Điều này đã được WHO, các cơ quan y tế toàn cầu khác và các chuyên gia y tế đầu ngành tại Việt Nam khẳng định tại Tọa đàm "Xu hướng tiếp cận Giải pháp giảm tác hại thuốc lá tại Việt Nam" do Báo Điện tử VietnamPlus phối hợp với Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức mới đây.
Cảnh báo tỷ lệ hút thuốc trong giới trẻ đang gia tăng
Thuốc lá và những ảnh hưởng nghiêm trọng của thuốc lá tới sức khỏe cá nhân, kinh tế gia đình, môi trường sống là những điều đã được cảnh báo từ lâu nhưng trên thực tế số lượng người, đặc biệt là nam giới hút thuốc vẫn chiếm tỷ lệ cao. Công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá đã được triển khai nhiều năm song chuyển động trong thực hiện nhiệm vụ này tại các cấp, ngành, địa phương, đơn vị vẫn còn những hạn chế nhất định.
Theo số liệu thống kê, Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới. Tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc là 47,4%, nữ giới 1,4% và 33 triệu người không hút thuốc thường xuyên hít phải khói thuốc tại nhà.
Những nghiên cứu gần đây về xu hướng sử dụng thuốc lá cho thấy tỷ lệ hút thuốc trong giới trẻ đang gia tăng và tuổi bắt đầu hút thuốc đang ngày càng trẻ hóa. Theo điều tra tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh từ 13 - 15 tuổi: Tỷ lệ hút thuốc lá trong học sinh nam là 4,9% và học sinh nữ là 0,2%; Trên 47,7% học sinh nhóm tuổi này thường xuyên hút thuốc lá thụ động tại nhà và trên 66,5% hút thuốc lá thụ động tại nơi công cộng.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi ngày trên thế giới có 80.000 - 100.000 thanh thiếu niên bắt đầu hút thuốc. Thanh thiếu niên có thể dễ dàng nghiện chất nicotine chỉ sau khi hút vài điếu thuốc và trở thành người nghiện thuốc khi bước vào tuổi trưởng thành. Khi bắt đầu hút thuốc, thanh thiếu niên thường chưa nhận thức đầy đủ tính chất gây nghiện của thuốc lá cũng như các nguy cơ bệnh tật từ việc hút thuốc nên thường đánh giá thấp nguy cơ nghiện nicotine của mình. Hút thuốc càng sớm, bệnh tật càng sớm và hậu quả càng nặng nề. Hút thuốc ở trẻ em là nguyên nhân làm tăng khả năng nhiễm các tệ nạn xã hội khác như ma túy, rượu…
Việt Nam là nước có dân số trẻ, vì vậy, việc phòng chống tác hại của thuốc lá trong trường học giúp học sinh không hút thuốc, góp phần quan trọng bảo vệ sức khỏe của các thế hệ tương lai của đất nước, giảm tỷ lệ hút thuốc trong cộng đồng, giảm các gánh nặng bệnh tật và kinh tế cho mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội.
Xây dựng trường học không khói thuốc: Khó cũng phải làm
Luật Phòng chống tác hại thuốc lá quy định nhiều biện pháp nhằm ngăn ngừa trẻ em, thanh thiếu niên không bắt đầu hút thuốc (như cấm quảng cáo, khuyến mại; cấm bao gói nhỏ; cấm sản phẩm thiết kế giống bao/gói thuốc lá; cấm sử dụng hình ảnh thuốc lá trên các xuất bản phẩm dành cho trẻ em...).
Điều 11 Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá năm 2012 quy định 4 địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên gồm: bệnh viện, trạm y tế; trường học (trừ trường cao đẳng, học viện); nơi chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; khu vực có nguy cơ cháy nổ cao. Ngoài ra có 3 địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà gồm: Cơ quan, công sở, nơi làm việc; trường cao đẳng, đại học, học viện; địa điểm công cộng. Ngoài ra, luật cũng cấm hoàn toàn hút thuốc lá trên máy bay, ôtô, tàu điện.
Còn Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có hiệu lực từ ngày 15/11/2020, nhiều quy định mới về xử phạt các hành vi vi phạm liên quan đến việc mua, bán và sử dụng thuốc lá. Cụ thể, hành vi hút thuốc lá ở nơi cấm hút bị phạt 200.000 - 500.000 đồng; không treo bảng “Cấm hút thuốc” ở địa điểm cấm hút thuốc bị phạt từ 3 - 5 triệu đồng.
Cũng theo nghị định này, cửa hàng, đại lý bán lẻ thuốc lá không có bảng thông báo “Không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi” bị phạt từ 1 - 3 triệu đồng. Đặc biệt, phạt từ 3 - 5 triệu đồng nếu bán hoặc cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi. Nếu vận động, ép buộc người khác sử dụng thuốc lá; hoặc dùng người chưa đủ 18 tuổi mua thuốc lá bị phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Luật có, quy định xử phạt có nhưng khó thức thi. Ghi nhận thực tế tại nhiều nơi công cộng, hút thuốc lá như một việc hiển nhiên, thậm chí trong các trụ sở cơ quan, bệnh viện, trạm xe buýt... dù hàng loạt bảng cấm hút thuốc được gắn nhưng nhiều người vẫn thản nhiên hút thuốc. Có nhiều nguyên nhân khiến cho tình trạng hút thuốc lá nơi công cộng vẫn còn tồn tại như là ý thức chấp hành pháp luật của người dân chưa cao; việc cai nghiện thuốc lá không dễ dàng, người hút thuốc lá khó có thể bỏ thuốc được ngay; thuốc lá được bày bán công khai, ai cũng có thể dễ dàng mua được, nhất là đối tượng trẻ tuổi.
Theo các chuyên gia, thời gian tới, cần đưa nội dung phòng chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hằng năm, đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ, tiêu chuẩn xét danh hiệu thi đua, khen thưởng của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của cơ quan, đơn vị, trường học. Nghiêm cấm việc mua bán, quảng cáo, tiếp thị các sản phẩm, hình ảnh liên quan đến thuốc lá tại các cơ quan, đơn vị, trường học, trong các hoạt động giáo dục trong và ngoài nhà trường. Phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện nghiêm quy định cấm bán thuốc lá phía ngoài cổng cơ quan, đơn vị và trường học.
PGS. TS. BS Trần Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam, Chủ tịch Liên Chi hội Hô hấp TP. HCM: "Khi đã bị mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) thì việc ngưng thuốc lá vào bất cứ thời điểm nào cũng đều có lợi. Khói thuốc lá đốt cháy là chất độc hại phá huỷ trực tiếp đường thở cũng như nhu mô phổi, đồng thời, kích hoạt quá trình viêm nhiễm ngày càng nặng nề. Giảm các chất độc hại trong khói thuốc lá có ý nghĩa rất quan trọng đối với những bệnh nhân COPD"