Xã hội

Huyện Lục Nam sử dụng hiệu quả nguồn vốn giảm nghèo

Bảo Hà 27/03/2024 - 16:51

Xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, huyện Lục Nam (tỉnh Bắc Giang) đã tập trung đẩy mạnh các giải pháp phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Từ sự nhất quán trong điều hành và thực hiện có hiệu quả trong việc triển khai các chính sách cùng những cách làm hay ở cơ sở, đã giúp hộ nghèo vươn lên, ổn định cuộc sống. Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã phỏng vấn ông Vũ Hoài Sơn - Trưởng phòng Lao động - TBXH huyện Lục Nam.

34f2f762-cb18-40b6-a43b-95bb0ffe8c07.png
Ông Vũ Hoài Sơn - Trưởng phòng Lao động - TBXH huyện Lục Nam cho biết, huyện đã và đang tập trung đẩy mạnh các giải pháp phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.

PV: Xin ông đánh giá những kết quả nổi bật sau nửa nhiệm kỳ thực hiện công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện?

Ông Vũ Hoài Sơn: Trong giai đoạn 2021 đến nay, các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo đạt được những kết quả quan trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của huyện. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống rõ rệt theo từng năm, cụ thể năm 2021, toàn huyện có 3.420 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 5,64%, 2.559 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 4,22%, đến năm 2023 đã giảm xuống còn 1.848 hộ nghèo (giảm 1.572 hộ), chiếm tỷ lệ 3% (giảm 2,64%), có 1.859 hộ cận nghèo (giảm 700 hộ), chiếm tỷ lệ 3,02% (giảm 1,2%). Mục tiêu cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,16%.

Bên cạnh đó, huyện còn hỗ trợ đầy đủ các chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục, hỗ trợ tiền điện, hỗ trợ nhà ở, đào tạo nghề, giải quyết việc làm... Việc thực hiện đồng bộ các chính sách đã mang lại hiệu quả cao trong công tác giảm nghèo tại các địa phương, các hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ giúp đỡ, cải thiện các chiều thiếu hụt theo quy định của chuẩn nghèo đa chiều.

Các địa bàn đặc biệt khó khăn đã được đầu tư cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh, hộ nghèo được hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm, tăng thu nhập, tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin.

Đặc biệt, đã có sự chuyển biến về nhận thức và hành động của một bộ phận người nghèo, xuất hiện một số điển hình làm đơn tự nguyện xin thoát nghèo. Chính sách hỗ trợ về tín dụng ưu đãi từ nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo phát triển sản xuất, cải thiện điều kiện sống, mang lại hiệu quả tích cực trong công tác giảm nghèo bền vững của địa phương.

20230920154457-a45.jpg
Lục Nam thực hiện đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, triển khai các mô hình hỗ trợ người dân.

PV: Ông có thể cho biết những chính sách hỗ trợ mà địa phương đã và đang triển khai những năm qua người dân được hưởng lợi như thế nào và từ đó đã thay đổi cuộc sống ra sao?

Ông Vũ Hoài Sơn: Để đạt được mục tiêu xóa đói giảm nghèo, huyện đã triển khai các giải pháp và thực hiện tốt “chiến lược” chống giặc “nghèo” đó là cả hệ thống chính trị đã làm việc không biết mệt mỏi, không quản mưa nắng, với mục tiêu mang lại nét tươi sáng hơn trong bức tranh cuộc sống ở huyện Lục Nam.

Điển hình như hộ gia đình ông Tạ Văn Mạnh thôn Lãng Sơn, xã Đông Hưng, Là hộ tiêu biểu trong phong trảo giảm nghèo bền vừng tại xã Đông Hưng. Thoát nghèo nhờ được trao sinh kế sau khi được tư vấn lựa chọn mô hình kinh tế phù hợp ở địa phương, gia đình ông đầu tư thêm vốn trồng hơn l ha rừng keo và gần 100 cây bưởi Diễn, lấy công làm lãi, đến nay rừng keo đang phát triển tốt chỉ hơn 1 năm đã được thu hoạch, lứa bưởi đầu cho năng suất cao gia đình ông Mạnh đã tự nguyện xin thoát nghèo vào đợt rà soát năm 2022.

Hay ông Đăng Văn Thành, thôn Vĩnh Tân, xã Lục Sơn nhờ được tập huấn KH-KT, chuyển đổi cây trồng, gia đình ông đã mạnh dạn chuyển đổi cây hồng kém hiệu quả sang trồng nhãn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với diện tích 1ha nhãn, mỗi năm gia đình ông Thành thu lãi khoảng 150 triệu đồng. Bên cạnh đó, ông còn tận dụng hoa nhãn nuôi được 100 đàn ong lấy mật, mỗi năm thu khoảng 80 triệu đồng, góp phần nâng cao thu nhập của gia đình, trở thành hộ gia đình có thu nhập khá của thôn. Nhiều năm liền ông Thành được công nhận là đảng viên phát triển kinh tế giỏi của địa phương…

PV: Xin ông cho biết Kế hoạch tổ chức thực hiện hỗ trợ chính sách trong năm 2024 sẽ được thực hiện như thế nào để có thể duy trì và phát huy những thành tựu mà chúng ta đạt được, thưa ông?

Ông Vũ Hoài Sơn: Tổng vốn ngân sách nhà nước (nguồn vốn sự nghiệp) thực hiện trong năm 2024 là 11.996.000.000 đồng. Theo đó, huyện Lục Nam thực hiện đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, triển khai các mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống và thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho người nghèo.

Đồng thời, hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng, hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững…. Cung cấp thông tin thị trường lao động, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, kết nối cung - cầu lao động cho người lao động.

Để thực hiện được các mục tiêu trên, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên. Động viên, hướng dẫn người nghèo, hộ nghèo kiến thức trong lao động, sản xuất, sinh kế để chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại.

Tập trung đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, tiểu dự án thành phần thuộc Chương trình đảm bảo đúng quy định, đảm bảo điều kiện bố trí và giải ngân kế hoạch vốn theo từng danh mục dự án đã được phân bổ vốn.

20221208150721-ggggg.jpg
Huyện tập trung tuyên truyền về chính sách BHYT cho người dân trên địa bàn huyện Lục Nam.

Ngoài ra, huyện sẽ tập trung các giải pháp khắc phục những vướng mắc, khó khăn đối với dự án chuyển tiếp hoàn thành trong năm 2024 tăng cường đôn đốc các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn tập trung hoàn thiện các thủ tục pháp lý, nghiệm thu và thanh toán cho khối lượng hoàn thành đủ điều kiện. Đối với các dự án mới năm 2024 phải thực hiện giao kế hoạch vốn ngay từ đầu năm để hoàn chỉnh việc lựa chọn nhà thầu, thực hiện trong năm 2024.

Đồng thời tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ những người làm công tác giảm nghèo, những người tham gia thực hiện các nội dung của Chương trình để hỗ trợ người nghèo vươn lên thoát nghèo. Thường xuyên tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm về công tác giảm nghèo từ cấp huyện, cấp xã để nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong thực hiện công tác giảm nghèo.

Đẩy mạnh các phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau", khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên "thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no" của người dân và cộng đồng, phấn đấu "Vì một Việt Nam không còn đói nghèo".

Triển khai công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo định kỳ hàng năm và thường xuyên theo quy định, đảm bảo công khai, dân chủ, có sự tham gia của các cấp, các ngành, các hội, đoàn thể và người dân, đảm bảo kết quả rà soát phản ánh chính xác thực trạng hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện. Xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thống nhất về giảm nghèo, tăng cường cung cấp thông tin, giúp người nghèo kết nối với thị trường lao động, thị trường hàng hóa. Thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động, dự án, chính sách về giảm nghèo trên địa bàn huyện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Lục Nam sử dụng hiệu quả nguồn vốn giảm nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO