Tham dự có Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân; ông Hoesung Lee, Chủ tịch IPCC; bà Pratibha Mehta, đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam cùng các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh: Hiện nay, Việt Nam cũng như nhiều các quốc gia tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về BĐKH, đang gấp rút hoàn tất các bước để phê chuẩn và triển khai thực hiện Thỏa thuận paris kể từ năm 2021 trở đi.
Ban chủ trì hội thảo |
Trong bối cảnh đó, những thành tựu khoa học chuyên sâu của IPCC góp phần giúp thế giới hiểu rõ hơn về những diễn biến khó lường của BĐKH, đánh giá mức độ tổn thương do BĐKH gây ra. Đây là căn cứ quan trọng để các nhà hoạch định chính sách đưa ra quyết sách, giải pháp phát triển bền vững phù hợp với điều kiện của mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Thống kê cho thấy, liên quan đến các tai biến thiên tai, các nước phát triển chịu tổn thất kinh tế cao hơn nhiều lần so với các nước đang phát triển, trong khi các nước đang phát triển lại chiếm đến 95% số ca tử vong (thiệt hại về người). Việc thiếu các giải pháp phòng chống, bảo vệ con người và tài sản là nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng thiệt hại do biến đổi khí hậu.
Báo cáo nhận định, thế giới có đủ khả năng hạn chế sự nóng lên toàn cầu và xây dựng một tương lai thịnh vượng và bền vững hơn. Nhưng để có thể hạn chế được sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2 độ C, tốt nhất là 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, đòi hỏi nỗ lực giảm khoảng 50 Gt lượng phát thải khí nhà kính trong các thập kỉ tới.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu khai mạc hội thảo |
Theo Chủ tịch IPCC Hoesung Lee, dựa trên nội dung Báo cáo AR5, IPCC đang xây dựng Báo cáo Đánh giá lần thứ 6 (AR6) theo đề nghị của Công ước khung của Liên Hợp Quốc về BĐKH (UNFCCC), thực hiện quyết định của Hội nghị khí hậu toàn cầu COP 21. Báo cáo AR6 bao gồm “Báo cáo đặc biệt về tác động của sự nóng lên toàn cầu 1,5 độ C so với thời kì tiền công nghiệp và các đường phát thải tương ứng”, các báo cáo sẽ nghiên cứu đánh giá toàn diện tác động của BĐKH về suy thoái đất, an ninh lương thực, xử lý các vấn đề về giảm phát thải khí nhà kính, ảnh hưởng ở các hệ sinh thái, đánh giá về tác động tới các nhóm yếu thế, phát triển đô thị… Chương trình làm việc cho chu kì Báo cáo Đánh giá lần thứ 6 (AR6) thực hiện trong giai đoạn năm 2018 – 2024.
Cũng nhân dịp này, Bộ Tài nguyên và môi trường đã công bố Kịch bản BĐKH và nước biển dâng cập nhật, dựa trên kết quả mới nhất trong Báo cáo tổng hợp AR5 của IPCC. Kịch bản cung cấp những thông tin mới nhất về những biểu hiện, xu thế biến đổi của khí hậu và nước biển dâng trong quá khứ và kịch bản BĐKH và nước biển dâng trong thế kỷ 21 ở Việt Nam.
GS.TS Trần Thục, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cho Ủy ban quốc gia về BĐKH cho biết: Kịch bản sẽ là cơ sở để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện các kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH cho các Bộ, ngành và địa phương, qua đó thực hiện các giải pháp phù hợp về khoa học, công nghệ, các giải pháp chuyển đổi cơ cấu kinh tế nhằm thích ứng với những tác động của BĐKH, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Tại hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia trong nước và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực ứng phó với BĐKH đã cùng thảo luận về tình hình BĐKH trên thế giới và tại Việt Nam, công tác ứng phó với BĐKH, các kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris…
Khánh Ly