(TN&MT) - Báo TN&MT nhận được đơn thư của bà Lã Thị Mai, thôn Nà Phai, xã Bắc Lãng, huyện Đình Lập (Lạng Sơn) phản ánh gia đình bà được nhà nước bàn giao thửa đất số 83 tại Khe Ma, thôn Nà Phai, xã Bắc Lãng để trồng rừng từ năm 1996. Tuy nhiên, vừa qua khi gia đình bà Mai chuẩn bị trồng rừng mới thì UBND xã Bắc Lãng đã ra Công văn số 68/UBND ngày 18/6/2014 về việc đình chỉ phát và đốt rừng. Nhưng điều ngạc nhiên là UBND xã Bắc Lãng quy cho bà là đốt rừng “tự nhiên” tại chính thửa đất đã giao cho gia đình bà làm kinh tế rừng, khiến cho gia đình bị thiệt hại nặng nề do cây giống bị chết dần, chết mòn.
Rừng trồng “hô biến” thành rừng tự nhiên
Trong đơn, gia đình bà Lã Thị Mai có 4 thửa đất số 83, 88, 90, 986 đã được nhà nước bàn giao cho ông Hoàng Văn Châu (chồng bà Mai). Trước đó, các thửa đất trên đã được khoanh nuôi, bảo vệ và sử dụng từ khi nhà nước giao sổ xanh. Năm 1996, gia đình bà Mai đã trồng cây trám, bạch đàn... trên các thửa đất đó.
Bà Mai bên mảnh vườn ươm giống cây đã bắt đầu chết dần
Năm 2006, nhà nước đã chính thức giao đất cho hộ gia đình bà tại biên bản Giao nhận đất lâm nghiệp ngày 26/9/2006. Với sự có mặt của ông Lý Văn Tuấn Chủ tịch UBND xã Bắc Lãng và đại diện gia đình là ông Hoàng Văn Châu, địa điểm khu đất giao là khu Khe Ma tại thửa đất số 83,88,90,986 tờ bản đồ giao đất lâm nghiệp (2006). Diện tích được giao tại thời điểm đó là 281.500 m2, loại đất được giao là đất nông nghiệp. Bà Mai cũng được chính quyền địa phương giao đất tại biên bản giao, nhận đất lâm nghiệp tại thực địa ngày 26/9/2006 và trong biên bản giao nhận đất không có rừng tự nhiên.Kể từ khi được giao đất, gia đình bà đã tiếp tục đầu tư trồng rừng và bảo vệ khu đất rừng này.
Đầu năm 2014, gia đình bà Mai đã mạnh dạn thế chấp sổ đỏ, vay vốn ngân hàng 30 triệu đồng để đầu tư vào trồng rừng keo. Tuy nhiên, trong quá trình dọn phủ bì để trồng keo, Gia đình bà Mai bị thôn Nà Phai khiếu nại lên UBND xã về việc mình chặt chặt tre và cây gỗ mọc “tự nhiên” trong chính lô đất mà mình đã có quyền sử dụng từ năm 2006 (đơn gửi ngày 12/6/2014).
Đến ngày 13/6/2014 tổ chuyên môn xã Bắc Lãng và Kiểm lâm huyện Đình Lập đến kiểm tra thực tế hiện trường có ghi nhận số cây tre đã bị chặt hết (khai thác có giấy phép) và cây gỗ bị đốn hạ, chưa đốt. Sau đó, tổ công tác ghi biên bản báo cáo UBND huyện xem xét xử lý”.
Biên bản giao nhận đất tại thực địa
Tiếp đó, ngày 18/6/2014 UBND xã Bắc Lãng đã có Công văn số 68/UBND về việc “Đình chỉ phát và đốt rừng tự nhiên tại thửa đất số 83, tiểu khu I, Khe Ma, thôn Nà Phai” vì lý do nhận được đơn của thôn phản ánh về việc bà Mai “phá hết cây tự nhiên để trồng cây”. Bà Mai kiến nghị lên UBND xã rằng diện tích bà dọn thực bì để trồng rừng là đất của gia đình được Nhà nước giao từ lâu và cũng có giấy phép khai thác. Tuy nhiên, tại Công văn này, UBND xã Bắc Lãng đã ghi rõ: “Thửa đất số 83 với diện tích 14,54 ha, chưa cấp giấy chứng nhận cho cá nhân tổ chức nào”?!!!.
Biên bản thu thuế tài nguyên do gia đình bà Mai đóng
Dân nghèo khốn khổ
Được biết, từ khi được giao đất đên nay, gia đình bà Mai đã đầu tư và nhiều lần khai thác. Trước khi khai thác, gia đình bà đều viết đơn đăng ký khai thác lâm sản có bảng dự kiến sản phẩm khai thác do chính ông Đàm Văn Thành, Chủ tịch UBND xã xác nhận và kèm theo biên lai thu thuế tài nguyên xác nhận gia đình bà có nộp thuế đầy đủ.
Biên bản thu thuế tài nguyên do gia đình thực hiện
Được biết gia đình bà Mai vẫn thuộc diện hộ nghèo. Nhờ đó gia đình bà đã được nhà nước hỗ trợ cho vay vốn để trồng rừng phát triển kinh tế, bà Mai đã mạnh dạn mua giống về ươm, đến kì “cõng” cây lên đồi trồng thì bị người dân trong thôn do không hiểu biết về việc bà đã được giao khu vực trồng rừng khiếu nại. Từ đó, dẫn đến việc kết luận thiếu cơ sở pháp lý của UBND xã Bắc Lãng đã gây khó khăn cho gia đình bà. Đến nay, gần như cây giống đã chết hết, hoặc quá tuổi trồng, ước tính gia đình bà thiệt hại gần trăm triệu đồng.
Bà Mai đã có đơn cầu cứu đi khắp nơi, nhưng không hiểu tại sao tới bây giờ mà chưa có cơ quan công quyền nào “ngó” tới việc của gia đình bà. Cây giống thì chết mòn, gia đình thì bế tắc không biết bấu víu vào đâu.
Trao đổi về vấn đề này, luật sư Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc Công ty luật Đại Nam (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết: Theo trình bày, gia đình bà Mai đã được giao đất có biên bản và từ đó, gia đình bà sử dụng ổn định, liên tục, không vi phạm các quy định của luật đất đai. Xét theo luật đất đai thì gia đình bà Lã Thị Mai đủ điều kiện để cấp GCNSDĐ. Tuy nhiên, do sơ xuất khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thiếu thửa đất số 83. Do đó, một số cán bộ thôn, xã đã lợi dụng sự thiếu xót trên để nhằm mục đích lấy lô đất đó về làm rừng khoanh nuôi chung của thôn là trái pháp luật, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình bà Mai.
Báo TN&MT sẽ thông tiếp về vụ việc.
Hải Trung Kim – Thụy Anh