màu các loại... Trên cơ sở này, chúng ta chuẩn bị một hội nghị triển khai sản xuất vụ Xuân. Có thể nói, năm nay là đặc biệt - vừa muộn, vừa đối phó với cân đối lại giống, thực hiện những quy trình mới, vì toàn bộ mặt bằng, điều kiện sản xuất khác nên có thể nói là vụ Xuân đặc biệt đối với 8 tỉnh Nam Trung bộ của chúng ta” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Sau khi có kết quả về tình hình thực tế và cân đối lại nguồn cung ứng giống cho các địa phương, Bộ NN&PTNT dự kiến sẽ tổ chức hhội nghị vào tuần tới để cùng các địa phương bàn cách triển khai vụ Xuân đảm bảo khung thời vụ, nhất là việc cân đối đủ nguồn giống cho gieo trồng của nông dân các địa phương.
Nguyễn Cường