Xã hội

Khấm khá nhờ cây rau má

Văn Dinh - Thảo Vy 25/03/2024 - 18:50

(TN&MT) - Về xã Quảng Thọ (huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) trong ngày nắng nhẹ của mùa xuân, một vùng quê bình dị hiện lên, phong cảnh hữu tình, xen lẫn vào đó là những ruộng rau má tốt tươi, non xanh mơn mởn. Đây là địa phương có diện tích trồng rau má lớn nhất ở tỉnh, nhờ đó mà người dân Quảng Thọ giờ đây đã có đời sống phát triển, từng bước thoát nghèo và thu nhập ổn định.

Từ TP. Huế đến Quảng Thọ mất tầm 20 phút, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là cảnh quan môi trường hiện đại, đường sá sạch đẹp, nhà cửa khang trang. Ở đây, thương hiệu “rau má Quảng Thọ” rất nổi tiếng, là cây trồng chủ lực của bà con. Tuy nhiên, để được như hôm nay thì người dân đã trải qua nhiều gian nan.

rauma-1.jpg
Những cánh đồng rau má xanh tốt ở Quảng Thọ

Bà con kể rằng, ngày xưa rất ít kinh nghiệm để canh tác sử dụng đất nông nghiệp một cách hiệu quả, chỉ làm nương rẫy, trồng lúa để sống qua ngày. Có những mùa vụ phải đối mặt với dịch bệnh nên năng suất thấp, nhiều gia đình thiếu ăn thiếu mặc, cái nghèo cái khó cứ đeo bám. Nhận thấy điều này không tương xứng với vùng đất phù sa ven sông Bồ, khoảng gần 20 năm trước, chính quyền các cấp đã mạnh dạn vận động người dân chuyển đổi mô hình canh tác, từ trồng lúa sang trồng rau má trên chính diện tích trồng lúa, cũng từ đó, cuộc sống “sang trang”.

Dẫn chúng tôi thăm mảnh đất rộng lớn đang trồng rau má, bà Lê Thị Sáng (SN 1978) cho hay, hơn 10 năm qua, cây rau má đã gắn bó với gia đình. Nhà bà Sáng hiện trồng 8 sào rau, là hộ vừa sản xuất và thu mua lớn nhất nhì ở xã, thu khoảng hơn 2 tạ một ngày, một năm thu mua và sản xuất hơn 20 tấn rau má, thu nhập trên dưới 100 triệu đồng/năm.

“Trước đây cuộc sống khó khăn, túng thiếu, nhờ cây rau má mà gia đình tôi khấm khá hơn, có của ăn của để, lo cho con cái ăn học. Trồng rau má không khó, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh lại có thu nhập cao. Tính ra, hiệu quả kinh tế của cây rau má gấp 4 - 5 lần cây lúa”, bà Sáng chia sẻ.

rauma-2.jpg
Bà con chăm sóc loại cây trồng chủ lực của địa phương

Dưới cánh đồng xanh ngát của rau má, xa xa thấp thoáng những bóng dáng của người dân đang “đội nắng” làm cỏ, cuốc đất, bón phân. Năm 2012, quy trình sản xuất rau má VietGAP chính thức được áp dụng tại Quảng Thọ. Các hộ tham gia được tập huấn trồng và chăm sóc nhằm nâng cao năng suất và chất lượng cho sản phẩm. Người trồng rau má phải có sổ theo dõi, ghi chép quá trình sản xuất để đảm bảo độ an toàn khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Người dân phun thuốc sinh học tại đồng ruộng đảm bảo theo nguyên tắc 4 đúng, gồm “đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng cách”...

Nói về việc chăm sóc, thu hoạch rau má VietGAP, bà Lê Thị Cẩm (xã Quảng Thọ) chia sẻ, mọi việc đều tối giản hơn trước so với nghề trồng lúa, bón phân sới đất mỗi vụ đều nhẹ nhàng hơn, tiết kiệm được nhiều chi phí, nhờ vào việc trồng gần 1 ha rau má mỗi tháng thì gia đình bà Cẩm đều có thu nhập mỗi năm khoảng 60 -70 triệu đồng.

rauma-3.jpg
Cây rau má đã giúp người dân có thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững

Theo ông Nguyễn Lương Trí, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Quảng Thọ II, Quảng Thọ là địa phương có diện tích trồng rau má lớn nhất ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, khoảng 60 ha, 250 hộ dân tham gia, tập trung chủ yếu ở thôn Phước Yên và thôn La Vân Thượng, trong đó có 50 ha được sản xuất theo đúng quy trình VietGAP - mục tiêu bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng và 1,5 ha trồng hữu cơ. Các sản phẩm từ rau má Quảng Thọ không chỉ được tiêu thụ mạnh ở thị trường trong tỉnh mà còn được ưa chuộng khắp cả nước.

“Từ năm 2015, HTX Quảng Thọ 2 đã đầu tư giàn máy sấy, máy xay, máy sao, hút chân không đóng gói, máy nghiền để thu mua, chế biến 3 dòng sản phẩm trà rau má túi lọc, trà rau má sao khô túi hút chân không và bột matcha hòa tan. Mỗi năm, năng suất rau má Quảng Thọ khoảng 1.000 tấn, riêng HTX đã bao tiêu 10 %. Kể từ đó giá thu mua được tăng gấp đôi, hạn chế tư thương ép giá, xây dựng được thương hiệu. Đời sống người dân đã đi lên, có việc làm lâu bền, tăng thu nhập, thoát nghèo và vươn lên làm giàu”, ông Trí nói.

Năm 2020, sản phẩm “Trà rau má Quảng Thọ” được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận là 1 trong 17 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt 4 sao. Bộ sản phẩm bột matcha rau má cũng được tỉnh chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2021. Các sản phẩm trà rau má và bột matcha rau má của xã Quảng Thọ đã được công bố nhãn hiệu tập thể và đã được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận nhãn hiệu tập thể, Cục Vệ sinh An toàn thực phẩm Bộ Y tế cấp phép sản xuất.

rauma-4.jpg
Rau má được sản xuất theo quy trình VietGAP giúp bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng

Mới đây, HTX Nông nghiệp Quảng Thọ II đã được chọn để xây dựng hệ thống HTX số kết hợp đẩy mạnh giải pháp thương mại điện tử cho nông hộ và HTX. Ông Trí cho biết, nhờ đưa sản phẩm trà rau má lên các sàn thương mại điện tử nên thị trường được mở rộng, bên cạnh đó còn hướng đến xuất khẩu ra nước ngoài nhằm mở rộng thị trường và nâng tầm sản phẩm lên tiêu chuẩn 5 sao.

“Hướng đi thời gian tới của chúng tôi là tập trung vào sản phẩm bột matcha, phấn đấu mỗi năm sản xuất được 5 tạ cung ứng thị trường. Ngoài ra, HTX tiếp tục nghiên cứu, sản xuất các loại nước uống rau má đóng chai, qua đó đa dạng sản phẩm, giúp người dân phát triển kinh tế bền vững...”, ông Trí thổ lộ.

Hoàng hôn dần buông. Rời Quảng Thọ, xe lại băng qua những cánh đồng rau xanh mướt. Hi vọng bà con sẽ tiếp tục gắn bó với cây rau má, khấm khá từ rau má, thoát nghèo và vươn lên làm giàu bền vững trên những mảnh đất khó của quê hương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khấm khá nhờ cây rau má
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO