Huyện Than Uyên (Lai Châu): Đời sống ổn định nhờ rừng

Minh Phương| 28/08/2015 09:33

(TN&MT) - Cùng với các địa phương khác trong tỉnh Lai Châu, huyện Than Uyên luôn quan tâm thực hiện tốt các chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho các hộ nhận khoán, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên và bảo vệ rừng. Từ đó, góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng, đặc biệt, tạo công ăn việc làm cho người dân, tăng thu nhập từ việc khai thác lâm sản và được chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Hiện nay, Than Uyên chủ yếu là rừng tái sinh đang trong giai đoạn phát triển. Diện tích rừng tái sinh được tính bắt đầu từ thị trấn Than Uyên vào đến xã Mường Mít. Theo lời ông Lò Văn Ún, Trưởng bản Vè, xã Mường Mít, huyện Than Uyên: “Ngày trước, người dân chưa hiểu rõ về lợi ích từ việc bảo vệ rừng nên nạn đốt phá rừng làm nương, rẫy thường xuyên diễn ra. Sau khi được cán bộ kiểm lâm giải thích về các chính sách hỗ trợ khoanh nuôi, chi trả dịch vụ môi trường rừng, người dân Mường Mít bắt đầu quan tâm đến việc chăm sóc, bảo vệ rừng. Hàng năm, tiền hỗ trợ bảo vệ rừng người dân được chi trả từ 300-500 nghìn/hécta/năm. Chính vì vậy, thời điểm này xã có nhiều cánh rừng tái sinh được khoanh nuôi, bảo vệ tốt. Cùng với đó, các dòng suối trước đây bị khô cạn đã bắt đầu có nước. Người dân đã hiểu phần nào về giá trị từ rừng”.

than-uyen.jpg

Người dân phát dọn thực bì phòng chống cháy rừng

Cũng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền bảo vệ rừng và gắn lợi ích của các hộ gia đình, cộng đồng thôn, bản. Các chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, việc tuyên truyền vận động của các cấp ủy, chính quyền... tác động trực tiếp đến đời sống và nhận thức của người dân. Thay vì chặt phá rừng tràn lan, người dân đứng ra nhận trồng, giữ rừng để góp phần bảo vệ nguồn nước sinh hoạt, nước tưới trồng lúa và phát triển kinh tế từ rừng.

Đến nay, trên 3.000 hécta rừng của xã Mường Mít được người dân khoanh nuôi và bảo vệ. Không những thế, bà con còn tận dụng trồng thảo quả dưới tán rừng, thu hái măng, nấm... góp phần tăng thu nhập. Cũng từ chủ trương của tỉnh, huyện hiện nay Mường Mít đang triển khai dự án cùng đưa cây cao su vào trồng tại các tán rừng nghèo nàn, cỏ lau um tùm. Nhờ đó, không chỉ nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 32,3% mà còn mở ra huớng đi mới trong trồng và phát triển cây công nghiệp, giải quyết lao động địa phuơng.

than-uyen1.png

Diện tích rừng ngày một nhân rộng

Được biết, không chỉ riêng ở xã Muờng Mít người dân thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ rừng mà xã Hua Na, huyện Than Uyên, cấp ủy, chính quyền cũng đang tận dụng các chính sách của Đảng, Nhà nuớc, tỉnh, huyện để vận động người dân nhận khoán khoanh nuôi, bảo vệ rừng và được người dân nhiệt tình hưởng ứng. Các đối tượng tham gia vận động người dân khoanh nuôi và bảo vệ rừng gồm: Cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn, trưởng bản, chính quyền xã, người có uy tín trong dòng họ... để vận động người dân tham gia bảo vệ rừng. Đến nay, trên 80% số hộ toàn xã Hua Nà tham gia bảo vệ rừng, 100% các hộ ký hương ước với bản không khai thác lâm sản trái phép, chặt phá rừng làm nương. Bên cạnh đó, kế hoạch bảo vệ rừng trước mùa khô hanh đều được cấp ủy, chính quyền đặc biệt quan tâm, đưa ra các phương án tối ưu để hạn chế nạn cháy rừng.

Ông Lù Văn Chiến - Chủ tịch UBND xã Hua Nà, chia sẻ: “Hiện nay xã có khoảng 1.000 hécta rừng, 115 hécta rừng tự nhiên, 500 hécta rừng bảo vệ khoanh nuôi tái sinh, 220 hécta rừng trồng. Để khuyến khích người dân giữ rừng tốt, chính quyền thực hiện chi trả đúng đủ các chính sách hỗ trợ, trợ cấp gạo, dịch vụ môi trường rừng cho các hộ nhận khoán bảo vệ rừng. Ngoài ra, xã chỉ đạo các bản phối hợp kiểm lâm địa bàn tổ chức tuyên truyền Luật Bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, tiến hành ký cam kết bảo vệ rừng tới các hộ sống ven rừng. Đồng thời, thực hiện chế độ tuần tra, trực phòng cháy, các vụ cháy đều được phát hiện và xử lý kịp thời khi mới xuất hiện”.

Tới nay, toàn bộ diện tích rừng của xã Hua Nà đều được chăm sóc và bảo vệ tốt, đời sống của người dân dần được cải thiện nhờ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Than Uyên (Lai Châu): Đời sống ổn định nhờ rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO