Khai mạc Hội nghị toàn thể Uỷ ban sông Mê Công Việt Nam lần thứ hai

Phạm Hoài| 03/12/2019 15:24

(TN&MT) - Sáng 3/12, tại Thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông, Uỷ ban sông Mê Công Việt Nam tổ chức Hội nghị toàn thể Ủy ban sông Mê Công Việt Nam lần thứ 2.

Tham dự hội nghị về phía Trung ương có Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành, Phó chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, đại diện Bộ NN&PTNT, Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương. Về phía tỉnh Đắk Nông, có ông Trương Thanh Tùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các sở, ngành. Ngoài ra, tham dự Hội nghị còn có Uỷ viên Uỷ ban sông Mê Công Việt Nam thuộc các Bộ, ngành cùng lãnh đạo các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và khu Tây Nguyên.

Toàn cảnh Hội nghị toàn thể Uỷ ban sông Mê Công Việt Nam lần thứ 2

An ninh nguồn nước đang bị đe doạ

Báo cáo tại Hội nghị, ông Lê Đức Trung - Chánh Văn phòng Ủy ban sông Mê Công Việt Nam cho biết, hiện nay lưu vực sông sông Mê Công của Việt Nam bao gồm các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên đã và đang phải đối mặt với những biến đổi bất thường về thời tiết và khí hậu. 

Cụ thể, mực nước sông Mê Công trong tháng 6 và 7 vừa qua đã sụt giảm, gây quan ngại về khả năng hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng trong mùa khô 2019 – 2020 gây ra cho Đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, xâm nhập mặn có xu hướng xuất hiện sớm hơn và với phạm vi sâu hơn, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển và sụt lún diễn biến ngày càng phức tạp cả về phạm vi và mức độ. 

Tại khu vực Tây Nguyên,  lượng mưa trong mùa khô 2019 giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước, nền nhiệt cao hơn trung bình cùng kỳ từ 0,5 – 1,0 độ. Những Biến đổi bất thường về thời tiết, khí hậu tại Tây Nguyên đang gây ra những trận hạn hán khốc liệt, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng trăm nghìn ha cây trồng tác động trực tiếp đời sống của người dân địa phương. 

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành, Phó chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Việt Nam phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, ngoài những biến động bất thường về mặt thời tiết, khí hậu trên lưu vực, có sự gia tăng đáng kể về sử dụng nước ở thượng nguồn. Điển hình, mới đây Ủy ban sông Mê Công quốc gia Lào đã gửi tới Ban Thư ký Ủy ban hội sông Mê Công quốc tế thông báo kế hoạch triển khai thực hiện Dự án thủy điện dòng chính Luông-Phrabang. Đây là đề xuất dự án thủy điện thứ 5 của Lào trên dòng chính sông Mê Công sau các dự án Xaynha-bu-ly, Đôn Sahong, Pắc Beng, và Pắc Lay.

Ngoài ra, Lào cũng đã gửi thông báo về Dự án thủy điện Sanakham. Việc Lào liên tục đưa ra các đề xuất dự án thủy điện dòng chính sông Mê Công, cùng với đó là các đập thủy điện thượng nguồn sông Mê Công phía Trung Quốc đã đi vào hoạt động và có kế hoạch xây dựng thêm các công trình mới, các dự án chuyển nước vùng Đông Bắc Thái Lan đang tăng cường khai thác nguồn nước dòng chính sông Mê Công… tạo ra những thách thức vô cùng to lớn đối với lưu vực, và đặc biệt là đối với Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Lê Đức Trung, Chánh văn phòng Ủy ban sông Mê Công Việt Nam báo cáo tại Hội nghị

Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị tập trung vào 4 nội dung: "Một là, ý kiến về các thách thức nêu trên trong phạm vi quản lý của bộ ngành và địa phương. Hai là, xem xét các vấn đề, các thách thức trong lưu vực khi xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch ngành, vùng, địa phương. Ba là, đưa ra các định hướng ưu tiên cho Chương trình công tác của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam năm 2020. Bốn là, đề xuất các giải pháp để triển khai nhiệm vụ và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Ủy ban và Văn phòng thường trực trong giai đoạn tới”

Cần có những đề xuất tích cực với các nước ở thượng nguồn

Sau khi nghe báo cáo, các đại biểu là Uỷ viên Uỷ ban sông Mê Công Việt Nam đã cùng thảo luận và bày tỏ sự quan ngại sâu sắc đối với các công trình thuỷ điện được xây dựng ở phía thượng nguồn sông Mê Công. Đồng thời, các đại biểu kiến nghị thời gian tới Ủy ban sông Mê Công Việt Nam cần có những tham vấn tích cực với các nước để hạn chế thấp nhất những tác động tiêu cực đến các tỉnh thuộc lưu vực sông sông Mê Công của Việt Nam. 

Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang trao đổi tại Hội nghị

Cụ thể, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho rằng, việc phát triển hàng loạt thuỷ điện ở thượng nguồn đang đe doạ nghiêm trọng đến nguồn nước tại các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Do đó, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam cần có những biện pháp ngoại giao cụ thể đổi với các nước ở đầu phía thượng lưu sông Mê Công, nhằm hạn chế tối đa những tác động tiêu cực đến đời sống của người dân ở hạ du sông Mê Công. 

Ông Trường Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đề nghị Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, trong thời gian tới cần quan tâm hơn nữa những biến động về khí hậu thời tiết, nhất là tình hình khô hạn, sạt lở đang diễn ra ngày một nghiêm trọng tại một số tuyến sông đi qua địa bàn tỉnh Đắk Nông. Ông Tùng mong muốn Ủy ban sông Mê Công Việt Nam làm cầu nối, tham mưu hỗ trợ kinh phí cho địa phương khắc phục những điểm sung yếu, sạt lở ảnh hưởng đến đời sống của người dân. 

Ông Trường Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông kiến nghị một số vấn đề tại Hội nghị

Ngoài ra, tại Hội nghị các đại biểu cũng đề nghị Ủy ban sông Mê Công Việt Nam cần thông báo cho các địa phương về những diễn biến trong lưu vực và tình hình khai thác sử dụng tài nguyên nước trên Lưu vực sông Mê Công để có kế hoạch ứng phó kịp thời.

Xây dựng kịch bản ứng phó 

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT, Phó Chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Việt Nam - Lê Công Thành cho rằng, những thay đổi dòng chảy chính của sông Mê Công là do nhu cầu phát triển kinh tế của các nước. Vì vậy, thời gian tới chúng ta phải xây dựng các kịch bản ứng phó phù hợp. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tham vấn với các nước nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất những tác động tiêu cực do sự gia tăng đáng kể các công trình thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Công tạo nên. 

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành, Phó chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Việt Nam phát biểu kết luận Hội nghị

Ngoài ra, tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu đề xuất cơ chế tăng cường hợp tác với các quốc gia thành viên thuộc Ủy hội sông Mê Công quốc tế, có cơ chế chia sẻ nguồn nước xuyên biên giới nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước ở lưu vực sông Mê Công và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Kết nối cơ sở dữ liệu liên ngành của Đồng bằng sông Cửu Long với cơ sở dữ liệu của Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Công quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai mạc Hội nghị toàn thể Uỷ ban sông Mê Công Việt Nam lần thứ hai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO