Kết quả nghiên cứu khoa học biển, đảo giai đoạn 2010 - 2015

25/06/2015 00:00

 (TN&MT) - Đánh giá các công trình nghiên cứu khoa học biển, hải đảo giai đoạn 2010 – 2015 của Bộ TN&MT, các nhà khoa học cho rằng, hoạt động KHCN biển và hải đảo đã góp phần quan trọng trong việc cung cấp các luận cứ khoa học cho việc đề xuất và hoàn thiện khung chính sách, pháp luật và thể chế quản lý; giúp hiểu hơn về giá trị tài nguyên - thực trạng môi trường biển, đảo để từ đó có những định hướng đúng đắn trong xây dựng Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển.

Tăng giá trị vùng biển Việt Nam

Có thể thấy rõ, trong những năm qua, bằng các hoạt động đẩy mạnh ứng dụng và nghiên cứu khoa học công nghệ biển, khu vực biển Việt Nam đã được các nhà khoa học mở ra những tầng lớp giá trị khác nhau về tiềm năng tài nguyên và nguy cơ môi trường, giúp cho Chính phủ có những quyết sách đúng đắn cho vùng phát triển kinh tế biển đảo cũng như vấn đề bảo đảm an ninh, chủ quyền trên vùng biển Việt Nam.

Đơn cử, các công trình lập bản đồ địa hình đáy biển, hải đồ Việt Nam; điều tra địa chất và khoáng sản biển nông bờ đã cho những luận cứ, luận chứng khoa học cơ bản đánh giá  tương đối chính xác về tiềm năng khoáng sản titan, zicon trên vùng biển ven bờ;  dẫn đường cho hàng loạt  các hoạt động phát triển kinh tế xã hội như: Kéo điện lưới ra các đảo tiền tiêu, xác định tọa độ mỏ dầu và định vị dẫn đường tàu bè trên biển... Nghiên cứu điều tra khí Hydrat và khoáng sản biển sâu đến 2.500m nước, mở ra triển vọng khai thác băng cháy, nguồn nguyên liệu khổng lồ thay thế dầu khí trong tương lai trên vùng biển Việt Nam...

Các công trình nghiên cứu khoa học biển, hải đảo đã góp phần xây dựng Chiến lược phát triển bền vững  kinh tế biển. Ảnh: Hoàng Minh
Các công trình nghiên cứu khoa học biển, hải đảo đã góp phần xây dựng Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển. Ảnh: Hoàng Minh

Trong giai  đoạn 2010 – 2015, hoạt động điều tra nghiên cứu khoa học về môi trường biển (nguồn thải, tải lượng chất thải) hay hệ sinh thái biển, nguồn lợi thủy sản biển cũng là một căn cứ quan trọng nhằm xây dựng quy hoạch phát triển nghề cá và chính sách phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường vùng biển ven bờ của hầu hết các địa phương có biển trên cả nước...

Ngoài ra, các công trình nghiên cứu khoa học biển cũng mở ra cơ hội để ứng dụng các tiến bộ khoa học mới như: Áp dụng các học thuyết về kiến tạo, sinh khoáng hiện đại trong điều tra địa chất khoáng sản trong việc đo vẽ lập bản đồ địa chất và khoáng sản biển; thành lập bản đồ địa chất Biển Đông...; ứng dụng công nghệ phân tích ảnh viễn thám, công nghệ tin học, địa vật lý mới trong việc giám sát, đo vẽ... Đặc biệt, thông qua hoạt động nghiên cứu, hàng loạt thiết bị máy móc hiện đại đo địa chấn trên biển, đo trọng lực có độ chính xác cao; các phần mềm phân tích tài liệu địa chất, địa chấn, sonar quét sườn, công nghệ định vị dẫn dường, đo sâu hồi âm đa tia ... đã được ứng dụng trên thực tế. Qua đó, không ít các đơn vị thuộc Bộ TN&MT đã làm chủ công nghệ, chế tạo được các máy móc thiết bị khá hiện đại, giảm chi phí những hiệu quả cao như: Chế tạo máy đo vật lý (từ, xạ phổ) trên biển, một số thiết bị phục vụ điều tra địa chất khoáng sản ven bờ...

Hướng các công trình đến những nhu cầu cấp thiết

Hoạt động nghiên cứu khoa học biển, đảo thời gian qua tuy đã đạt được một số những kết quả nhất định trong “hành trình tiến ra biển và làm chủ biển khơi”, song theo đánh giá chung của Vụ Khoa học công nghệ, Bộ TN&MT, lĩnh vực nghiên cứu Khoa học công nghệ biển đảo vẫn chưa thực sự tập trung và giải quyết những vấn đề cấp thiết đặt ra đối với việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước tổng hợp thống nhất biển, đảo. Việc giao, thực hiện đề tài còn khá dàn trải, chưa đảm bảo việc đầu tư có trọng tâm, phát triển có trọng điểm trong công tác nghiên cứu. Các hoạt động xuất bản, việc trao đổi, chuyển giao kết quả nghiên cứu hướng tới tăng cường hội nhập quốc tế và khu vực trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực biển, hải đảo còn nhiều hạn chế.

Để đáp ứng cao hơn nữa những đòi hỏi về nhận biết tài nguyên môi trường biển, đảo phục vụ công tác quản lý tổng hợp, thống nhất biển, đảo, các nhà khoa học đề xuất, định hướng nghiên cứu chính tới năm 2020 cần:  Tập trung  hơn nữa vào các công trình đáp ứng các yêu cầu cấp thiết về  hoàn thiện thể chế quản lý tổng hợp và thống nhất biển, đảo, trong đó quan trọng nhất là công tác nghiên cứu nhằm phục vụ xây dựng và hoàn thiện từng bước Luật Tài nguyên môi trường biển và các văn bản dưới Luật, tạo hành lang pháp lý để thực hiện yêu cầu của quản lý Nhà nước.

Đồng thời, cần đổi mới công nghệ phục vụ công tác điều tra cơ bản điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên biển, môi trường biển, cần có những công trình điều tra ở vùng nước sâu, xa bờ; tiếp tục ứng dụng các công nghệ tiên tiến để kiểm kê, đánh giá hiện trạng và dự báo tài nguyên môi trường  biển, đảo; nghiên cứu cơ sở cho việc quy hoạch khai thác, sử dụng biển nói chung, tài nguyên biển và hải đảo nói riêng phục vụ phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng. Nghiên cứu cơ sở để phân vùng chức năng trên biển, tránh xung đột khai thác tài nguyên, phát triển kinh tế, bảo vệ, bảo tồn biển đảo, quy hoạch không gian phát triển vùng ven biển theo hướng mở ra biển, kết nối không gian đất liền – biển cả.

Để thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học như đề xuất chắc chắn không hề đơn giản và phụ thuộc rất nhiều yếu tố, song theo Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai đã chỉ đạo nhiều lần trong các cuộc Hội thảo khoa học của Bộ, việc đầu tiên là phải đổi mới tư duy nghiên cứu khoa học, chuyển từ thế thụ động sang chủ động trên cơ sở hiểu biết về biển, làm chủ các hoạt động trên biển; nghiên cứu có địa chỉ ứng dụng cụ thể và được chuyển giao ngay khi hoàn thành, có như vậy mới đáp ứng đươc yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động khoa học nghiên cứu biển.

K.Liên

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kết quả nghiên cứu khoa học biển, đảo giai đoạn 2010 - 2015
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO