Hiện nay, huyện Điện Biên có diện tích đất có rừng là 72.651,25ha và chủ yếu là rừng tự nhiên chiếm tỷ lệ hơn 90%. Thời gian qua, lực lượng chức năng, chính quyền các xã trên địa bàn huyện đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng.
Cùng với đó, huyện còn xác định công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Chính vì vậy, UBND huyện Ðiện Biên đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền các xã tăng cường nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, nhất là đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát lâm sản, chú trọng địa bàn trọng điểm, vùng giáp ranh; kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi lấn chiếm rừng, đất lâm nghiệp trái pháp luật; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức cho người dân và các chủ rừng.
Huyện Điện Biên luôn nâng cao công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng |
Để đảm bảo chất lượng trong công tác bảo vệ rừng và sự nhận thức của người dân được nâng cao. Hạt Kiểm lâm huyện Điện Biên phối hợp với chính quyền xã Mường Pồn tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng tới từng chủ rừng; xây dựng quy ước bảo vệ rừng; tuyên truyền sâu rộng về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, nhằm giúp cho người dân cùng nhau bảo vệ rừng bởi vì Bảo vệ rừng chính là bảo vệ cuộc sống của chúng ta.
Xã Mường Pồn huyện Điện Biên, trong những năm gần đây, ý thức, trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng của người dân được nâng cao, rừng được bảo vệ an toàn, tăng độ che phủ. Người dân cũng dần có thu nhập ổn định nhờ được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng và khai thác lâm sản phụ trong rừng theo quy định. Hiện nay, diện tích tự nhiên toàn xã Mường Pồn là: 12.518,77 ha. Trong đó, diện tích đất có rừng được chi trả 6318,47 ha rừng, Xã có 10 cộng đồng thôn bản và 18 hộ gia đình tham gia công tác quản lý bảo vệ rừng.
Ông Vì Văn Khiên, Trưởng bản Mường Pồn 1, xã Mường Pồn, huyện Ðiện Biên chia sẻ: Bản Mường Pồn 1 được giao quản lý và chăm sóc 406,51 ha rừng, mỗi năm bản Mường Pồn 1 được chi trả từ 450 đến 500 triệu đồng. Nhờ công tác tuyên truyền chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng từ cán bộ kiểm lâm, cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh cho bà con trong bản, bà con đã nhận thức được phải bảo vệ rừng tốt, thì mức chi trả tiền ngày càng cao sẽ giúp người dân cải thiện được cuộc sống. Những năm qua, nạn phá rừng làm nương đã chấm dứt hẳn, bản đã xây dựng được quy ước bảo vệ rừng, thành lập tổ tuần tra bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng kịp thời. Nhờ đó các khu rừng đủ điều kiện cung ứng dịch vụ môi trường rừng của bản đã được bảo vệ và ngày càng xanh tốt.
Việc khoanh nuôi bảo vệ rừng đã thành phong trào khắp các thôn, bản tổ chức cá nhân trên địa bàn huyện Điện Biên |
Bên cạnh đó, việc khoanh nuôi, bảo vệ rừng đã thành phong trào lan tỏa rộng khắp các thôn bản, nhiều tổ chức cá nhân ở huyện Điện Biên nhận khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng. Các vụ vi phạm pháp luật về việc khai thác gỗ trái phép đã giảm rõ rệt, tính chất các vụ việc không còn phức tạp. Những địa bàn từng một thời nóng về tình trạng khai thác, buôn bán và vận chuyển lâm sản trái quy định cũng đã dần ổn định, kiểm soát được tình hình. Tất cả là nhờ ý thức của người dân, vai trò của chính quyền được nâng cao. Đặc biệt là chính sách chi trả môi trường rừng đã lan toả tình yêu rừng đến với người dân.