Với tầm quan trọng của công tác cảnh báo, dự báo, phòng, chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu, việc nghiên cứu, xây dựng quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia rất cần thiết, cấp bách. Đây là cơ sở quan trọng cho các Bộ, ngành, địa phương xây dựng, thực hiện kế hoạch phát triển mạng lưới KTTV chuyên dùng của đơn vị cũng như xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương và cả nước trong giai đoạn tới.
Ông La Đức Dũng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục KTTV tóm tắt thuyết minh Nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 |
Báo cáo tại cuộc họp, ông La Đức Dũng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục KTTV (cơ quan soạn thảo Nhiệm vụ lập quy hoạch) cho biết, quy hoạch hướng đến mục tiêu phát triển mạng lưới trạm KTTV quốc gia hoàn chỉnh, đồng bộ, hiện đại, khả thi theo hướng tự động hoá cao, bảo đảm “tính mở, có khả năng lồng ghép, tích hợp, kết nối, chia sẻ với các mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia và mạng lưới KTTV toàn cầu” trên cơ sở kế thừa Quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia thời kỳ trước.
Cụ thể, giai đoạn 2021 - 2025, tăng dày mật độ trạm KTTV tự động bảo đảm phục vụ dự báo số, dự báo điểm. Ưu tiên phát triển mới các trạm quan trắc KTTV tại các vùng có nguy cơ cao xảy ra các loại hình thiên tai nguy hiểm, vùng trống số liệu, vùng chịu tác động mạnh của BĐKH, nước biển dâng… giai đoạn 2026 - 2030 phát triển mạng lưới trạm KTTV quốc gia bảo đảm tính hiện đại, tự động có mật độ trạm ngang bằng với các nước phát triển trong khu vực châu Á; ưu tiên phát triển các trạm quan trắc KTTV trên biển, đảo, quần đảo, vùng trời phục vụ dự báo, cảnh báo KTTV và phát triển kinh tế biển.... “Tầm nhìn đến năm 2050 là phát triển mạng lưới trạm quốc gia bảo đảm tính hiện đại, tự động có mật độ trạm ngang bằng với các nước phát triển trên thế giới”, ông La Đức Dũng nêu rõ.
Với mục tiêu đó, cơ quan soạn thảo Nhiệm vụ đề xuất 16 nội dung chính lập quy hoạch. Trong đó, phải điều tra, thu thập thông tin, tài liệu, dữ liệu bản đồ; phân tích, đánh giá các yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực, bối cảnh và thực trạng phân bố, sử dụng không gian của mạng lưới trạm KTTV. Nội dung lập quy hoạch cần dự báo xu thế và kịch bản phát triển ảnh hưởng trực tiếp đến mạng lưới trạm KTTV quốc gia trong thời kỳ quy hoạch. Đồng thời, đánh giá về liên kết ngành, liên kết vùng trong thực trạng phát triển mạng lưới trạm KTTV quốc gia; lồng ghép, tích hợp mạng lưới quan trắc KTTV quốc gia theo quan điểm quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia là hệ thống mở…
Trên cơ sở báo cáo tóm tắt thuyết minh Nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các thành viên hội đồng cơ bản đồng tình với sự cần thiết phải thực hiện quy hoạch và đóng góp ý kiến để sớm hoàn thiện nhiệm vụ quy hoạch này.
Theo một số chuyên gia trong ngành, để lập được quy hoạch này, cần phải làm rõ về độ dày trạm ở các vùng cụ thể, số lượng trạm của các quốc gia mà Việt Nam đang hướng đến. Đồng thời, điều chỉnh các mục tiêu để đảm bảo tính khả thi, cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế về phương pháp xây dựng cũng như khai thác những số liệu đã có sẵn.
Toàn cảnh cuộc họp |
GS.TSKH Nguyễn Đức Ngữ, Giám đốc Trung tâm KHCN Khí tượng, Thủy văn và Môi trường cho rằng, cần làm rõ khái niệm mạng lưới trạm KTTV quốc gia. Bên cạnh đó, xem xét khả năng lồng ghép các mạng lưới khác vào mạng lưới trạm KTTV quốc gia đảm bảo hoạt động bình thường của mạng lưới trạm KTTV quốc gia hiện có.
Còn đại diện Bộ Quốc phòng khẳng định, các thông tin, số liệu KTTV phục vụ trực tiếp cho hoạt động quân sự, đảm bảo an ninh quốc phòng và chủ quyền lãnh thổ đất nước; đặc biệt bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên biển. Trong điều kiện BĐKH ngày càng cực đoan và sự phát triển liên tục của khoa học công nghệ, cần cân nhắc những “tham vọng” trong mục tiêu của nhiệm vụ lập quy hoạch.
Nhất trí với ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng, Thứ trưởng Lê Công Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhiệm vụ lập quy hoạch cho rằng, vấn đề khó nhất ở đây là xác định được “Làm quy hoạch này để làm gì?”. Từ đó, nhiệm vụ quy hoạch phải nghiên cứu đánh giá, xác định loại trạm sẽ chú trọng phát triển trong giai đoạn 10 năm tới.
Thứ trưởng đề nghị rà soát, tổng hợp số lượng trạm KTTV đã xây dựng được trong 10 năm qua. Đồng thời, rà soát cụ thể số lượng trạm KTTV cơ bản (phản ánh được điều kiện tự nhiên, 7 vùng khí hậu) kiên quyết giữ để bảo vệ hành lang; số lượng trạm KTTV ổn định, lâu dài có thể so sánh được các trạm quốc tế phục vụ cho kịch bản ứng phó BĐKH, nước biển dâng.
“Trên cơ sở kế thừa, rà soát, điều chỉnh, nhanh chóng sửa chữa, hoàn thiện Nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn (KTTV) quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh.
Đến thời điểm hiện tại, mạng lưới trạm KTTV quốc gia có 202 trạm khí tượng bề mặt; trong đó có: 29 trạm quan trắc khí tượng nông nghiệp, 14 trạm quan trắc bức xạ mặt trời và 167 trạm quan trắc tự động; 782 điểm đo mưa độc lập, 404 trạm thủy văn, 27 trạm hải văn, 10 trạm ra đa thời tiết, 6 trạm thám không vô tuyến, 8 trạm đo gió trên cao, 88 trạm/điểm quan trắc môi trường không khí và nước; 91 điểm đo mặn; 18 trạm định vị sét; 4 trạm ra đa biển…