Theo đó, bão khiến 5 nhà bị sập, hơn 400 nhà tốc mái, 5 trường học và trụ sở cơ quan hư hại. Có hơn 20 điểm tại các tuyến đường giao thông, đường dân sinh bị sạt lở, hư hỏng và 16 cầu, cống qua đường sản xuất bị nước xói lở, sạt lở đất dọc bờ sông, suối hơn 3,6km, gần 3 ha đất trồng lúa bị đất, đá vùi lấp.
Nhiều diện tích cao su tại Nam Đông gãy đổ |
Hơn 2.500 ha rừng trồng keo và khoảng hơn 1.500 ha cao su đang khai thác bị gãy đổ; gần 30 ha rau màu các loại; hơn 25 ha cây hàng năm; hơn 10 ha cây ăn quả bị bị thiệt hại; 20 con gia súc (trâu, bò, lợn), 740 con gia cầm bị chết do ngập lụt...
Trong sự buồn bã, ông Nguyễn Ngọc Thuận (76 tuổi, thôn A2, xã Hương Sơn, huyện Nam Đông) cho hay, bão Xangsane năm 2006 cũng đã khiến nhiều diện tích cao su trên huyện thiệt hại, sau đó gia đình ông tiếp tục trồng.
“Mười mấy năm trồng, chăm sóc, mới được thu hoạch 3 năm nay. Cả vườn cao su chuẩn bị bước vào chu kỳ cho mủ nhiều nhất, giờ bị gió bão làm gãy, bật gốc la liệt, thiệt hại 70%. Nợ nần vẫn còn đó...”, ông Thuận rầu rĩ nói.
Các trụ điện gãy đổ |
Ông Nguyễn Thanh Hồ - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết, trước khi bão tới, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện sơ tán 1.595 hộ với 5.395 nhân khẩu đến nơi an toàn. Các xã, thị trấn cũng đã triển khai và thực hiện tốt phương án ứng phó, xử lý tình hình mưa, lũ, bão. Đồng thời, chuẩn bị phương tiện, dụng cụ, lực lượng để sẵn sàng tham gia xử lý các tình huống do thiên tai gây ra.
“Tuy nhiên, do ảnh hưởng của bão nên trên địa bàn huyện đã có gió giật mạnh kèm mưa to đã gây ra thiệt hại lớn cho người dân. 10 trên 10 xã, thị trấn của huyện đều có thiệt hại về nhà cửa, cây trồng các loại, trong đó Hương Phú là xã chịu thiệt hại nhiều nhất, trụ sở xã này cũng bay mái...”, ông Hồ thông tin.
Một trụ sở xã ở Nam Đông bay mái do bão |
Kiểm tra tình hình tại huyện Nam Đông, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu chỉ đạo huyện cần tập trung mọi lực lượng, phương tiện để khắc phục hậu quả do cơn bão số 9 gây ra.
“Huyện cần thống kê, nắm lại số liệu thiệt hại của người dân, trong đó có các loại cây trồng như cao su, keo, tràm; có giải pháp xử lý cây cao su bị gãy đổ. Đồng thời qua đây cũng cần rút ra bài học kinh nghiệm trong việc tính toán việc trồng cây gì để thích ứng với thiên tai trên địa bàn”, ông Lưu chỉ đạo.
Nhận định tình hình sạt lở có nguy cơ xảy ra trên địa bàn huyện miền núi này, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu huyện Nam Đông cần có khảo sát, trong đó có thể thuê chuyên gia để khảo sát tình hình địa chất tại các vùng có nguy cơ bị sạt lở, qua đó có giải pháp xử lý nhằm không để xảy ra tình trạng sạt lở gây thiệt hại về người và tài sản của người dân.
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế kiểm tra công tác khắc phục thiệt hại |
Được biết, huyện miền núi còn lại của Thừa Thiên Huế trong bão số 9 cũng thiệt hại, khi có 530 nhà dân bị tốc mái, hư hỏng; 1 nhà bị sập. Nhiều địa điểm bị sạt lở, trong đó bị sạt lở taluy dương đoạn km 76+500; nhiều vị trí khác có nguy cơ sạt lở đoạn từ km 68-km77+800. Dọc đường HCM và các tuyến đường nội thị nhiều cây xanh đổ ngã...