Kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào du lịch xanh vùng ĐBSCL

30/06/2015 00:00

Sáng 30/6 tại TP. Cần Thơ đã diễn ra Hội nghị xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực du lịch xanh vùng ĐBSCL dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ...

 

Sáng 30/6 tại TP. Cần Thơ đã diễn ra Hội nghị xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực du lịch xanh vùng ĐBSCL dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ. Hội nghị là sự kiện quan trọng của Tuần lễ du lịch xanh ĐBSCL do Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ KH&ĐT, Bộ VHTT&DL, UBND TP. Cần Thơ tổ chức.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, ĐBSCL có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch xanh. Tuy nhiên, tiềm năng vẫn chỉ là tiềm năng, nếu không có đầu tư về trí tuệ, về phát triển nguồn nhân lực, đầu tư tài chính và công nghệ.

Phó Thủ tướng kêu gọi các DN du lịch đẩy mạnh đầu tư vào vùng ĐBSCL
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh kêu gọi các DN du lịch đẩy mạnh đầu tư vào vùng ĐBSCL

Dẫn số liệu từ ngành du lịch của một số nước láng giềng như Thái Lan thu hút 25 triệu khách, Lào và Campuchia (có dân số ít hơn Việt Nam) đang thu hút khoảng 4-5 triệu khách/năm, trong khi Việt Nam chỉ đạt được khoảng hơn 7 triệu khách/năm với những lợi thế về thiên nhiên, nền chính trị ổn định… Phó Thủ tướng cho rằng, để phát triển du lịch, các cơ quan, tổ chức phải làm sao để toàn dân quan tâm tới phát triển du lịch. Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, các địa phương cần quy hoạch địa điểm sản phẩm du lịch thống nhất trong vùng.

Cùng với đó, lập kế hoạch đầu tư hạ tầng kinh tế-xã hội gắn với du lịch, bởi nếu không có hạ tầng thì không phát huy được lợi thế. Từ đó huy động lợi thế từ Nhà nước, xã hội và dân cư để đầu tư hạ tầng đồng bộ hiện đại. Có sự liên kết giữa các địa phương để hạn chế trùng lặp, chồng chéo để nâng cao chất lượng mỗi sản phẩm du lịch.

Một nhiệm vụ hệ trọng nữa, theo Phó Thủ tướng, là việc đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp và hiện đại, đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân trong toàn vùng và trong cả nước về văn hóa ứng xử văn minh, thân thiện không chạy theo lợi ích trước mắt (không bán đắt, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hàng hóa) và coi đây là những vấn đề chiến lược lâu dài.

Phó Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp (DN) du lịch đẩy mạnh đầu tư vào vùng ĐBSCL. Nhà nước không phân biệt các nhà đầu tư và tạo điều kiện tối đa để các DN hoạt động hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường.

Phó Thủ tướng cũng giao các bộ, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN ở các khâu thủ tục hành chính đầu tư, nguồn vốn phát triển và công nghệ để hỗ trợ hiệu quả hoạt động của các DN.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Vương Duy Biên cho biết, năm 2014, toàn vùng ĐBSCL đã thu hút được 22,5 triệu lượt khách, tăng 8,29% so với năm 2013, trong đó khách quốc tế đạt trên 1,8 triệu lượt, tăng 10,21%. Doanh thu từ du lịch của toàn vùng đạt trên 6.630 tỷ đồng, tăng 23,7% so với cùng kỳ đã tạo việc làm cho hàng chục nghìn người trong vùng.

ĐBSCL là một trong 7 vùng du lịch chiến lược của nước ta tới năm 2020, tầm nhìn tới năm 2030. Việc ưu tiên phát triển du lịch xanh gắn với bảo vệ các giá trị truyền thống và môi trường, đặc biệt là bảo vệ môi trường, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo đảm chất lượng du lịch.

Hơn nữa, trong bối cảnh ĐBSCL chịu tác động từ biến đổi khí hậu thì du lịch xanh càng có vai trò quan trọng, góp phần giảm nhẹ thiên tai, phát triển bền vững cho toàn vùng.

Ông Biên cho biết, với 3 định hướng phát triển du lịch vùng ĐBSCL là sử dụng hợp lý tài nguyên phục vụ du lịch, hạn chế chất thải từ du lịch và ưu tiên sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường, du lịch sinh thái… thì vùng ĐBSCL có vai trò quan trọng trong phát triển du lịch bền vững của cả nước.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL cũng cho rằng, ngành du lịch của vùng còn gặp phải những khó khăn là thiếu chính sách cụ thể để khuyến khích đầu tư phát triển du lịch xanh; thiếu hụt chính sách đầu tư nói chung, tính minh bạch của các chính sách chưa cao; quy trình thủ tục hành chính đầu tư vào du lịch xanh còn chưa đơn giản, kèm theo đó là sự nhũng nhiễu của công chức làm du lịch; quy hoạch du lịch xanh còn hạn chế ở cả cấp Trung ương và địa phương. Ông Vương Duy Biên nêu các giải pháp cần tập trung thực hiện để phát triển du lịch xanh của vùng là: Nâng cao năng lực tư vấn quy hoạch du lịch xanh, chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ chuyên gia, nhà chuyên môn du lịch; tiếp tục hoàn thiện chính sách phát triển du lịch xanh phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội của vùng. Những chính sách này trước hết tập trung vào chính sách thuế đất, đăng ký kinh doanh...; cung cấp đầy đủ thông tin về chính sách, nhu cầu các dự án du lịch xanh.

Tại hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng cho biết với Chỉ thị 03/NHNN, ngành NH tập trung ưu tiên phát triển tín dụng để phát triển du lịch xanh ở cả nước nói chung, nhất là tại vùng ĐBSCL.

Tuy nhiên, khó khăn là các NHTM vẫn còn chậm trễ trong thẩm định dự án du lịch xanh không ảnh hưởng tới môi trường; vốn đầu tư cho du lịch xanh rất lớn và thường là vốn trung và dài hạn. Ngành NH đang tích cực khắc phục những hạn chế trên để tháo gỡ những khó khăn về tín dụng cho du lịch xanh.

Ông Tú cũng cho hay, NHNN sẽ có chương trình lựa chọn một số dự án du lịch xanh để đầu tư vốn ưu đãi trong dài hạn. Còn tại hội nghị này sẽ có 3 NHTM ký kết hợp đồng nguyên tắc về phát triển du lịch xanh cho 3 dự án tại Kiên Giang, Cần Thơ với tổng vốn cho vay là hơn 1.000 tỷ đồng.

Theo Chinhphu.vn

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào du lịch xanh vùng ĐBSCL
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO