Huyện Vụ Bản, Nam Định: Người dân bức xúc vì nước máy bẩn

31/07/2017 00:00

Có nước sạch từ năm 2005, nhưng 2 - 3 năm trở lại đây hàng nghìn người dân huyện Vụ Bản, Nam Định phải sống trong cảnh dở khóc, dở cười vì nước nhiễm bẩn nhưng vẫn phải mua với giá 7,7 nghìn đồng/m3. Mặc dù nhiều lần kiến nghị lên cơ quan chức năng huyện, tỉnh, song đến nay, tình trạng này vẫn không được cải thiện.

Bức xúc kéo dài

Gần 9 giờ sáng 26.7, nhiều hộ gia đình tại trung tâm thị trấn Gôi, huyện Vụ Bản, Nam Định phun nước cho cây, phun nước ra ngoài đường để thực hiện việc xúc xả. Theo người dân, nước máy ở khu vực này bẩn nên thường xuyên phải lọc, thau rửa bể…

Bà Lê Thị Lượt - thị trấn Gôi cho biết: Người dân địa phương được sử dụng nước máy do Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Vụ Bản (thuộc Công ty TNHH Một thành viên Kinh doanh nước sạch Nam Định) cung cấp từ hơn 10 năm nay. Ban đầu nước rất trong, nhưng 2 - 3 năm trở lại đây nước chuyển màu và không có mùi clo như trước. Nhiều hôm xả đến chậu nước thứ 3 nước vẫn còn đen, đỏ quạch như nước ruộng, để một lúc lắng xuống có rất nhiều cặn. Bà Lượt dẫn chúng tôi tới vòi nước máy đặt trong sân để mục sở thị. Mở vòi nước máy, rồi lấy chậu nhôm trắng ra hứng nước bà Lượt than: Đấy các anh chị xem, nước đục thế này, đến rửa rau, tắm giặt còn sợ nữa là dùng để nấu ăn.

Một vài hộ khác cũng trong tình cảnh tương tự, người dân còn cho biết: Nước ở thị trấn Gôi là đầu nguồn (vì gần xí nghiệp nước sạch) còn đỡ, xả một vài xô là có nước trong, chứ mấy xã ở cuối nguồn như Liên Minh thì nước đục hơn nhiều. Theo lời kể của người dân, chúng tôi xuống xã Liên Minh - cách thị trấn Gôi 7km. Thấy hỏi về nước sạch, nhiều người tỏ ra ngán ngẩm. Bà Phạm Thị Hoàng ở xóm Hầu bức xúc: Từ lâu lắm rồi gia đình tôi không dám sử dụng nước trực tiếp từ đường nước sạch. Ở đây gần như gia đình nào cũng phải xây bể lắng ngầm. Nước được đưa về bể để lắng rồi mới bơm lên téc nước. Từ téc nước cho chạy qua máy lọc rồi mới dám dùng để ăn uống. Bà Hoàng than vãn: Nhân lực đã khan hiếm, con cháu đi làm ăn xa hết, giờ chỉ có người già và trẻ nhỏ ở nhà, nhưng do nước bẩn nên hàng tuần đều phải thau rửa bể lắng, mệt mỏi và bức xúc vô cùng.

Nước máy được xả trực tiếp từ vòi nước của hộ gia đình
Nước máy được xả trực tiếp từ vòi nước của hộ gia đình

Theo phản ánh của người dân, tình trạng nước bẩn đã diễn ra nhiều năm, tại hầu hết các cuộc họp, các cuộc TXCT của xã, huyện, tỉnh, cử tri đều phản ánh và kiến nghị với lãnh đạo các cấp sớm giải quyết vấn đề này cho dân. Mới đây nhất, cuộc TXCT của lãnh đạo huyện Vụ Bản tại xã Liên Minh, trả lời ý kiến của cử tri, trực tiếp Bí thư Huyện ủy đã có ý kiến chỉ đạo Phó Chủ tịch huyện phải ngừng ngay việc cấp nước không bảo đảm cho người dân và tìm nguồn nước khác thay thế. Tuy nhiên, đến nay vẫn không có gì thay đổi.

Nguồn nước từ sông bị ô nhiễm

Tại Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Vụ Bản, qua khảo sát cho thấy, khu xử lý nước từ khâu lấy nước vào bể lắng, lọc nước bằng công nghệ hữu cơ (phương pháp xử lý vi sinh)… đều trong tình trạng cũ kỹ, gỉ sét và xuống cấp nghiêm trọng. Không chỉ có vậy, vị trí lấy nước rất gần cầu Tào - nơi có nhiều làng nghề truyền thống như đồ gỗ, mây tre đan xuất khẩu, đúc đồng… và cũng được coi là nơi trọng điểm về ô nhiễm môi trường, đặc biệt là nguồn nước. Người dân địa phương chia sẻ, tình trạng ô nhiễm từ nhánh sông Sắt (chạy dọc theo Quốc lộ 10) đổ thẳng ra sông Sắt đã diễn ra từ nhiều năm nay và ngày càng nghiêm trọng. Theo quan sát, từ nhánh ô nhiễm màu nước đen kịt, bốc mùi nồng nặc, nhiều xác động vật chết trôi nổi. Vị trí nhánh ô nhiễm này chỉ cách đầu thu nước thô của Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Vụ Bản trên 50m (theo quy định của Bộ Y tế là trên phía thượng nguồn là 200m và xuôi về hạ nguồn là 100m không có nguy cơ ô nhiễm môi trường).

Trao đổi về vấn đề này, Phó Giám đốc Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Vụ Bản Đỗ Hồng Thái cho biết: Năm 2005, công trình sản xuất, cấp nước sạch Vụ Bản được xây dựng từ nguồn vốn viện trợ của Chính phủ Luxembourg. Công trình cung cấp nước sạch cho các xã: Liên Minh, Vĩnh Hào, Kim Thái, Cộng Hòa, Tam Thanh và thị trấn Gôi. Từ năm 2013, công trình được UBND tỉnh giao cho công ty TNHH MTV Kinh doanh nước sạch Nam Định quản lý và Công ty tiếp tục phân cấp quản lý cho Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Vụ Bản. Ông Đỗ Hồng Thái cũng cho biết: Từ trước đến nay nguồn nước lấy vào để xử lý từ nguồn sông Sắt. Những năm trước, chất lượng nước của sông rất tốt, song những năm gần đây do có nhiều làng nghề hoạt động, nước và chất thải thải ra ngày càng nhiều nên sông Sắt ngày càng bị ô nhiễm. “Đây cũng là nỗi niềm và trăn trở của chúng tôi trong suốt thời gian qua. Tất nhiên, để bảo đảm chất lượng nguồn nước, hàng giờ cán bộ hóa sinh của chúng tôi phải lấy mẫu nước để phân tích; bên Trung tâm Y tế dự Phòng tỉnh hàng tháng cũng lấy mẫu nước của chúng tôi để kiểm tra và chứng nhận đạt chuẩn, hầu hết các chỉ số đạt và bảo đảm thì mới cho phát tới các hộ dân”, ông Thái chia sẻ.

Để khắc phục tình trạng trên, thời gian qua, Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Vụ Bản đã bỏ hơn 60 tỷ đồng để đầu tư thay thế dịch chuyển 20km đường ống. Xí nghiệp đã họp với các cơ quan chức năng lập tờ trình gửi UBND tỉnh cho phép khảo sát, lập đề án thay đổi nguồn nước cấp từ sông Sắt sang nguồn nước từ sông Đào (nguồn nước ổn định và bảo đảm chất lượng). Hiện tại, đề án đã được UBND tỉnh thông qua. Song, khó khăn hiện nay là nguồn kinh phí. Vì để thực hiện tuyến đường dẫn nước từ sông Đào về xí nghiệp rất dài (12km), phải đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Trong khi đó, xí nghiệp kinh doanh thì không được cấp bất cứ kinh phí hỗ trợ nào của tỉnh, nên phải tính đến phương án vay ngân hàng. Trước mắt để giải quyết vấn đề nước về tới các hộ dân trên địa bàn được sạch, xí nghiệp sẽ tiến hành lắp đặt thêm các điểm cục xả cặn tại các địa phương, thay vì 3 - 4 điểm như hiện nay sẽ tăng lên khoảng 30 - 40 điểm.

Theo Báo Đại biểu nhân dân

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Vụ Bản, Nam Định: Người dân bức xúc vì nước máy bẩn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO