Xã hội

Huyện Nho Quan (Ninh Bình): Lồng ghép nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững

Bảo Hà 19/03/2024 - 17:25

Xác định giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bằng nhiều giải pháp tổng hợp, Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Để làm rõ điều này, Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã phỏng vấn ông Đinh Văn Trang, Phó Chủ tịch UBND huyện.

3(2).png
Ông Đinh Văn Trang, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

PV: Xin ông cho biết một số kết quả nổi bật trong công tác giảm nghèo bền vững trong giai đoạn 2021 -2025 đến nay? Qua đó, đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn trên địa bàn huyện như thế nào?

Ông Đinh Văn Trang: Trong giai đoạn 2021 - 2025, huyện Nho Quan đã xây dựng nhiều chương trình hành động cụ thể, trong đó xâu chuỗi nhiều giải pháp tổng hợp nhằm giúp hộ nghèo vươn lên trong phát triển kinh tế để nâng cao đời sống cho người dân. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, người nghèo ở tỉnh Ninh Bình đã nỗ lực vươn lên. Năm 2023 tổng số hộ tự nhiên toàn huyện là 46.854 hộ, trong đó số hộ nghèo là 1.202 hộ (chiếm tỷ lệ 2,57%), giảm 973 hộ (2,14%) so với năm 2021; Số hộ cận nghèo là 1.424 hộ (chiếm tỷ lệ 3,04%) giảm 906 hộ (2,01%) so với năm 2021.

Cùng với đó, các chính sách giảm nghèo và Chương trình đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn của các xã vùng dân tộc, miền núi khó khăn như giao thông, thuỷ lợi, trường học, trạm y tế, chợ, nước sinh hoạt... với 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã; tỷ lệ xã có lưới điện quốc gia đến trung tâm xã chiếm 100%, trên 98% số hộ dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 100% các xã có hệ thống trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia.

Nhờ có hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ được xây dựng đã góp phần tích cực thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo điều kiện cho hàng hóa thông thương, góp phần thực hiện mục tiêu Chương trình xóa đói giảm nghèo của địa phương. Việc đi lại, khám chữa bệnh, học hành có nhiều thuận lợi hơn trước, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, công tác giáo dục, đào tạo có tiến bộ; trình độ, năng lực cán bộ xã, thôn, bản từng bước được nâng lên; sản xuất nông, lâm nghiệp có chuyển biến theo hướng kinh tế hàng hóa nhờ đó đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm.

1(1).png
Từ chính sách hỗ trợ của nhà nước, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp từ huyện đến cơ sở và sự quan tâm ủng hộ, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân, ý chí khát vọng vươn lên của nhân dân.

Trong những năm qua, Ban chỉ đạo giảm nghèo của huyện luôn quan tâm, chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội gắn với các Chương trình mục tiêu quốc gia, huy động tối đa các nguồn lực, nhất là nguồn xã hội hóa để giúp đỡ, hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo xây dựng nhà ở, phát triển sinh kế, giải quyết việc làm; thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công, trợ giúp xã hội. Các chính sách và giải pháp giảm nghèo được các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở quan tâm, triển khai đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực.

Từ chính sách hỗ trợ của nhà nước, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp từ huyện đến cơ sở và sự quan tâm ủng hộ, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân, ý chí khát vọng vươn lên của nhân dân, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện đã giảm mạnh. Đến nay, toàn huyện đã có 26/26 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Huyện Nho Quan đã được công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

PV: Để nâng cao chất lượng đời sống người dân trong năm 2024, huyện Nho Quan có định hướng và giải pháp gì, thưa ông?

Ông Đinh Văn Trang: Để hoàn thành mục tiêu giảm nghèo trong giai đoạn 2021 – 2025, huyện Nho Quan tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong thực hiện công tác giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới. Huyện Nho Quan sẽ đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nông nghiệp hữu cơ, áp dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao, nâng cao chất lượng giá trị trên 01 ha đất canh tác.

Thực hiện tốt việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền, đổi thửa; tích tụ ruộng đất ở quy mô nhóm hộ tổ hợp tác hoặc cho doanh nghiệp thuê có thời hạn từ 5-10 năm; khắc phục sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, từng bước hình thành vùng sản xuất chuyên canh nông nghiệp hàng hóa từ 1300ha-1500ha với quy mô phù hợp (khoảng 10ha trở lên/một điểm sản xuất).

2(3).png
Mô hình nuôi dê theo hướng an toàn sinh học để khai thác, tận dụng và phát huy điều kiện địa hình đồi núi cũng như thế mạnh về du lịch của huyện.

Cùng với đó, phát huy lợi thế các xã vùng cao, đồi núi để phát triển, mở rộng các vùng chuyên canh cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn ngày như mía, dứa, na trái vụ, chuối, bưởi, thanh long…Cũng như mô hình kinh tế đồi rừng, trang trại tổng hợp, chăn nuôi đại gia súc, con nuôi đặc sản như: ong, hươu, nhím, gà đồi...

Đối với các xã vùng chiêm trũng khuyến khích mô hình lúa – cá, các xã đồng bằng, bán sơn địa tập trung sản xuất lúa hàng hóa và rau, củ quả. Phấn đấu hằng năm, ổn định diện tích gieo trồng từ 18.000 ha - 20.000 ha (trong đó cây lúa khoảng 11.000 ha); Duy trì và mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản đến năm cuối nhiệm kỳ khoảng 3.900 ha (trong đó chuyên canh thủy sản khoảng 2.000 ha; diện tích lúa - cá khoảng 1.900 ha);

Chủ động bố trí từ nguồn sự nghiệp kinh tế từ 1,0-1,8 tỷ đồng/năm (đối với cấp huyện) để hỗ trợ, khuyến khích các mô hình sản xuất. Phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền để quảng bá, giới thiệu sản phẩm; có giải pháp ưu tiên thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là lĩnh vực chế biến nông sản, nhằm tiêu thụ ổn định sản phẩm nông nghiệp cho nông dân. Phấn đấu có từ 10 đến 15 sản phẩm mang nhãn hiệu Nho Quan, từng bước đưa sản phẩm nông nghiệp vào phục vụ du lịch.

Thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng, người hưởng chính sách bảo trợ xã hội. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; đẩy mạnh công tác dạy nghề, giải quyết việc làm, phấn đấu số lao động được giải quyết việc làm đạt 3.000 người/năm. Đặc biệt, chú trọng tuyên truyền nhằm thực hiện có hiệu quả xuất khẩu lao động và du học nghề.

Quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức về giảm nghèo bền vững: Tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững; tăng cường tuyên truyền các gương điển hình về giảm nghèo để thúc đẩy, nhân rộng và lan tỏa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Nho Quan (Ninh Bình): Lồng ghép nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO