Rắc rối phát sinh từ giai đoạn cảnh báo thu hồi đất
Khống chế quyền sử dụng đất…
Theo qui trình triển khai dự án, ngay sau khi cấp thẩm quyền công bố qui hoạch, định vị đất thu hồi để triển khai dự án thì các chế định điều chỉnh về trồng cây lâu năm, xây dựng mới công trình kiên cố có hiệu lực áp dụng. Kế hoạch đầu tư ngân sách duy tu, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật trong vùng qui hoạch chuyển hướng theo yêu cầu phục vụ triển khai dự án. Các biện pháp hành chính nhằm quản lý qui hoạch, hạn chế biến động, ngăn chặn khả năng trục lợi từ chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được chính quyền cơ sở triển khai.
Từ đó, các yêu cầu cơ bản về thủ tục hành chính thông thường của chủ thể sử dụng đất trong vùng qui hoạch phát sinh trở ngại, vướng mắc, gây khó khăn trong sinh hoạt, ràng buộc điều kiện sản xuất, kinh doanh. Kế hoạch sử dụng đất của các hộ buộc phải thay đổi từ ổn định sang tạm thời, ngắn hạn, giữ nguyên hiện trạng, cầm chừng. Vườn, ruộng, ao, chuồng, trại, nhà ở… của các hộ cùng hệ thống điện, cấp thoát nước, giao thông, liên lạc… của cộng đồng dân cư vùng qui hoạch xuống cấp. Người dân luôn phải sống trong tâm trạng thấp thỏm, chờ đợi. Hiệu quả sử dụng đất sụt giảm, việc làm đình trệ, mất thu nhập, nhiều hộ phải vay mượn để chi phí sinh hoạt, mua đất, cất nhà ở nơi khác để chuẩn bị di dời.
Vườn cam có mức thu nhập trên 100 triệu đồng/năm của một hộ dân ở quận Ô Môn (TP.Cần Thơ) đang bỏ hoang trong vùng qui hoạch |
Ảnh hưởng ở giai đoạn cảnh báo thu hồi đất đến các chủ thể sử dụng đất hợp pháp trong vùng qui hoạch có thể định lượng được thiệt hại về kinh tế. Ví như qui hoạch xây dựng KCN Sông Hậu (Hậu Giang) và KCN Bình Minh (Vĩnh Long) tại trung tâm xứ vườn chuyên canh bưởi 5 roi trứ danh của ĐBSCL, khiến hàng trăm hecta bưởi canh tác ổn định, giá trị kinh tế cao (tối thiểu 100 triệu đồng/ha/năm) của nhà vườn Mỹ Hòa, Phú Hữu bị bỏ phế, thất thu, mức thiệt hại phát sinh mà đối tượng được cảnh báo bị thu hồi đất gánh chịu trong giai đoạn này cao gấp nhiều lần so với cùng đơn vị diện tích qui hoạch xây dựng KCN An Nghiệp tại vùng đất trồng cây ngắn ngày của tỉnh Sóc Trăng, hay qui hoạch KCN Tháp Mười tại tỉnh Đồng Tháp. Còn các thiệt hại về thời gian, sức khỏe, tinh thần… diễn ra thấy rõ nhưng rất khó định lượng hết được.
Qui định về thời hạn tối đa 3 năm nhưng thực tế nhiều vùng qui hoạch đã kéo dài 6 năm, 9 năm… vì khó thu hút nguồn lực đầu tư triển khai, cấp thẩm quyền tái lập vòng đời dự án. Điều này khiến diễn biến phát sinh các thiệt hại ở giai đoạn cảnh báo thu hồi đất kéo dài. Chẳng hạn, qui hoạch dự án xây dựng nhà máy lọc dầu tại quận Ô Môn (TP.Cần Thơ), có tới 639 hộ nằm trong phạm vi cảnh báo thu hồi 250ha đất thuộc phường Phước Thới, phải cam chịu sống tạm bợ suốt hơn 7 năm qua.
Làm “đứt mạch” chứng từ pháp lý…
Trong khi đó, việc xử lý thủ tục hành chính của cơ quan chức năng đối với các quan hệ hành chính liên quan đến diện tích đất trong qui hoạch cũng bộc lộ bất cập, dẫn đến rắc rối khi kiểm kê áp giá bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Nhất là với diện tích đất trong qui hoạch chưa được cấp GCNQSD lần đầu hoặc các thửa đất có một phần diện tích lọt vào qui hoạch xin cấp đổi GCNQSD. Đã có nhiều hộ bị cắt hết hoặc một phần diện tích đất thuộc sử dụng hợp pháp bị lọt vào qui hoạch khi họ làm thủ tục xin cấp hoặc đổi GCNQSDĐ.
Tại TP.Cà Mau, ông Phạm Minh Tấn (Khóm 6, phường 5), chuyển nhượng hợp pháp 3.672m2 đất từ năm 1983, tự làm đường đi trên đất của mình, quản lý sử dụng ổn định xuyên suốt, không tranh chấp. Năm 1994 UBND tỉnh phê duyệt qui hoạch công bố “chỉ giới đường đỏ” trên cơ sở mở rộng lộ của các hộ tự mở, diện tích đất của ông Tấn lọt vào qui hoạch 442m2 và trong quá trình làm thủ tục cấp GCNQSDĐ cho gia đình ông Tấn 2 lần (năm 1995, năm 2004) cơ quan chức năng TP.Cà Mau đã “trừ lộ giới” đường Bùi Thị Trường, không đưa vào GCNQSD cấp cho gia đình ông Tấn 442m2 đất này. Tương tự, hộ ông Nguyễn Minh Chánh (phường 1, TP.Cà Mau) bị “bỏ lọt sổ” trên 100m2, vì lý do lọt vào “chỉ giới đường đỏ”, cơ quan chức năng trừ lộ giới đường Trần Văn Thời và không ghi nhận vào GCNQSDĐ cấp đổi cho hộ ông Chánh - mặc dù trước đó trong GCNQSDĐ tạm thời có thể hiện rõ phần diện tích này.
Gia đình ông Phạm Minh Tấn bức xúc khiếu nại hơn 5 năm qua, vì 442m2 đất có nguồn gốc hợp pháp, quá trình quản lý sử dụng ổn định xuyên suốt, không tranh chấp, đã bị “đứt mạch” chứng từ pháp lý sau 2 lần làm thủ tục cấp GCNQSD, đến nay vẫn chưa được bồi thường |
Do bị “đứt mạch” chứng từ pháp lý, khi cấp thẩm quyền ra quyết định thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường thiệt hại, triển khai dự án xây dựng nâng cấp, mở rộng đường lại chỉ căn cứ vào diện tích đất có GCNQSD để ấn định diện tích bồi thường thiệt hại về đất nên đất của các hộ như ông Chánh, ông Tấn đã bị lấy triển khai dự án mà không có quyết định thu hồi đất, không được bồi thường. Kết cục phi lý này khiến ông Tấn, ông Chánh khiếu nại, ngăn cản, UBND tỉnh lại cương quyết “chỉ bồi thường đất có GCNQSD”, tiến hành cưỡng chế, triển khai dự án. Đã thiệt hại về đất lại còn bị xâm hại uy tín, danh dự, thời gian, chi phí… hai cán bộ, sỹ quan quân đội hưu trí này đã phản ứng gay gắt, khiếu nại suốt mấy năm, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau mới chỉ đạo giải quyết, bồi thường trên 100m2 đất cho hộ ông Chánh. Còn ông Tấn nay đã qua đời, vẫn còn ủy thác cho con kêu oan, yêu cầu cấp thẩm quyền bồi thường thỏa đáng.
Việc “tước quyền sử dụng đất hợp pháp” của đối tượng bị thu hồi đất từ giai đoạn cảnh báo thu hồi đất, dẫn đến khó khăn khi kiểm kê, rắc rối khi bồi thường, phổ biến ở nhiều địa phương trong vùng. Cũng vì bất cập này mà hiện nay việc giải phóng mặt bằng triển khai dự án mở rộng QL91, đang gặp rắc rối, bởi những hộ trước kia tự đào kênh trên đất của họ, cơ quan chức năng đã “xóa mất vết tích pháp lý” từ việc không đưa vào GCNQSDĐ với lý do đất kênh mương trong vùng qui hoạch, dẫn đến đo đạc kiểm kê thiếu, bồi thường sót, nảy sinh khiếu nại, cản trở tiến độ giải phóng mặt bằng.
Tạo cơ sở căn cứ thiếu khách quan…
Không chỉ gây rắc rối khi bồi thường thiệt hại về đất, sự khống chế quyền sử dụng đất, quản lý qui hoạch theo kiểu “sợ kẻ gian làm cả ngàn người khó” cản trở nhu cầu chia đất, tách hộ của các đối tượng trong vùng cảnh báo thu hồi đất, khiến nhiều gia đình không thể cải thiện môi trường sống. Không ít gia đình đang có nhiều người, nhiều thế hệ, ở chung trong 1 căn nhà tồi tàn, chật hẹp; nhiều căn nhà riêng của các thành viên dựng lên trong 1 khu đất hợp pháp nhưng không được cấp phép, không thể tách hộ khẩu riêng… Và sự ràng buộc này đã tạo nên cơ sở căn cứ xem xét thực hiện chính sách hỗ trợ, tái định cư (TĐC) không phản ánh đúng nhu cầu cuộc sống thực tế, khiến kết quả giải quyết TĐC không đáp ứng nhu cầu chính đáng về chỗ ở và nảy sinh khiếu nại, thiệt hại cho đối tượng bị thu hồi đất.
Đơn cử, một chủ hộ ở phường Long Tuyền, quận Bình Thủy (TP.Cần Thơ) kiên quyết không giao 2.000m2 đất (có nhà, vườn, ruộng,…) cho dự án, kéo dài suốt gần 10 năm, vì yêu cầu giải quyết TĐC tập trung cho 5 người con (đều đã lập gia đình riêng) và đất sản xuất để tái lập môi trường sống ổn định, tương xứng với hoàn cảnh hiện tại nhưng không được đáp ứng. Bước đầu cấp thẩm quyền căn cứ vào sổ hộ khẩu, chỉ giải quyết 1 suất nền TĐC, đến khi chủ hộ qua đời, khu đất trở thành di sản thừa kế chưa chia của 5 thành viên thì chỉ xem xét nâng lên 2 suất nền TĐC tập trung và tiến hành cưỡng chế thu hồi đất nhưng vẫn áp giá bồi thường theo thời điểm ra quyết định thu hồi đất từ gần 10 năm trước, thấp hơn nhiều lần so với thời giá. Do đó, cơ ngơi mà chủ hộ này đã gầy dựng, sinh sống ổn định, nuôi 5 người con trưởng thành, được bồi thường trị giá 900 triệu đồng – không đủ đầu tư cho 2 căn nhà trong khu TĐC tập trung.
Nghịch lý không phải là cá biệt này cho thấy: Từ cơ sở căn cứ không phản ánh đúng thực tế dẫn đến kết quả giải quyết không đáp ứng được nhu cầu tối thiểu, nảy sinh khiếu nại; thiệt hại phát sinh không được ghi nhận đầy đủ trong các qui định, vận dụng để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, TĐC khi thu hồi đất và cũng không được xem xét cập nhật giá trị trong giải quyết khiếu nại về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, TĐC.
Bài và ảnh: Hùng Long