Xã hội

Huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận): Phát triển cây thanh long góp phần giảm nghèo bền vững

Linh Nga 23/10/2023 - 10:42

Huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) là địa phương chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng hạn hán thường xuyên xảy ra. Theo đó, để phát triển ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, huyện đã khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang loại cây chịu được hạn, mang lại năng suất cao, giúp dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Những năm qua, xác định cây thanh long là cây trồng chủ lực vì loại cây này chịu được hạn tốt, mang lại năng suất cao nên huyện Hàm Thuận Bắc đã khuyến khích nhân dân phát triển cây thanh long nhằm góp phần xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu.

a-1-vuon-thanh-long.jpg
Cây thanh long mang lại giá trị kinh tế cao, giúp dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu

Cụ thể, ngay từ Đại hội Đảng bộ huyện Hàm Thuận Bắc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2005 – 2010, huyện đã đề ra chỉ tiêu đến năm 2010 phấn đấu toàn huyện có từ 4.500-5.000ha thanh long. Theo đó, hàng năm huyện sẽ phấn đấu trồng mới từ 500ha trở lên. Để thực hiện chủ trương này, UBND huyện đã ban hành kế hoạch hành động, trong đó đã giao cho các cấp, các đơn vị liên quan tạo mọi điều kiện cho nhân dân đầu tư phát triển mạnh cây thanh long, mở rộng diện tích nhưng phải bảo đảm trồng trong vùng quy hoạch, có đầy đủ các yếu tố về thủy lợi, giao thông, điện để cây phát triển và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Bên cạnh đó, UBND huyện cũng yêu cầu các ngành như Ngân hàng, Quỹ tín dụng, Thủy nông và Công ty điện tạo điều kiện về vốn vay, nguồn nước tưới và lưới điện hạ thế để tạo điều kiện cho nông dân phát triển thanh long đạt hiệu quả kinh tế cao. Tính đến nay, diện tích cây thanh long trên địa bàn huyện khoảng 9.400 ha, tạo được nguồn thu tốt cho người dân nơi đây, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương.

Theo lãnh đạo huyện Hàm Thuận Bắc, kinh tế phát triển đã làm cho diện mạo huyện Hàm Thuận Bắc không ngừng đổi thay. Hiện nay, toàn huyện có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 2 thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh. Đời sống người dân được cải thiện, từ chỗ gần 70% hộ nghèo khó, thiếu ăn lúc mới chia tách huyện, đến nay đời sống vật chất và tinh thần của đại bộ phận nhân dân được cải thiện rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 48 triệu đồng; Tỷ lệ hộ dùng điện, sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 99%, ai cũng có nhà ở khang trang, kiên cố, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều từ 14,88% năm 2001 giảm xuống còn 4,44% năm 2022; hộ cận nghèo còn 4,47%...

a-2-ntm-ham-thuan-bac.jpg
Kinh tế phát triển giúp cho diện mạo nông thôn ở huyện Hàm Thuận Bắc đổi thay từng ngày

Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Bắc cho biết: Thời gian qua, cây thanh long đã và đang khẳng định là cây trồng chủ lực mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần giảm nghèo và làm giàu ở địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh hiệu quả đạt được, thì việc phát triển cây thanh long cũng đang gặp phải một số khó khăn như: hiện nay tại một số địa bàn trong huyện việc thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), bóng đèn huỳnh quang thải đối với vườn thanh long sau sử dụng vẫn chưa được thực hiện đúng theo quy định, làm cho nguồn nước và môi trường đất ô nhiễm, đe doạ nghiêm trọng tới các hệ sinh thái và đặc biệt là sức khoẻ của con người. Bên cạnh đó, do tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 nên tình hình tiêu thụ trái thanh long tươi trên địa bàn huyện cũng gặp nhiều khó khăn.

Để phát triển bền vững cây thanh long, nâng cao giá trị và góp phần phát huy thương hiệu thanh long của huyện Hàm Thuận Bắc nói riêng và của tỉnh Bình Thuận nói chung, hiện nay huyện Hàm Thuận Bắc đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, đối với việc quản lý chất thải nguy hại từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, huyện đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng thuốc BVTV an toàn, tránh những tồn dư của BVTV thẩm thấu vào môi trường và thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng vào bể chứa do địa phương bố trí; tuyên truyền, hướng dẫn các hộ dân trồng thanh long sử dụng đèn điện không được vất bỏ bóng đèn ra môi trường tự nhiên đặc biệt là các suối, kênh rạch; lồng ghép nội dung yêu cầu về BVMT trong quá trình đánh giá và cấp Giấy chứng nhận VietGAP…

Đối với việc nâng cao hiệu quả sản xuất và giá trị của cây thanh long, huyện Hàm Thuận Bắc đang đẩy mạnh phát triển các sản phẩm mới từ thanh long. Tính đến nay, Hàm Thuận Bắc có hơn 10 sản phẩm chế biến sâu từ trái thanh long tươi được công nhận sản phẩm OCOP, xếp hạng từ 3 - 4 sao như: nước cốt thanh long trắng, nước cốt thanh long đỏ, rượu vang thanh long, rượu thanh long men’s, trà hoa thanh long, hoa thanh long sấy, mứt thanh long, thanh long sấy dẻo trắng, thanh long sấy dẻo đỏ…

Thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã có một sản phẩm OCOP, phấn đấu đến cuối năm 2023 sẽ có thêm ít nhất 6 sản phẩm được công nhận OCOP từ 3 sao trở lên. Đồng thời, tăng cường quảng bá thương hiệu; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ…

Bên cạnh đó, huyện sẽ tích cực hỗ trợ các Hợp tác xã mở rộng mô hình phát triển du lịch trải nghiệm vườn thanh long; phối hợp Liên minh Hợp tác xã tỉnh triển khai dự án “Hệ sinh thái sản xuất và tiêu dùng bền vững trái thanh long Bình Thuận”. Đây được xem là cơ hội để phát triển du lịch trải nghiệm vườn thanh long, kết hợp tham quan và thưởng thức sản phẩm chế biến từ trái thanh long tươi của một số hợp tác xã trên địa bàn Hàm Thuận Bắc…góp phần tạo việc làm, thu nhập cao, tăng giá trị xuất khẩu, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo hướng bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận): Phát triển cây thanh long góp phần giảm nghèo bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO