Những năm gần đây, huyện Nhà Bè (TP.HCM) đã chuyển mình mạnh mẽ, từng bước hình thành một khu đô thị phía Nam của TP.HCM. Bên cạnh đó, công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân; công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường luôn được Đảng bộ, chính quyền huyện Nhà Bè chú trọng nhằm hướng tới mục tiêu phát bền vững.
Phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo còn 0,5%
Thời gian qua, Chương trình giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những nhiệm vụ được Huyện ủy, UBND huyện Nhà Bè xác định là một trong những nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu. Trong đó, Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ huyện Nhà Bè lần thứ 11, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã xác Chương trình “Học chữ, học nghề, giải quyết việc làm gắn với mục tiêu giảm nghèo bền vững” là một tròn 3 chương trình trọng điểm.
Trong nhiều năm qua, huyện Nhà Bè đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo như đẩy mạnh giới thiệu việc làm, hỗ trợ vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình, liên kết sản xuất, đồng thời thực hiện đầy đủ các chính sách an sinh xã hội cho hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định.
Trong đó, trong năm 2021 -2022, huyện Nhà Bè đã vận động hỗ trợ cho 200 người nghèo tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện với số tiền gần 140 triệu đồng; cấp 3.771 thẻ BHYT cho hộ nghèo; vận động 1.459 thẻ BHYT cho hộ cận nghèo (trong đó, hộ cận nghèo đóng 30%) với tổng số tiền hơn 6,8 tỷ đồng; miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, tiền ăn, học bổng cho 2.401 lượt học sinh với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 3,7 tỷ đồng; vận động trao tặng nhu yếu phẩm cho 1.543 hộ nghèo, hộ cận nghèo và 5.961 nhân khẩu nghèo, cận nghèo gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số tiền trên 18 tỷ đồng; hỗ trợ 274 lượt hộ nghèo tiếp cận nguồn nước sinh hoạt an toàn (hỗ trợ giá nước) với số tiền hơn 10 tỷ đồng….
Đồng thời, huyện Nhà Bè cũng tạo điều kiện cho hộ nghèo tiếp cận các nguồn vốn vay với lãi suất thấp để phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững, từ nguồn vốn Quỹ Xóa đói giảm nghèo ủy thác sang Ngân hàng Chính sách Xã hội hàng năm Huyện đã xét duyệt và giải ngân cho 300 lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát chuẩn cận nghèo…
Theo UBND huyện Nhà Bè, năm 2022, trên địa bàn huyện có 1.216 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,11% (trong đó, có 7 hộ gia đình chính sách), 898 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 1,56% (trong đó, có 11 hộ gia đình chính sách). Hiện nay, Nhà Bè đang tăng tốc triển khai hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn của TP.HCM còn 0,5%; thu nhập bình quân đầu người đạt 90 triệu đồng/năm.
Phát biểu tại buổi giám sát về công tác giảm nghèo bền vững của huyện Cần Giờ mới đây, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM đề nghị huyện cần có giải pháp nhằm thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững phù hợp với từng đối tượng cụ thể; tổ chức thực hiện tốt công tác điều tra, cập nhật và quản lý hộ nghèo, thường xuyên kiểm tra, cập nhật biến động, quản lý chặt chẽ danh sách hộ nghèo, cận nghèo hiện có trên địa bàn; có giải pháp duy trì tỷ lệ hộ cận nghèo đã thoát nghèo bền vững trong thời gian.
Đồng lòng bảo vệ môi trường
Trong những năm qua, bên cạnh công tác phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, huyện Nhà Bè còn luôn quan tâm, chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường. Theo đó, Nhà Bè đã triển khai nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị 19 của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch vì thành phố sạch và giảm ngập nước”.
Trong đó, huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân không xả rác ra đường và kênh rạch, giữ gìn vệ sinh môi trường, hạn chế sử dụng bao, bì nilông, nhất là trong các hộ kinh doanh ăn uống; duy trì chương trình 15 phút hàng tuần dọn dẹp vệ sinh môi trường Vì thành phố xanh - sạch - đẹp; nhân rộng mô hình vớt rác trên kênh, rạch; thành lập nhóm tự quản kênh, rạch bảo vệ môi trường...
Thời gian qua, các cập Hội Phụ nữ huyện Nhà Bè đã luôn đi đầu, chủ động tổ chức nhiều hoạt động bảo vệ môi trường. Điển hình không sử dụng các loại hộp, ly, chai nhựa sử dụng một lần trong tổ chức các hội nghị, hội thi; thay túi nhựa bằng túi giấy; dùng bình nước, ly thủy tinh. Hội phụ nữ các xã, thị trấn thực hiện tái chế rác thải nhựa, thùng sơn, vỏ hộp sữa, giấy thành các vật dụng tiện ích sử dụng trong gia đình, trường học.
Các cấp Hội phụ nữ cơ sở tại Nhà Bè còn triển khai nhiều mô hình thiết thực như: Mô hình "Hãy hành động vì một Thành phố xanh", "Tuyến rạch không rác tại Rạch Chín Còn", "Trồng hoa từ vật liệu tái chế", "Phụ nữ chung tay vì môi trường xanh", ''Vườn rau dinh dưỡng''…
Bên cạnh đó, Hội Nông dân huyện Nhà Bè cũng triển khai nhiều giải pháp bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp. Hiện, tại xã Hiệp Phước đã hình thành khu vực nuôi tôm công nghiệp chuyên canh rộng 196ha. Để đảm bảo chất lượng môi trường nguồn nước, cán bộ hội nông dân sẽ đến từng hộ nuôi tôm đề nghị ký cam kết không vứt bao bì, chai lọ thức ăn, thuốc thủy sản xuống kênh, rạch mà thực hiện tiêu hủy…
Phát biểu tại Lễ phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ ngày 17/5, ông Võ Phan Lê Nguyễn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè cho biết, Huyện sẽ tiếp tục thực hiện tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về mục đích, ý nghĩa của Tết trồng cây và công tác bảo vệ môi trường. Qua đó, tiếp tục nâng cao ý thức của cộng đồng trong thực hiện nghiêm túc không xả rác ra đường và kênh rạch; tích cực tham gia trồng và chăm sóc cây xanh, phát triển mảng xanh tại gia đình, tại địa phương sinh sống và nơi làm việc nhằm thực hiện Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 – 2025” của Thủ tướng Chính phủ.